Trong những lời căn dặn của Bác, lời đầu tiên, Người dặn về Đảng và việc đầu tiên được Người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng.
Đây là điều hệ trọng và quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đối với sự bền vững của chế độ, đồng thời đối với sinh mệnh của Đảng, nhất là khi Đảng ở vị thế cầm quyền.
Phải bắt đầu từ mỗi đảng viên, cán bộ và từng tổ chức đảng
Bản viết lần đầu tiên, năm 1965 Người ghi: “Trước hết nói về Đảng”.
Tháng 5/1968, khi sửa Di chúc, Người viết rõ thêm về điều hệ trọng này. Người trù tính những việc phải làm sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi. Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân…”.
Trong Di chúc, Người còn khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền” và Người dành cả một đoạn để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Toát lên trong toàn bộ nội dung bản Di chúc là lời căn dặn của Người, phải củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đảng và Chính phủ (cũng như Nhà nước nói chung) phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân.
Nỗi đau lớn, dằn vặt Người suốt bao năm tháng là tình trạng bất hòa giữa các Đảng anh em trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người căn dặn Đảng ta phải làm hết sức mình, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết. Người cũng tin tưởng sâu sắc rằng, các Đảng anh em, các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
Đoàn kết là một tư tưởng lớn, đó là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là chính sách chính trị lớn nhất, bao trùm nhất, trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Đảng, của Hồ Chí Minh mà Người đã dày công xây đắp cũng như ra sức thực hành mẫu mực nhất trong cả cuộc đời.
Những chỉ dẫn của Người về đoàn kết mang tính toàn diện, từ đoàn kết trong Đảng đến đoàn kết trong dân và đoàn kết quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân.
Điều sâu xa và cảm động nhất là điều Người căn dặn:
“Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Muốn vậy, phải chú trọng thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Cũng như vậy, việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em phải trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Người đã chỉ rõ cả mục đích và nguyên tắc, cả phương pháp và điều kiện để thực hiện đoàn kết, cả lý luận khoa học lẫn đạo đức, cả giá trị truyền thống và ứng xử văn hóa không chỉ để thực hành dân chủ và đoàn kết trong Đảng mà còn trong xây dựng Đảng nói chung.
Ở đây, trong vấn đề Đảng, điều làm ta thấm thía từ Di chúc của Người là ở chỗ, Người đề cập tới sự cần thiết phải chỉnh đốn lại Đảng, coi đó là việc trước tiên phải làm ngay sau khi cách mạng giải phóng miền Nam đã hoàn toàn thắng lợi.
Người hình dung ngày thắng lợi đang đến gần, đó sẽ là bước ngoặt trong sự phát triển của cách mạng nước ta, tình hình mới, nhiệm vụ mới đặt ra, đòi hỏi Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ, đảng viên cán bộ phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu, nêu cao trách nhiệm và đức hy sinh để trọn đời vì dân vì nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã lấn biển Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình, tháng 3/1962. Ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn |
Làm thế nào để Đảng không xa dân
Chỉnh đốn lại Đảng có hàm nghĩa sâu xa, toàn diện, từ chỉnh đốn tổ chức đến chỉnh đốn tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách, sao cho luôn luôn tỏ rõ là một Đảng cách mạng chân chính, có sức chiến đấu, thống nhất tư tưởng để thống nhất ý chí và hành động, muôn người như một người, chỉ vì dân mà tồn tại, chỉ vì dân mà hành động, có dũng khí tự phê bình và phê bình, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nêu cao đạo đức cách mạng, vượt qua những cám dỗ của Danh và Lợi để tận trung, tận hiếu với nước với dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, ở cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong nhiều chục năm, Người thấu hiểu những mặt mạnh và những mặt yếu của Đảng, những yếu kém, khuyết điểm của các tổ chức Đảng, của cán bộ đảng viên.
Người đã từng băn khoăn, lo lắng nhiều điều mà một trong những mối bận tâm lớn nhất của Người là làm thế nào để Đảng không xa dân khi đã cầm quyền, để Đảng thực sự tiêu biểu cho đạo đức và văn minh, để mỗi cán bộ đảng viên thực sự là những tấm gương sáng cho dân noi theo.
Lời dặn của Người, việc trước hết, trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng, vào lúc này càng trở nên cấp thiết, bức xúc và có tính thời sự biết nhường nào.
Cách tốt nhất để thực hiện lời dặn hệ trọng và thiêng liêng đó của Người vào lúc này là ra sức làm tốt những gì chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, khắc phục bằng được tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay để lấy lại niềm tin của dân với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Người để lại cho chúng ta những chỉ dẫn quý báu về Đảng cầm quyền và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”.
Trong đoạn ngắn này, 4 lần Người nhấn mạnh đến “thật” và “thật sự”, tất cả đều xoay quanh vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong quan hệ với dân, trong mục đích vì dân, trong sứ mệnh cao cả phục vụ dân, trong tư cách “người lãnh đạo” và “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân.
Ta nhớ lại, 67 năm về trước, vào năm 1947, Người viết “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên khi Đảng đã cầm quyền. Trong tác phẩm quan trọng này, Người đã vạch ra 12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính, làm nổi bật mối quan hệ giữa Đảng với dân, nêu cao một tư tưởng lớn “dựa vào dân mà xây dựng Đảng”, chỉ với 456 từ với 12 điều mà bao quát đầy đủ cả một chủ thuyết về Đảng cầm quyền và xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền.
Và trong Di chúc, với 57 từ, Người đã 4 lần nhắc tới chữ “thật”, khẳng định Đảng ta là Đảng cầm quyền và đặt lên hàng đầu việc trau dồi đạo đức cách mạng.
Người đã để lại cho Đảng ta một triết lý đạo đức, thấm nhuần tinh thần minh triết đạo đức trong xây dựng Đảng. Về lý luận, đây là cống hiến vô giá của Hồ Chí Minh đối với kho tàng kinh điển Mácxít. Về thực tiễn, đây là cẩm nang hành động cho Đảng ta, là bí quyết cho sự sống, sự bền vững và sinh mệnh của Đảng.
Đảng phải đi tiên phong trong đổi mới
Thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm đã đúc rút cho Đảng ta một bài học lớn, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là bảo đảm có tính chất quyết định mọi thắng lợi, mọi thành công của cách mạng.
Làm thế nào để có được giá trị và sức mạnh đó của Đảng thì như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên, là uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng ở trong dân và trong xã hội. Người đã từng nhấn mạnh, phải làm cho dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ.
Cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân. Đó là sức mạnh tự bảo vệ tốt nhất đối với đảng cách mạng, người cách mạng. Trụ sở Trung ương, tốt nhất là xây dựng trong lòng dân, đã có lần Người nói như vậy.
Trong lần sửa Di chúc (tháng 5/1968), Người viết thêm: “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Ta thấy rõ chủ đích của Người. Người không chỉ căn dặn kỹ lưỡng, thấu đáo cơ quan lãnh đạo đầu não là Trung ương, “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”, mà Người còn đặc biệt chú ý tới từng chi bộ (những tế bào của Đảng làm nên sự sống của cơ thể Đảng), chú ý tới cơ sở, tới con người (đảng viên, đoàn viên).
Chỉ dẫn của Người ứng dụng vào ngày hôm nay trong đổi mới, có nghĩa là, Đảng phải đi tiên phong trong đổi mới, Đảng tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội, phải huy động sức mạnh của toàn dân, từ cơ sở, của cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
Đó là công việc của toàn dân đối với Đảng của mình. Xây dựng Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền, không nên và không thể chỉ là việc nội bộ của Đảng. Quan hệ giữa Đảng với dân, Nhà nước với dân, Mặt trận và các đoàn thể với dân là những huyết mạch duy trì sức sống của Đảng, sự bền vững của chế độ, của chính thể.
Nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ này, trong điều kiện Đảng lãnh đạo và cầm quyền hiện nay trước muôn vàn diễn biến phức tạp của tình hình thời cuộc bởi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, lại hàng ngày phải đối mặt với những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, giữa Đảng với Mặt trận và các đoàn thể, do đó phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới tổ chức bộ máy (thiết chế) và hoàn thiện thể chế.
Tất cả đều có sự tham gia của dân, sự đánh giá của dân, hoạt động trực tiếp của dân trong đời sống chính trị. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều thực hành dân chủ và đoàn kết, thực hành dân vận và thực hành đạo đức cách mạng mà Người đã nêu gương, đã chỉ dẫn trong Di chúc.
Có thể nói, để đổi mới và phát triển nước ta thành công theo mục tiêu đã đề ra thì đổi mới, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đang trở thành vấn đề của mọi vấn đề mà Đảng ta coi là khâu then chốt. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tập trung làm tốt khâu then chốt đó.
Ý kiến bạn đọc