Bộ trưởng Tư pháp: “Có sự tranh thủ nọ kia”

05:57, 12/06/2014
|

(VnMedia) - "Tôi xin nói là có những luật không phải hoàn toàn vấn đề lobby hay chạy cái này cái khác, nhưng cũng có tranh thủ nọ, tranh thủ kia.” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận trong phiên chất vấn chiều 11/6…

Chiều 11/6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.Nhiều câu hỏi khó dã được đại biểu đặt ra đối người đứng đầu ngành Tư pháp

Là người mở màn phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đã đặt ra 2 câu hỏi hết sức thẳng thắn.
 
“Dư luận người dân, báo chí và ngay tại điễn đàn Quốc hội đã có đại biểu nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc còn có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân. Là người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng trên trong công tác xây dựng pháp luật?” – nữ đại biểu của thành phố Đà Nẵng hỏi thẳng.
 
Trả lời 2 vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, quy trình làm rất chặt chẽ, theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, không chỉ có cơ quan, ngành đó mà phải gồm các cơ quan khác, ngành khác, phải thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử 60 ngày.
 
“Một trong những nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp là phải phát biểu ý kiến dự thảo đó có phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng hay không. Cho nên câu chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
 
Bộ trưởng cho biết, vừa qua một số vấn đề có phát sinh, dư luận quan tâm, cử tri quan tâm chủ yếu xoay quanh các thông tư và thông tư liên tịch của các bộ mà hiện nay đang giao cho Vụ pháp chế các bộ thẩm định. Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành Văn phòng Chính phủ để xây dựng một đề án thí điểm kiểm soát tập trung thông tư và thông tư liên tịch của các bộ trên một số lĩnh vực gắn chặt với lợi ích của người dân. Đề án đã được xây dựng xong và đã trình tại phiên họp Chính phủ.
 
Vấn đề “hóc búa” thứ 2 mà đại biểu thành phố Đà Nẵng nêu lên, đó là việc vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản là rất ít khi được chấp nhận nhưng việc vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách đang là một  thực tế khá phổ biến ở nước ta dẫn đến tình trạng chính sách không được làm rõ trong luật nên khi triển khai thực hiện không đạt được kết quả như mong muốn.
 
Cùng suy nghĩ với đại biểu Kim Thúy, đại biểu Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh) nói: “Hiện nay cứ bộ nào quản lý nhà nước cái gì thì xây dựng cái đó, nhưng Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao chủ trì để rà soát lại, điều phối lại tất cả. Dường như có ý kiến cho rằng Bộ Tư pháp nể nang. Tôi không dám gọi là "lợi ích cục bộ của bộ", nhưng bộ nào cũng quyền nặng cho mình, nhưng trách nhiệm thì nhẹ đi và thiếu tính hệ thống của pháp luật.”
 
 Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng “chưa có sự đánh giá”, tuy nhiên ông thừa nhận “những vấn đề kỹ thuật không phải không có.”
 
Bộ trưởng cũng cho biết, trong vấn đề thẩm định, dù luôn kiểm điểm, ra sức cố gắng nhưng cũng còn rất nhiều khuyết điểm, còn để chỗ này chỗ khác có sự chồng chéo. “Ngay tại kỳ họp Quốc hội này, những dự án luật trình Quốc hội nhìn lại thấy vẫn có sự chồng chéo nhất định về phạm vi điều chỉnh cũng như các chính sách.” – Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.
 
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đang dự thảo theo hướng tách giai đoạn làm chính sách trước và sau đó mới là giai đoạn viết văn bản. Giai đoạn làm chính sách chủ yếu sẽ do các chuyên gia trong các lĩnh vực, các nhà chính trị, đại biểu Quốc hội đảm nhiệm. Còn giai đoạn kỹ thuật chủ yếu do các chuyên gia về luật đảm nhiệm.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường


Không thỏa mãn với câu trả lơi của Bộ trưởng, đại biểu Kim Thúy tái chất vấn: “Nếu như Bộ trưởng nói không có việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của các bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật, vậy thì xin Bộ trưởng cho biết trong việc soạn thảo các văn bản pháp luật thường rất quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy hay các quỹ hoặc thủ tục hành chính, vậy đó là cái gì?”
 
Sau câu hỏi tái chất vấn này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thừa nhận: “Đúng là có những câu chuyện khi xây dựng luật, pháp lệnh, một số cơ quan cũng có mong muốn cài tổ chức bộ máy vào đó”, trong khi Chính phủ đã ra một yêu cầu, tất cả những luật, pháp lệnh trình cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nguyên tắc không có sự đồng ý của Bộ Chính trị là không đưa tổ chức bộ máy vào.
 
“Ý tôi  muốn nói rằng, nếu có thì cũng là được cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tôi xin nói thêm là có những luật không phải hoàn toàn vấn đề lobby hay chạy cái này cái khác, nhưng cũng có tranh thủ nọ, tranh thủ kia.” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận và cho biết đã “cố gắng hết sức để tránh những việc như vậy.”
 
Bộ trưởng cũng thừa nhận, xu hướng không quản lý được thì cấm, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn là tạo thuận lợi cho người dân là có ở một số lĩnh vực, một số văn bản.
 
“Cho đến ngày hôm nay vấn đề này đang được xem xét một cách rất thận trọng, nhất là qua kiểm soát thủ tục hành chính, từ khi Chính phủ đã giao lại kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp. Chúng tôi yêu cầu vấn đề kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính làm sao tạo thuận lợi cho người dân cắt giảm thủ tục hành chính cũng như không để cho thuận lợi cho quản lý.” – Bộ trưởng nói.
 
Cũng không bằng lòng với phần trả lời câu hỏi của mình, đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục chất vấn về trách nhiệm và vai trò của Bộ Tư pháp trong vấn đề thẩm định các văn bản, đặc biệt là các luật trình ra Quốc hội.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trường Tư pháp cho biết, những dự án luật và những dự án pháp lệnh quan trọng hoặc những vấn đề phức tạp đều có thành lập hội đồng liên ngành, có chuyên gia tham gia, mặc dù ký trên danh nghĩa của Bộ Tư pháp nhưng hội đồng đó là hội đồng mang tính liên ngành để bảo đảm khách quan. “Tuy nhiên, cũng báo cáo thật với đại biểu Trần Du Lịch, trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa quy định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định đến đâu, tiếp thu giải trình như thế nào.” – Bộ trưởng Tư pháp nói và cho biết, tới đây, trong luật sửa đổi theo hướng cần có đầy đủ ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định, những gì tiếp thu, không tiếp thu… để Quốc hội xem xét, đánh giá và thông qua dự án luật và pháp lệnh nào đó.
 
Một vấn đề được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đánh giá là một vấn nạn đang gây tác hại và rất bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đó là Hiến pháp thì cho, luật thì tạo ra hành lang nhưng văn bản hướng dẫn lại đặt ra các thủ tục, các điều kiện, thậm chí các mẫu đơn và các giấy phép con… là các rào chắn và thậm chí đôi khi các bẫy đối với doanh nghiệp, đối với người dân.
 
“Để vượt các rào chắn, các bẫy này thì phải chung chi, phải bôi trơn, phải xin cho và trong Luật hình sự Việt Nam có tội gọi là cố ý làm trái. Đôi khi người dân không trái Hiến pháp, không trái luật mà chỉ sai các quy định hướng dẫn thì rơi vào tội cố ý làm trái và có thể bị xử lý bằng pháp luật hình sự.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói thẳng.
 
Với vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, về nguyên tắc, văn bản các bộ, kể cả mẫu mã đính kèm các văn bản không được trái với luật, pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lại càng không được trái Hiến pháp.
 
“Đại biểu đã nêu vấn đề này chúng tôi rất cảm ơn và chúng tôi sẽ xin phép sẽ kiểm tra cụ thể vào lĩnh vực đại biểu nêu này, nếu có tôi xin được gửi kết quả kiểm tra để báo cáo với đại biểu.” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khất.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc