(VnMedia) - Nói về việc làm cáp treo tới hang Sơn Đoòng, trước những băn khoăn lo lắng khi thực tế nhiều di sản nhỏ ở ngay tại Hà Nội cũng chưa được quản lý tốt dẫn đến hư hỏng, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Nếu thế thì tốt nhất không làm gì, đóng cửa lại!”
|
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi hiểu rằng sẽ có những rủi ro |
Những ngày gần đây, người dân cả nước đều cảm thấy nức lòng tự hào trước vẻ đẹp có một không hai của hang Sơn Đoòng tại Quảng Bình. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sự lo lắng cho công cuộc bảo tồn, nhất là khi một doanh nghiệp đề xuất làm tuyến cáp treo đưa du khách đến thăm quan. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này.
- Thưa ông, với đường vào hang động Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình đã họp báo cho biết, tuyến cáp treo chỉ dừng lại ở cửa sau của hang động thôi. Tuy nhiên, hiện vẫn có những ý kiến phản đối việc xây dựng tuyến cáp treo này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng phải tách hai việc ra. Thứ nhất, cáp treo chỉ là phương tiện vận chuyển, để tiếp cận. Thứ hai là việc bảo vệ hang Sơn Đoòng, bảo tồn giá trị của nó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực. Đương nhiên hai việc này có mối quan hệ với nhau, là vì có cáp treo nên số lượng người đến sẽ đông hơn, khả năng ô nhiễm sẽ cao hơn.
Nhưng bất kỳ một di sản nào cũng có hai mặt, đó là bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta chỉ bảo tồn theo nghĩa cố gắng giữ nguyên vẹn và hạn chế tối đa như hiện nay là chỉ trừ một vài nhà chuyên môn có liên quan, có trách nhiệm và những người có tiền, nhất là những người nước ngoài mới đến được thì phải đặt vấn đề là di sản để phục vụ ai?
Tất nhiên là nếu chúng ta không quản lý tốt, không có những giải pháp bảo tồn thì rõ ràng nó sẽ bị phá hoại. Thế nên, tôi nghĩ phải tách hai điều này ra. Việc giải quyết phương tiện đi lại để giảm nhẹ thời gian, và đó cũng là một cách bảo tồn nếu chúng ta tạo ra những tuyến ít tác động nhất đối với hệ sinh thái. Đồng thời, việc khai thác được tầm nhìn từ trên cao xuống di sản cũng là một giá trị.
Thế nhưng, phải làm rất nghiêm vì phải tính toán trên cơ sở rất khoa học, làm thế nào để bảo tồn hang Sơn Đoòng một cách tốt nhất khi xây dựng tuyến vào thăm quan, phải có những giải pháp để quản lý, đặc biệt là phải khống chế số lượng người đến theo quy định. Ở đây phải có sự thỏa thuận hay quản lý rất chặt cơ quan quản lý và cơ quan được giao quyền khai thác.
Một là chọn tuyến đường phải hợp lý, tác động tối thiểu đến yếu tố cảnh quan; phải có phương án tối ưu, giảm tối đa tác động vào di sản. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi cho là rất khó, đó là phải quản lý rất chặt khu vực lõi trong hang. Điều này đòi hỏi mọi sự triển khai phải nghiêm túc trong tất cả các khâu và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải cao để giám sát hoạt động kinh doanh. Như thế ta sẽ giải quyết được cả hai mặt bảo tồn và phát triển, bảo tồn trong giới hạn tối đa và phát triển trong giới hạn cho phép. Nếu chúng ta cứ để tình trạng như hiện nay thì thực tế chúng ta bảo tồn được, nhưng không khai thác được, hoặc chỉ khai thác phục vụ một số đối tượng.
- Như vậy có nghĩa là ông ủng hộ việc xây dựng cáp treo đi đôi với việc quản lý chặt chẽ?
Chúng ta phải nhìn vào các di sản trên thế giới. Họ vẫn cho khai thác nhưng với điều kiện hết sức chặt chẽ. Đương nhiên đó là về lý thuyết, còn trên thực tế nó sẽ là một cuộc đấu tranh rất là khó, đòi hỏi sự giám sát và năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương.
- Có phải ông muốn nói rằng việc xây dựng cáp treo là tốt nếu đi kèm theo đó là sự quản lý, giám sát chặt chẽ, nhưng đó chỉ là lý thuyết? Vậy trên thực tế, ông có tin tưởng rằng chúng ta có thể vừa phát triển mà vẫn bảo tồn được với tuyến cáp treo đó không?
Tôi nói ví dụ như Yên Tử, các bạn có tưởng tượng là hàng vạn con người đi trên con đường truyền thống đó thì sẽ có bao nhiêu chất thải ra? Ngay việc bảo tồn hàng Tùng lúc đó cũng rất cấp bách. Cáp treo rõ ràng giải quyết được vấn đề đó, giúp người yếu, người già có thể lên được. Nó có cả hai mặt, vấn đề còn lại là anh có quản lý tốt hay không. Lúc đầu dư luận cũng rất băn khoăn việc xây dựng cáp treo vì không hình dung được sẽ có bao nhiêu cột và những cái cột sẽ đứng ở đâu, có đi ngang qua đầu, qua di tích để mất đi tính linh thiêng hay không. Rõ ràng là có áp lực về việc phải chọn được phương án tối đa mục tiêu bảo tồn chứ không phải phương án tối đa về mặt khai thác.
- Như ông nói thì điều quan trọng là phải khống chế số lượng người đến thăm quan di sản này. Nhưng dự kiến tuyến cáp treo này sẽ giao cho doanh nghiệp khai thác, mà chắc chắn doanh nghiệp họ sẽ tối đa hóa lợi nhuận. Như thế, liệu có thể quản lý, bảo tồn tốt được không?
Đó là do quản lý kém và anh phải có điều kiện. Tôi hiểu rằng sẽ có những rủi ro, nhưng rủi ro chủ yếu do chúng ta quản lý kém, thậm chí có tiêu cực trong quản lý. Còn nếu anh bảo không được làm cáp treo thì chúng ta phải đi bằng phương tiện khác dưới mặt đất. Còn như hiện nay thì chỉ những người có tiền mới vào được thôi.
Vậy đứng ở góc độ với xã hội thì phải tách hai việc ra. Một là về cáp treo, không có lý do gì để chúng ta hạn chế, vấn đề là làm như thế nào để hạn chế tối đa tác động tiêu cực.
- Nhưng với cách quản lý những di sản hiện nay, nhìn vào thực tế ngay ở Hà Nội, với những di sản ngay cạnh chúng ta, có quy mô rất nhỏ mà sự quản lý vẫn thất bại, để lại nhiều bài học đau lòng thì với một di sản lớn như hang Sơn Đoòng liệu có khả thi?
Nếu nói như thế thì tốt nhất là không làm gì hết. Đóng cửa lại, thế thôi. Đóng cửa lại!
- Xin cảm ơn ông!
Tuệ Khanh -
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc