Đại biểu Quốc hội: "Yêu nước bằng cách đầu tư cho ngư dân ra biển!"

13:26, 02/06/2014
|

(VnMedia) - Đau đáu nỗi niềm giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ Quốc, các đại biểu Quốc hội đã tâm huyết hiến kế phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị với quan điểm: "Yêu nước bằng cách đầu tư cho ngư dân ra biển!".

Sáng nay (2/6), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước. Vấn đề an ninh chính trị, kinh tế trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đã chiếm phần lớn sự quan tâm của các đại biểu.

Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn TP. Hồ Chí Minh dẫn ví dụ từ tình hình Ucraina và Thái Lan, cho rằng đó là vấn đề đặc biệt khiến Việt Nam phải quan tâm trong việc giải quyết nhu cầu yên dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, giữa bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển đảo với phát triển kinh tế, đặc biệt là chú ý không lệ thuộc vào nước láng giềng.

Đặc biệt, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định, mỗi lần đứng trước nạn ngoại xâm, lòng yêu nước của người dân Việt Nam lại kết thành làn sóng và sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc càng nhiều thì lòng yêu nước càng trỗi dậy.

“Trước tình hình đó, chúng ta phải bình tĩnh sáng suốt, cảnh giác sâu sắc mang tầm chiến lược từ trong suy nghĩ đến hành động trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để Trung Quốc dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc chiếm biển Đông. Không để phần tử xấu lợi dụng tình hình kích động gây rối, làm phức tạp về an ninh chính trị, không để các loại tội phạm lợi dụng khó khăn về kinh tế để đục nước béo cò.” - đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề.

Về các giải pháp, đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội tới đây cần tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Đại biểu Đỗ Văn Đương nói: “Tôi rất đồng ý cần thiết phải dành 16.000 tỷ đồng trong ngân sách, thậm chí nhiều hơn nữa cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Chính phủ cần yêu cầu các địa phương rà soát tạm dừng các dự án chưa thực sự cần thiết, bức xúc, những dự án được cho là nhu cầu sử dụng dân sự đượchình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực cho tiềm lực quốc phòng an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân, đề nghị xác định rõ trách nhiệm của 2 lực lượng này là chủ động nắm và kiểm soát được tình hình từ xa, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hành động của các phần tử xấu, tấn công triệt phá có hiệu quả các loại tội phạm, giữ bình yên cho nhân dân.”

Đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành, các địa phương trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản cho nông dân, phải thể hiện bằng Nghị quyết với những định lượng cụ thể, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc, có chính sách thu hút các nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản.

Đại biểu Đỗ Văn Đương còn hiến kế: “Các địa phương cũng nên kêu gọi nông dân, công nhân không có việc làm đi học đánh bắt hải sản để cùng ra biển, giống như trước đây kêu gọi đi vùng kinh tế mới ở miền núi. Đối với ngân hàng thì đầu tư cho vay lãi suất thấp hơn, định mức cao hơn thời hạn vay dài hơn, và việc cho vay này phải trực tiếp, cấm qua trung gian.”

Đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp “hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng cách đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận, chính quyền địa phương ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp nhưng nghiêm trị hành vi trục lợi của các tổ chức và cá nhân.”

Đặc biệt, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ nên có Nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính, kỷ luật thu chi ngân sách kể cả trung ương và địa phương. “Cương quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm với những người mắc sai phạm, dứt khoát phải mạnh mẽ hơn trước, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn nước ngoài.” - đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh đề xuất, đồng thời hứa bản thân ông từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ không đi nước ngoài.


Ảnh minh họa

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)


“Hiến kế” cho Chính phủ việc điều hành nền kinh tế trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích những cơ hội của Việt Nam khi đang đứng trước ngưỡng cửa của các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới, trước hết là các đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đi vào giai đoạn nước rút, đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

“Việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội vượt qua các thách thức từ các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết. Vấn đề gian khoan 981 được dự báo sẽ tác động đáng kể đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về góc độ kinh tế, Việt Nam đứng trước đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này, tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng là một thách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu này.”- đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, Việt Nam cần có các phương án đàm phán để đạt được các cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt thận trọng và cứng rắn trong các vấn đề ảnh hưởng lớn đến người lao động, tới nông dân và sản xuất nông nghiệp như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thực phẩm, nông phẩm lao động, trú trọng bảo lưu các không gian kinh tế chính sách cần thiết để chính phủ có thể hành động vì lợi ích công cộng hoặc định hướng cơ cấu kinh tế và đảm bảo cho các doanh nghiệp hưởng lợi thực chất từ các cam kết.

Theo ông, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.

Từ thực tế hiện nay nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu Việt Nam đã phải nhập từ 50-60% từ thị trường Trung Quốc, hay có tới 90% hợp đồng IPC trong dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung ứng tín dụng và tiêu nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, với cam kết là loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ,Úc, Nga, Ucraina và các nền kinh tế khác máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.  


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc