Chung cư sắp sập, vẫn loay hoay “lợi ích 3 bên”

16:04, 29/10/2014
|

(VnMedia) - Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ, trong đó có 70 công trình nguy hiểm cấp C và một số công trình nguy hiểm cấp D. Tuy nhiên đến nay, chỉ mới 14 nhà chung cư được cải tạo. Trong lúc này, mọi sự trì trệ vẫn là do "lợi ích 3 bên" vẫn chưa thể cân đối...

 Ảnh minh họa

Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cần được cải tạo, nhưng hiện tiến độ đang dậm chân tại chỗ chỉ vì chưa cân đối được "lợi ích 3 bên" - ảnh: Đức Huy


Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4 - 6 tầng và 10 khu thấp từ 1 - 3 tầng, phần lớn được xây dựng trước năm 1990, tập trung tại các quận nội thành cũ. Ngoài ra còn các khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản, đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố.
 
Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP, ngày 3/7/2007 của Chính phủ đã đề ra đến năm 2015, các đô thị phải cải tạo hết các chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay trong 1155 khu chung cư cũ nói trên, TP. Hà Nội  mới chỉ xây dựng, cải tạo được 14 chung cư cũ.
 
Trong khi Hà Nội đã kiểm định, phân loại nhà chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp, xác định khoảng 70 công trình nguy hiểm cấp C chủ yếu tập trung tại quận Ba Đình và một số công trình nguy hiểm cấp D, thì chỉ một số ít công trình nguy hiểm đã được cải tạo xây dựng lại gồm: B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, I 2, I 3 Thái Hà; P3 Phương Liệt (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng); 51 Huỳnh Thúc Kháng (đã tổ chức di dời, tạm cư cho các hộ dân); một số công trình đang thi công xây dựng tại Giảng Võ. Tuy  nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, công tác cải tạo xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện rất chậm.
 
Tại Hội thảo Tái thiết Chung cư cũ Thành đô thị sống tốt, được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10, các đại biểu tham dự đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc tái thiết chung cư cũ đang bị “dậm chân tại chỗ”, trong khi chất lượng sống tại các khu chung cư này đã xuống rất thấp, thậm chí nhiều tòa nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
 
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), việc cải tạo, tái thiết đô thị nói chung và cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ nói riêng tại các đô thị trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là chưa giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư và người dân.
 
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra 8 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc tái thiết chung cư cũ, trong đó nhấn mạnh: “trên thực tế do khó khăn về vốn, công tác điều tra, khảo sát các khu nhà ở cũ rất phức tạp, vì vậy các địa phương chủ yếu thực hiện việc chọn chủ đầu tư trước và giao các chủ đầu tư tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học và thực hiện lập quy hoạch chi tiết khu vực cần cải tạo.”
 
“Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các chủ sở hữu căn hộ thiếu tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, không đồng thuận về phương án cân đối tài chính dự án của chủ đầu tư; các chủ đầu tư thì mong muốn có lợi nhuận tối đa nên khi lập quy hoạch thường vượt quy chuẩn về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, dẫn đến quy hoạch khu vực cần cải tạo chậm được phê duyệt”. - ông Ninh nói.
 
Còn theo PGS, TS Vũ Thị Vinh thì việc cải tạo chung cư cũ đang gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc rất khó tháo gỡ trong quan hệ dân sự giữa Chủ đầu tư vốn đất xây dựng (dân cư dự án) với Chủ đầu tư vốn xây dựng (Doanh nghiệp) và Chính quyền sở tại. Theo đó, “Nghị định 34 của Chính phủ chưa làm rõ mối quan hệ giữa người dân sống tại khu chung cư cũ về quyền và trách nhiệm của họ như thế nào với các Chủ đầu tư vốn xây dựng và Chính quyền sở tại. Do sự chưa rõ ràng đó đã tạo nên sự chưa đồng thuận giữa các bên”.
 
TS Vinh cũng cho biết, mới đây, tại một cuộc họp về tái thiết chung cư cũ, chính Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thừa nhận, hiện Hà Nội đang triển khai nhiều dự án cải tạo chung cư cũ, song sự thiếu đồng thuận đang là rào cản cho quá trình này.
 
Điều đáng chú ý, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho việc cải tạo chung cư cũ chưa thực hiện được là do “rào cản” hạn chế chiều cao các tòa nhà mới xây. “Theo đánh giá chung, đối với dự án chung cư 5 tầng phải được cải tạo, xây dựng lại với quy mô từ 15- 20 tầng mới có khả năng cân đối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh dự án” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Nguyễn Trọng Ninh nêu rõ.
 
Ngược lại, KTS lão thành Trần Công Thanh đánh giá, cơ chế thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ của thành phố đề ra chưa tính đến vai trò chủ thể của các chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư, nên nhân dân bất bình & không đồng tình ủng hộ thực hiện dự án. Theo đó, về tư cách pháp nhân, trong dự án kinh doanh chỉ thừa nhận vai trò chủ bỏ vốn xây dựng công trình mà không thừa nhận vai trò chủ sử dụng đất hợp pháp. “Toàn bộ dân cư bị gạt ra khỏi dự án kinh doanh, không được tham gia lập dự án đầu tư; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án, xem xét kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án kinh doanh.” - KTS Trần Công Thanh nói.
 
Vậy, lời giải của bài toán tái thiết chung cư cũ có thực sự nằm ở số tầng sẽ xây mới là bao nhiêu, hay còn những giải pháp nào khác vừa giúp xây dựng lại những tòa nhà chung cư cũ, vừa đem đến một không gian đô thị sống tốt?
 
Bài 2: Cải tạo chung cư cũ: Người dân cũng là chủ đầu tư


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc