4 yêu cầu đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

16:29, 11/06/2014
|

(VnMedia) - Kết thúc phần chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra 4 nhiệm vụ quan trọng đối với bộ trưởng Phạm Vũ Luận và ngành giáo dục…

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn


Sáng nay (11/6), sau khi kết thúc phần chất vấn đối với bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Phiên chất vấn kéo dài hết buổi sáng và sang một phần thời gian của buổi chiều.

Trong khi hầu hết các đại biểu đều lo lắng về chất lượng giáo dục cũng như công tác tổ chức thi cử, tuyển sinh, bệnh thành tích… , theo đó, “trong lịch sử của nền giáo dục Việt Nam đã có 3 lần thực hiện cải cách giáo dục và một cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Nhưng những yếu kém của ngành vẫn tiếp tục tồn tại và chưa khắc phục được” (đại biểu Phạm Thị Hải – Đồng Nai); “chất lượng đào tạo đại học đáng lo ngại” (đại biểu Tô Văn Tám – Kon-tum) “ thì người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, chất lượng giáo dục đang được nâng lên.

“Vừa rồi chúng tôi tham gia cuộc đánh giá PISA và PASEC về đánh giá kết quả học trung học cơ sở quốc tế. Trung Quốc chỉ có một thành phố Thượng Hải tham gia, Việt Nam tham gia trên phạm vi cả nước bao gồm tất cả các cháu học sinh cả ở thành phố, nông thôn, vùng dân tộc, miền núi và từng cháu một do ban chấm thi ở nước ngoài chỉ định thi theo cách khác hẳn, nhưng các cháu thích nghi được, làm tốt…” Bộ trưởng dẫn chứng.
 
Tham gia làm rõ thêm một số vấn đề cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giải thích về việc giám sát chất lượng của công chức, viên chức trước tình trạng chất lượng đại học được đánh giá là không cao. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không rõ ràng khiến cho Chủ tịch Quốc hội phải giải thích lại câu hỏi của đại biểu cho Bộ Trưởng.

,”Ý của đại biểu là hiện nay, chất lượng giáo dục không đảm bảo nên có tình trạng là có bằng nhưng chất lượng kém, thậm chí có bằng do tiêu cực mà có. Vậy, công tác tuyển dụng làm sao tránh được những cái trường hợp đó để không tuyển vào.”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng chỉ nêu quy định trong Nghị định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đó là nếu công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ không hợp pháp thì buộc cho thôi việc.  Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ, khi cơ quan có thẩm quyền trước khi công bố kết quả tuyển dụng phải tiến hành thẩm định các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ có liên quan, đảm bảo tính hợp pháp.
 
Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bộ gd và đào tạo, với 21 đại biểu trực tiếp chất vấ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, tự nhận về mình trách nhiệm những công việc còn yếu kém của ngành, đưa ra những định hướng, giải pháp giải quyết khá rõ ràng, đầy đủ.

“Khi đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản, toàn diện cũng có nghĩa là nhìn vào chất lượng ngành giáo dục và đào tạo còn rất nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới.” Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định và nhấn mạnh rằng, dù đổi mới nhưng phải căn cứ vào truyền thống hiếu học của dân tộc, vào truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha, vào những kết quả của ngành giáo dục trong những chặng đường lịch sử vừa qua để tiến hành đổi mới, “đổi mới căn bản, toàn diện không có nghĩa là bỏ hết”.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã giao cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và ngành giáo dục 4 nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực hiện Nghị Quyết Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải xây dựng báo cáo riêng về việc triển khai thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, sau đó Quốc hội sẽ xem xét, nếu cần thì thảo luận mọt lần nữa về quốc sách giáo dục này.

Thứ hai, Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục gấp rút phối hợp chặt chẽ với bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu, hoàn thiện và sửa đổi luật dạy nghề vì đây là một nội dung quan trọng để thực hiện Nghị quyết của đảng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chương trình của Chính phủ, yêu cầu của Quốc hội và của toàn dân để sửa đổi Luật Giáo dục theo đúng chương trình xây dựng mà pháp luật mà Quốc hội đã thông qua.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Giáo dục tiếp tục tiếp thu hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa để trình Quốc hội xem xét vào cuối năm nay.

“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là lớn lắm, nên Quốc hội sẽ cho ý kiến. Lần này ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục thực hiện đến 2015 và tổ chức thực hiện cho 2016 – 2020. Sau 2021 thì mới có thể  hoàn thiện được bộ sách giáo khoa và chương trình mới. Đề nghị bộ trưởng tiếp tục hoàn thiện đề án này để dự thảo một Nghị quyết thật khả thi, thật tốt cả về nội dung và phương án tổ chức thực hiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc