(VnMedia) - Hiện chúng ta có gần 7.000 hồ đập và trong những năm vừa qua, có một số hồ đập chất lượng không được như mong muốn, bị vỡ. Có cả trường hợp đang thi công bị vỡ… - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói sau sự cố vỡ đập phụ đầm Hà Động, Quảng Ninh.
>>Vĩnh Phúc: Rùng mình lo thảm họa "quả bom nước"
>>Vĩnh Phúc: 60 vạn dân sống trong lo sợ chờ 70 tỷ
Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng công tác đảm bảo an toàn hồ đập – những “quả bom nước” vẫn chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Và một trong hàng nghìn “quả bom nước” đó đã phát nổ.
Sự cố vỡ đập phụ đầm Hà Động nhấn chìm nhiều nhà cửa, công trình ở xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh xảy ra sáng 30/10 đang khiến dư luận hết sức lo lắng, bởi hồ này mới được khánh thành vào năm 2011, với mức đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước có tới gần 7000 hồ đập, trong đó có nhiều hồ thủy lợi được xây dựng thô sơ từ hàng chục năm nay và đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm.
Sự cố vỡ đầm phụ đầm Hà Động nhấn chìm nhiều nhà cửa, gây hoang mang cho người dân - ảnh: Thanh Niên |
Bên hành lang Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời phỏng vấn báo giới xung quanh vụ việc nghiêm trọng này.
- Sự cố vỡ đập phụ đầm Hà Động, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã gây hậu quả khá nghiêm trọng. Vậy cơ quan chức năng đã có những động thái gì thưa Bộ trưởng?
Các cơ quan chức năng đang phối hợp với lãnh đạo và các sở, ban ngành địa phương khắc phục hậu quả. Hiện tại, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp xem xét tìm ra nguyên nhân vỡ đập để tiếp tục khắc phục sự cố. Bộ Xây dựng đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Quang Hùng trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục sự cố vỡ đập và các cán bộ của Cục Giám định chất lượng Bộ Xây dựng cũng đã đến tận hiện trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân sự cố để có giải pháp khắc phục.
- Cụ thể Bộ Xây dựng đã triển khai những biện pháp gì sau sự cố vỡ đập phụ đầm Hà Động, thưa Bộ trưởng?
Khi có thông tin đập phụ đầm Hà Động vỡ, Bộ Xây dựng đã phân tích cho thấy đây là đập thuộc loại trung bình, với dung tích khoảng 15 triệu mét khối, chiều cao cột nước đập 27,5 mét. Đập do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, quản lý Nhà nước về công trình.
Sau khi bị cơn lũ đột xuất với tần suất nước lớn, tràn đỉnh đập và chỗ yếu nhất là đập phụ đã bị vỡ, rất may là không thiệt hại về người. Nhận được tin này, Bộ Xây dựng đã cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, phối hợp trực tiếp với các cơ quan chức năng địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét các nguyên nhân, bàn các giải pháp khắc phục. Nguyên nhân cụ thể sẽ được thông báo khi có kết luận cụ thể của các cơ quan chức năng đánh giá và Cục Giám định chất lượng về xây dựng của Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo cụ thể.
- Thưa Bộ trưởng, liên Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương vừa qua đã thực hiện kiểm tra an toàn hồ đập, vậy tại sao vẫn xảy ra sự cố vỡ đập phụ đầm Hà Động?
Đúng là các cơ quan chức năng đã có cuộc kiểm tra toàn diện các hồ đập và Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo Chính phủ. Trong báo cáo, Bộ Xây dựng đã phân loại các đập yếu, cần khắc phục. Tuy nhiên, đập Hà Động bị vỡ vì rơi vào trường hợp mực nước dâng rất nhanh và người quản lý đập bị động. Do vậy, việc xả tràn, xả lũ không đáp ứng được.
- Một số năm gần đây, các sự cố vỡ đâp thường xuyên xảy ra, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân có phải do công tác kiểm tra còn lỏng lẻo và các yêu cầu về an toàn hồ đập chưa được coi trọng?
Đảm bảo an toàn hồ đập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi vì hồ đập vỡ không chỉ thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư xây dựng hồ đập đó, mà còn làm thiệt hại đến kinh tế và tính mạng của người dân. Việc đảm bảo an toàn hồ đập luôn luôn phải được quan tâm từ khâu đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, đến việc nâng cao đảm bảo chất lượng khảo sát và thiết kế công trình và thi công công trình, Kiểm soát quá trình thi công công trình.
Hiện chúng ta có gần 7.000 hồ đập và trong những năm vừa qua, có một số hồ đập chất lượng không được như mong muốn, bị vỡ. Có cả trường hợp đang thi công bị vỡ… Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vỡ đập và có nguyên nhân thuộc về thiết kế, thi công và vận hành. Những vấn đề này đang được chấn chỉnh, để việc quản lý hồ đập được tốt hơn, hạn chế cao nhất những sự cố xảy ra đối với các hồ đập.
Ý kiến bạn đọc