Sự thật khó tin về việc quản lý đất ở Hà Nội

06:31, 10/08/2014
|

(VnMedia) - Mặc dù giá trị đất đai ở Hà Nội được cho là “tấc đất tấc vàng”, thế nhưng, kết quả kiểm tra của sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy một bức tranh khó tin về thực trạng quản lý đất công ích và đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

10 quận nội thành: Đùn đẩy trách nhiệm

 

Theo báo cáo tổng hợp từ 4 quận nội thành cũ và 6 quận mới, tại UBND các phường phần lớn quản lý diện tích đất nông nghiệp trên hệ thống bản đồ hiện trạng được xây dựng từ giai đoạn 1993 đến 1998, nhưng công tác lập sổ theo dõi biến động vẫn chưa được UBND các phường quan tâm thực hiện.

 

Ngoài ra, các tài liệu, hồ sơ giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân cũng không được lưu giữ đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc để xảy ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, mặt khác chậm tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

 

Kết quả tổng hợp cũng cho thấy, tại UBND các phường chưa có hồ sơ đầy đủ đến từng thửa đất nông nghiệp do UBND phường đang quản lý, cụ thể, nhiều thửa đất chưa lập sơ đồ xác định ranh giới thửa đất và tập hợp các văn bản giao đất hoặc sổ theo dõi việc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

 

Tại UBND các phường không có hồ sơ quản lý đất nông nghiệp được bàn giao qua các thời kỳ, việc chuyển giao nhiệm vụ giữa Chủ tịch UBND phường và cán bộ địa chính qua các thời kỳ không có nội dung bàn giao hồ sơ quản lý đất nông nghiệp hay bàn giao trách nhiệm quản lý hiện trạng các diện tích đất nông nghiệp, làm cơ sở xác định trách nhiệm quản lý và xử lý khi phát sinh các công trình xây dựng trái phép theo quy định, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm đưa vụ việc vi phạm thành những tồn tại lâu năm, khó khăn cho việc xử lý vi phạm.

 

Nội dung thống kê, kiểm kê đất đai của UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã cũng được cho là thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo số liệu khi có yêu cầu của UBND Thành phố và các cơ quan chức năng.

 

Hiện nay, phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại các quận nội thành không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp do quá trình đô thị hóa nhanh, phần diện tích còn lại ở dạng mặt nước và đất bằng không còn khả năng canh tác.

 

Tại các quận còn các Hợp tác xã trực tiếp kê khai sử dụng đất và trực tiếp quản lý đất nông nghiệp thì cũng không đủ năng lực quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm và xây dựng trái phép nhưng không có biện pháp xử lý theo quy định; việc vi phạm xảy ra từ những năm trước đây nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định để tồn tại đến nay, UBND phường cũng không có biện pháp xử lý theo quy định.

 

Tại các quận do các UBND các phường đang trực tiếp quản lý, sau khi Hợp tác xã nông nghiệp giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân thì không còn hoạt động, trong khi các tài liệu quản lý đất nông nghiệp không được bàn giao cho các UBND các phường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai.

 

Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp tại UBND các phường cũng cho thấy, phần lớn các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trải dài qua nhiều năm nhưng chưa được UBND phường lập hồ sơ xử lý dứt điểm, hiện nay các hộ đã hoàn thiện nhà ở và sử dụng.

 

Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng của UBND các phường trong quản lý đất đai nói chung và quản lý đất nông nghiệp nói riêng.

 

Tại một số điểm, đất nông nghiệp trên địa bàn một số phường đã được UBND quận lập dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, trụ sở cơ quan, nhà văn hóa khu dân cư, tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất theo quy định.

 

Ngoài ra, công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công, đất công ích và đất bãi bồi ven sông tại một số phường được sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá là thiếu chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê và thu các khoản liên quan đến đất không đúng quy định, vi phạm các quy định của Luật Đất đai.


Ảnh minh họa

Sau khi Hợp tác xã nông nghiệp giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân, các tài liệu quản lý đất nông nghiệp không được bàn giao cho các UBND các phường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai - trong ảnh: một khu đất rộng tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân trước đây thuộc hợp tác xã quản lý, nay đang để trống chưa rõ mục đích sử dụng - ảnh: Xuân Hưng


Huyện, thị xã: Mập mờ đất công ích

 

Kết quả kiểm tra của 9 đoàn Thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp công ích tại Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Đan Phượng, các vi phạm chủ yếu trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp có tính phổ biến, chậm khắc phục được Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra là: UBND các phường, xã, thị trấn không thực hiện đấu giá để giao thầu sử dụng đất công ích theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc tùy tiện trong xác định đơn giá cho thuê đất công ích. Mặt khác, các khoản thu được từ việc cho thuê đất công ích chưa được quan tâm sử dụng đúng mục đích công ích của phường, xã thị trấn theo quy định.

 

Trong khi đó, UBND các phường, xã, thị trấn không thực hiện lập phương án sử dụng đất công ích trình HĐND cùng cấp phê duyệt theo quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức HĐND và UBND.

 

Tại nhiều phường, xã, thị trấn thuộc các huyện cho thuê đất công ích có thời hạn đến 10 năm, 20 năm, điều này vi phạm các quy định của Điều 72 Luật Đất đai năm 2003; cá biệt tại một số xã đã giao cho HTX hoặc các thôn quản lý và giao thầu đất công ích, vi phạm về thẩm quyền quảnlý và cho thuê sử dụng đất công ích.

 

Tại một số xã, thị trấn buông lỏng quản lý đất công ích, không lập hồ sơ quản lý đối với đất nông nghiệp công ích, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý theo quy định, để tồn tại đến nay.

 

Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích chưa được UBND các huyện, thị xã quan tâm thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm các quy định của Luật Đất đai tại các phường, xã, thị trấn bị kéo dài, nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất nông nghiệp công ích chậm được giải quyết.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc