(VnMedia) - Sáng nay (10/10), tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm trưng bày hơn 100 tư liệu, bản đồ quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tới dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ông Phạm Đức Long, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cũng có mặt tham dự buổi triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Tùng Nguyễn. |
Triễn lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.
Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính sau: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 - 1945).
Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/1/1974.
Sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Sưu tập gồm 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa....
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Phát biểu khai mạc triển lãm, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Triển lãm tại Quảng Ninh hôm nay công bố nhiều tư liệu, bản đồ, văn bản, hiện vật, ấn phẩm; trong đó có những tư liệu rất mới so với các cuộc triển lãm và trưng bày trước đây, như Bộ atlas của Vương quốc Bỉ, đã được xuất bản từ năm 1827. Song đây mới chỉ là một phần nhỏ các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Đó là những phần lãnh thổ của đất Mẹ Việt Nam đã được các thế hệ người Việt từ bao đời nay khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ chiếm hữu, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục, hòa bình và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chính vì vậy, tổ chức triển lãm cũng là dịp để tri ân các thế hệ người dân Việt Nam đã hy sinh xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; đồng thời cũng là để bày tỏ sự cảm ơn đối với đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền tải tới thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những bằng chứng quan trọng này sẽ nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết ơn các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những bằng chứng này cũng nhắc nhở chúng ta phải nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, hun đúc ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam phát huy và kế thừa truyền thống quật cường của dân tộc trong bảo vệ mỗi tấc đất và biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm cũng sẽ giúp cộng đồng quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực...
Ý kiến bạn đọc