Báo động: Hồ Gươm đang bị tầm thường hóa!

06:57, 10/10/2014
|

(VnMedia) - Nếu như Hà Nội những năm 1930 là một múi mít thì Hà Nội ngày nay là một… quả mít. Và Hồ Gươm, hạt mít của Hà Nội xưa, không thể tiếp tục đảm nhận vai trò lõi của quả mít - KTS Nguyễn Xuân Anh ví von tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm.


>>Vì sao Hà Nội trang trí "xanh xanh, đỏ đỏ"?
 

Không gian Hồ Gươm đang bị tầm thường hóa

 

Là một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị, KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện Quy hoạch đô thị) cho rằng, sự mở rộng về không gian của Hà Nội trong khoảng 30 năm gần đây giống như một vụ nổ lớn, với quá trình tăng dân số không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng đô thị, khiến thành phố bị bệnh “đầu to”.

 

Theo KTS, với toàn bộ cấu trúc mở rộng bị thiếu hụt hạ tầng công cộng, và Hồ Gươm, với không gian hữu hạn đang phải tiếp tục là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng của một Thủ đô lớn gấp 22 lần.

 

“Có thể ví, nếu như Hà Nội những năm 1930 là một múi mít thì Hà Nội ngày nay là cả quả mít. Hồ Gươm, hạt mít của Hà Nội xưa, không thể tiếp tục đảm nhận vai trò lõi của quả mít.” - ông Nguyễn Xuân Anh ví von và cho rằng, không gian duy nhất đủ tầm để phục vụ công cộng cho đại đô thị Hà Nội là dải không gian ven sông Hồng.

 

Tuy nhiên, KTS Nguyễn Xuân Anh nhận xét, Hà Nội tỏ ra quá chậm chạp trong việc khai mở nút thắt này và hậu quả là không cần phải chờ đến những ngày có sự kiện lớn mà cứ đến cuối tuần, không gian quanh Hồ Gươm và các tuyến phố dẫn đến nó đã đầy ắp đến nghẹt thở.

 

“Trong hiện tại và tương lai, Hồ Gươm không nên tiếp tục là trung tâm sự kiện văn hóa lớn của cả thành phố, mà chỉ nên là trung tâm của một phần Hà Nội: lõi nội đô lịch sử. Cần một không gian khác để giảm tải cho nó, trả lại cho Hồ Gươm sự tĩnh lặng, tao nhã vốn có xưa nay” - Nguyễn Xuân Anh nói.

 

Phân tích những bất cập hiện có đối với khu vực Hồ Gươm như ảnh hưởng của sự thay đổi phương thức giao thông với quá nhiều ô tô; sự quá tải hoạt động hay ô nhiễm môi trường… KTS Nguyễn Xuân Anh đặc biệt nhấn mạnh về tình trạng “tầm thường hóa các mô hình khai thác không gian”, với công trình Hàm Cá Mập, cách sử dụng nhà hàng Thủy Tạ, nhà hàng Long Vân, mực nướng dưới chân tượng đài Cảm Tử, các ki-ốt tàn tạ bên hồ, những công trình nhà ống xây cao vọt...

 

“Đó đều là các biểu hiện của những ý đồ sử dụng thấp kém đang khai thác trên nền một không gian đắt giá. Chúng đem lại giá trị công cộng nhưng bóp méo nó xuống dưới tầm chất lượng thẩm mỹ công cộng mà không gian Hồ Gươm đã từng có và cần phải có” - KTS Nguyễn Xuân Anh thẳng thắn.


 Ảnh minh họa

 Tầm nhìn ra Hồ Gươm đang bị che khuất do tình trạng “tầm thường hóa các mô hình khai thác không gian" - ảnh minh họa: Báo Văn hóa

 

Cần bảo tồn cốt tủy Hồ Gươm

 

Phát biểu tại hội thảo về Hồ Gươm, KTS Vũ Hiệp cũng cho rằng diện tích đất trống ở Hồ Gươm không đủ để tạo ra nơi tập trung đông người và Hồ Gươm cũng không phù hợp để trở thành một địa điểm đông vui, ồn ào… “Hồ Gươm trong mắt người dân là nơi lặng lẽ cho những tâm sự của riêng mình, là nơi gặp gỡ của đôi lứa và bạn bè, là nơi tạo cảm hứng cho những lời thơ câu hát. Nó cần phải có độ trầm lắng nhất định để đánh thức những cảm xúc của con người” - KTS Vũ Hiệp tha thiết nói.

 

Với tình yêu Hà Nội và trách nhiệm của một người làm quy hoạch, Lê Xuân Anh đã gợi ý một số giải pháp, trong đó đề nghị tăng sức chứa hoạt động công cộng của không gian Hồ Hoàn Kiếm bằng cách duy nhất là loại bỏ càng nhiều càng tốt giao thông cơ giới quanh hồ; tăng kết nối tiếp cận hồ (như nối thẳng phố Nhà Thờ ra mặt nước); điều chỉnh để tầm nhìn từ phố và hồ không bị cản trở (hiện nay phố Bảo Khánh, Lương Văn Can bị nhà Thủy Tạ che khuất, phố Đinh Liệt bị nhà Hàm Cá Mập che khuất…)

 

“Tuy nhiên, sự tiếp cận mặt nước của các con phố, di tích kiến trúc, người đi bộ, cây cỏ… cần được thiết kế kỹ lưỡng, bởi những điểm chạm nhạy cảm đó làm nên vẻ đẹp và tính văn hóa” - Nguyễn Xuân Anh cẩn trọng đề nghị.

 

Tương tự, KTS Vũ Hiệp cũng đề nghị: “Dù có phát triển không gian Hồ Gươm theo hướng nào và bằng phương pháp nào đi chăng nữa thì chúng ta nhất định phải bảo tồn được cái cốt tủy sâu thẳm của Hồ Gươm, cái khí chất tự nhiên đã tạo ra sự quyến rũ không thể mô tả bằng lời, cái vô hình đã tạo ra nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân, nghệ sĩ”.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc