(VnMedia) - Trận đánh Điện Biên Phủ là ví dụ tiêu biểu khi suy nghĩ về trí tuệ của một con người có ảnh hưởng phản xạ to lớn đến các vị tướng, chiến sĩ của mình và đối thủ - Tiến sĩ khoa học (TSKH) sử học Vladimir Kolotov viết về chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
VnMedia xin trích đăng bài viết có tựa đề Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt trong quá trình chống ngoại xâm của Tiến sĩ khoa học sử học Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh - Đại học Quốc gia Saint Petersburg, Nga, được trình bày tại hội thảo khoa học Quốc tế "Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại."
...Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bước ngoặt của lịch sử. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng sự kiện lịch sử có nghĩa là gì? Chúng ta thường nghe thấy cụm từ này, nhưng đưa ra một định nghĩa rõ ràng thì không phải là đơn giản. Tôi muốn bàn về khái niệm “phản xạ”.
Nhà tài phiệt nổi tiếng George Soros cho rằng: “liên lạc giữa tư duy và thực tế có tính phản xạ. Điều này có nghĩa là tư duy của chúng ta ảnh hưởng đến đối tượng suy nghĩ của chúng ta (…) Hiện tượng thiên nhiên không phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về nó. Tính phản xạ chỉ được biểu hiện trong lĩnh vực xã hội”.
G. Soros còn nhận xét “Con người có thể quản lý thực tế bằng cách đưa ra các khái niệm và lập luận mà ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của mình và người khác <…> Đây là hoạt động của cơ cấu liên lạc phản hồi, xác định mối quan hệ tương hỗ giữa ý kiến của những người tham gia và sự phát triển sự kiện trên thực tế. Quá trình thay đổi cả tư duy lẫn thực tế, mới được gọi là có tính lịch sử”.
Ông còn viết tiếp: “Sự kiện lịch sử thật sự không những làm thay đổi thế giới, mà còn làm thay đổi cách chúng ta hiểu thế giới, và sự hiểu biết này cũng gây ảnh hưởng không ngờ đến dòng sự kiện”.
Trận đánh Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử kiểu như thế! Suy nghĩ và kế hoạch của Tổng tư lệnh quân đội Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong quá trình chuẩn bị trận đánh quyết định có ảnh hưởng to lớn đến số phận của hàng chục triệu đồng bào, đến chủ quyền đất nước và diễn tiến của quá trình lịch sử dân tộc. Nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là một lĩnh vực nghiên cứu rất thú vị.
Chiến lược của thực dân Pháp thời đó được xác định theo một “idée fix”. Thực dân Pháp biết mối tương quan lực lượng giữa quân đội Pháp và Việt Minh không cân bằng. Do đó, thực dân Pháp muốn quân đội Việt Minh đánh một trận quyết định và sẽ tiêu diệt đối thủ của mình. Cuối cùng Pháp nhận được cơ hội như họ muốn, nhưng đã gặp phải đối thủ mà họ không ngờ tới.
Không chỉ các tướng Pháp như: Jean de Lattre de Tassigny và Henri Navarre, mà còn tướng tình báo Mỹ Philippe B. Davidson nhiều năm sau cũng còn nhấn mạnh: “Vào những năm 1951-1953 mục đích chính của Tướng Võ Nguyễn Giáp là xâm nhập được vào đồng bằng Bắc bộ, nhưng bị thất bại vì Pháp có chiến lược mới: xây dựng các “con nhím” và thành lập trên cơ sở này vòng cung De Lattre bao quanh và bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ”. Lực lượng Việt Minh hồi đó chỉ hoạt động chủ yếu bên ngoài vòng cung này, còn quân Pháp hoạt động bên trong.
Lúc đó, thực dân Pháp cho rằng đã tìm được giải pháp chắc chắn để chống lại chiến lược của Việt Minh. Tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhấn mạnh: “Nava quá tự tin, quá lệ thuộc vào bản kế hoạch nổi tiếng của mình!”.
Navarre muốn tiêu diệt quân đoàn tác chiến của Việt Minh trong trận đánh tại Tây Bắc. Tướng Pháp tính toán các phương án tiêu diệt đối phương dựa trên những thông tin sai lầm. Để tiêu diệt quân đội Việt Minh, Pháp đã đặt bẫy ở Điện Biên Phủ, nhưng bản thân mình đã rơi vào bẫy của Tướng Võ Nguyên Giáp với quy mô mà họ không tưởng tượng được.
Thực dân Pháp tin rằng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ sẽ làm tê liệt Việt Minh, nhưng trên thực tế thì “Ta chủ động tiến công, địch bị động phòng ngự”. Tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Nava đã nhanh chóng ngăn chặn tất cả các hướng tiến quân của ta bằng những con nhím (…) Nava không nhận ra các mũi tiến công đó đều nhằm mục đích chủ yếu là phân tán khối chủ lực chiến lược của ông ta ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Chiến lược của Võ Nguyên Giáp thời đó không phải là đánh vào đồng bằng Bắc Bộ, nơi có nhiều quân Pháp và cơ sở hạ tầng quân sự, mà là làm cho họ phân tán lực lượng trong đồng bằng và tự gửi quân để chiến đấu ở vùng xa xôi, mà vào bẫy đã được chuẩn bị rất chu đáo.
Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh: Tổng tư lệnh Việt Minh sử dụng sách “Binh pháp” 兵 法 của Tôn Tử, nhưng chưa có học giả nào đưa ra phân tích cụ thể. Theo tôi chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp có thể được phân tích theo quyển sách cổ đại Trung Quốc “Tam thập lục kế”. Để thực hiện kế hoạch này cần phải theo kế “Liên hoàn kế” tức là sử dụng nhiều kế liên kết với nhau.
Nhiệm vụ chính là không phải tấn công vào đồng bằng Bắc Bộ, mà là dụ địch gửi một phần quân đội vừa phải với tướng Pháp cầm đầu sang nơi khác để Việt Minh chắc chắn đánh thắng chúng. Đó là theo kế sách “Cầm tặc cầm vương” tức “Bắt giặc bắt vua”.
Tiếp theo là nên chọn địa điểm khác để chiến đấu có lợi cho mình và gây bất lợi cho địch: “Điệu hổ ly sơn” tức “Lừa hổ ra khỏi núi”, khiến kẻ địch ra khỏi đồng bằng Bắc bộ – nơi ẩn nấp an toàn – để dễ bề tấn công.
Việt Minh “cố tình” tạo điều kiện để Pháp tin rằng Việt Minh không đủ lực để đánh ở đồng bằng phía Đông, nên quân Pháp phải tấn công lên Tây Bắc. Đúng theo kế: “Thanh Đông kích Tây” tức “Giương Đông kích Tây”, vờ đánh một hướng, nhưng thực chất là đánh mạnh hướng khác.
Tất nhiên ở giai đoạn nào khi thực hiện kế hoạch cũng cần phải giữ bí mật, lập kế hoạch kín kẽ không để kẻ địch biết trước, đó là theo kế: “Tiếu lý tàng đao” tức “Cười nụ giấu dao”. Đồng thời nên chọn cách tấn công mà địch không nghĩ tới theo kế “Ám độ Trần Thương”.
Khi quân Pháp tập trung xong quân ở Điện Biên Phủ, thì đến lúc bẫy chuột đóng cửa. Pháp định càn quét các vùng xung quanh để dẹp các căn cứ của Việt Minh, nhưng “Ve sầu lột xác”, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp đúng theo kế “Kim thiền thoát xác”. Như vậy, thay vì chiến lược tấn công thì Pháp bắt buộc phải chuyển sang thế phòng ngự. “Con nhím” Pháp bị rơi vào bẫy chuột của Việt Nam!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng tài ba nghệ thuật quân sự cổ đại của Trung Quốc để đánh lừa đối thủ Tây hiện đại. Tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo đe dọa cho Pháp ở vùng rừng núi giữa Lào, Trung Quốc và Việt Nam. Tướng Navarre cho rằng: trong trường hợp Việt Minh chiếm được Lào thì sau đó Việt Minh sẽ có điều kiện thuận lợi để truyền bá ảnh hưởng của mình đến miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Vì thế, thực dân Pháp quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm của Pháp trên vùng núi Điện Biên Phủ như một “gia đình”, “con nhím” khổng lồ. Trong trường hợp này, Tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng diệu kế “Thượng ốc trừu thê” tức “Lên nhà rút thang”. Lúc đầu Pháp hy vọng là trong trường hợp cần thiết có thể dùng không quân để hỗ trợ, nhưng khi trận đánh bắt đầu thì họ hiểu ra rằng: máy bay bay đến chiến trường Điện Biên Phủ từ sân bay chính cách 300 km chỉ có thể chiến đấu được 15 phút. Khi vào trận họ mới biết được là Việt Nam còn có lực lượng phòng không hoạt động rất hiệu qủa. Cùng lúc đó, Việt Minh đã tổ chức mạng lưới cung cấp vũ khí và thực phẩm trên con đường bí mật ở vùng núi rừng.
Thực dân Pháp xây dựng một tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như “pháo đài không thể công phá”. Thực dân Pháp coi “con nhím” với sân bay, máy bay, xe tăng, hỏa lực và hệ thống gần năm chục cứ điểm với đại bác, bãi mìn, hàng rào kẽm gai như căn cứ quân sự cho phép kiểm soát vùng Tây Bắc. Nhưng đây là một pháo đài “ngược đời” bởi vì pháo đài tiêu biểu phải có tường để bảo vệ, còn ở đây thì “tường – là núi”, mà lực lượng Việt Minh đã chiếm được những ngọn núi đó. Điều này dẫn đến chuyện các khẩu đại bác của Việt Minh đã nã đạn từ trên xuống vào tập đoàn cứ điểm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét rằng: “con nhím Điện Biên Phủ (…) nằm giữa vùng rừng núi (…) rất xa (…) những căn cứ không quân lớn của địch. Nếu đường không bị hạn chế hay cắt đứt, nó sẽ mất sức chiến đấu”.
Theo Võ Nguyên Giáp: “Tập đoàn cứ điểm là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng trong thực tế, vẫn là những cứ điểm tách rời (…) Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm do ta lựa chọn, vào thời gian thích hợp”.
Khái niệm “con nhím” cũng biến thành một cái bẫy cho quân Pháp bởi vì hệ thống cứ điểm hoặc đồn độc lập không có khả năng hỗ trợ cho nhau và thực dân Pháp bất lực nhìn lực lượng Việt Minh tiêu diệt hết đồn này đến đồn khác mà không làm gì được. Điều đó xảy ra khi đoàn quân tác chiến của Việt Minh không hơn Pháp về số lượng. “Bài toán cũ về so sánh lực lượng lại xuất hiện: (…) ta không có ưu thế binh lực trước kẻ địch (…) Chúng ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh”.
Như thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có tầm nhìn chiến lược, thực hiện một kịch bản dẫn đối thủ từ bẫy này đến bẫy khác. Đồng thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hệ thống các kế hoạch được liên kết với nhau ở cấp chiến thuật, đó là: Chiến thắng oanh liệt trong trận Điện Biên Phủ; Cấp chiến lược: chiến thắng trong cuộc chiến tranh (1946-1954); Cấp ngoại giao: Ký kết Hiệp định Giơnevơ; Cấp chính trị: bắt thực dân Pháp rút quân, giải phóng Thủ đô Hà Nội và lập lại hòa bình trên toàn miền Bắc. Ở đây có thể dẫn kế: “Vây Ngụy cứu Triệu” tức mang quân vây Điện Biên Phủ để cứu Hà Nội và Bắc Bộ. Xin nhắc lại là: Trong trận Điện Biên Phủ, lúc cao điểm thực dân Pháp sử dụng 16.200 quân và sau khi thua trận, theo Hiệp định Giơnevơ Pháp phải rút toàn bộ 90.000 quân ra khỏi Đông Dương.
Những điều nêu trên dẫn đến kết quả là gây ảnh hưởng to lớn đến tình hình địa chính trị. Lần đầu tiên tại Đông Nam Á quân đội phương Tây đã bại trận trong cuộc chiến hiện đại. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên được thành lập trong khu vực. Cơ cấu này được kích hoạt bằng chiến thắng Điện Biên Phủ!
Những nhân vật tầm cỡ và ảnh hưởng lên lịch sử đất nước ở Việt Nam thế kỷ nào cũng có. Những vị tướng nổi tiếng như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, với nghệ thuật quân sự của họ ở những thế kỷ trước đã giúp bảo vệ chủ quyền, độc lập của Việt Nam, đã được đặt tên cho các trường học, đại lộ ở đất nước Việt Nam. Và tên tuổi Võ Nguyên Giáp, không nghi ngờ gì, sẽ nằm trong hàng ngũ đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy chính trong các chiến dịch và Việt Nam giành được chiến thắng vinh quang trong thế kỷ XX chống lại nước lớn như: Pháp, Mỹ! Thật là Thiên tài!
Trong khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới bắt đầu sự nghiệp quân sự thì các tướng nổi tiếng của Pháp đã quá tự tin và tự hào về bản thân mình khi nghe về thân thế của Đại tướng. Tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng kế: “Giả si bất điên” tức làm cho tướng địch coi thường mình và không coi chừng, không cẩn thận, không đề phòng. Niềm kính trọng từ phía những đối thủ tự mãn và kiêu ngạo đó đã đến từ từ và ngày càng tăng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác của quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những tướng thua trận này đã cố tìm hiểu bí mật chiến thắng của Việt Nam trong những cuộc chiến tranh Đông Dương suốt nhiều năm. Họ không thể hiểu làm sao Việt Nam có thể chiến thắng những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Họ nghiên cứu chi tiết tiểu sử và lối sống của tướng Võ Nguyên Giáp nhằm làm sáng tỏ xem ông đã đọc sách của những tác giả nào, nhưng vẫn không khám phá được bí ẩn này.
Theo tôi, bí mật đó ẩn trong tính chuyên nghiệp cao độ cùng tình yêu chân thành, vô bờ bến với Tổ quốc và nhân dân mình của Ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho Tổ quốc mình, một lịch sử sống động của những chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh vì độc lập!
Trong kỷ nguyên hiện tại, những anh hùng không thể mua chuộc và trung thực đang dần lui vào quá khứ. Biết bao lần trong nửa sau thế kỷ XX và cả đầu thế kỷ XXI chúng ta nghe nói về việc ở đây, ở kia trong giai đoạn đầu của những cuộc chiến tranh thuộc địa mới chống ngoại xâm, người ta hứa sẽ trở thành một Việt Nam thứ hai, thế nhưng không điều như thế đã xảy ra. Trong quá trình những cuộc chiến tranh “lạ”, các đội quân địa phương tham chiến đã bị chia rẽ và vì vậy không thể tạo ra được một cuộc chiến tổng lực thật sự nhắm vào quân đội của kẻ thù. Và vài năm trước, trong một ấn bản mở, người ta đọc được rằng những thắng lợi nhanh, đến bất ngờ của quân Mỹ ở Afghanistan và Iraq được bảo đảm bởi việc mua chuộc các vị tướng của đối phương, còn với lãnh đạo của các nước này, người ta phát hiện các tài khoản nhiều tỉ ở nước ngoài, thì lúc đó ta nhớ tới lời của vị tướng Việt Nam Trần Hưng Đạo, người vào thế kỷ XIII trước khi đánh bại quân Nguyên Mông từng viết: “Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc”.
Chính lối tiếp cận chiến tranh và danh dự này là đặc trưng của các vị tướng Việt. Việt Nam là Việt Nam bởi trên mảnh đất này suốt nhiều năm thử thách khốc liệt đã sinh ra những anh hùng trung thực, không thể mua chuộc, những người đứng lên bảo vệ Tổ quốc mình.
Bài học Việt Nam vẫn còn tính thời sự trong thế giới của vũ khí chính xác cao hiện nay, của công nghệ thông tin và những siêu máy tính. Chính cựu lãnh đạo quân sự Lầu Năm Góc Robert McNamara trong hồi ký về chiến tranh Việt Nam đã thừa nhận: “Đôi khi người ta cho rằng thế giới sau Chiến tranh lạnh rất khác với trước, rằng bài học Việt Nam không áp dụng được với nó (thế giới mới này), và vì thế chúng cũng sẽ không có tính thời sự với các thực tiễn của thế kỷ XXI. Tôi không đồng ý”.
Trận đánh Điện Biên Phủ là hiện tượng của khoa học xã hội. Đây là ví dụ tiêu biểu khi suy nghĩ về trí tuệ của một con người có ảnh hưởng phản xạ to lớn đến các vị tướng, chiến sĩ của mình và đối thủ. Hoạt động cộng dồn của họ đã thay đổi bước ngoặt lịch sử và tương lai của Việt Nam, đánh dấu vinh quang trong phong trào giải phóng dân tộc.
“Tá thi hoàn hồn” tức “Mượn xác trả hồn” – Tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng kế sách ngày xưa của Trung Quốc để đánh quân đội Tây hiện đại nhằm khôi phục chủ quyền của đất nước không chỉ bằng vũ lực, mà còn bằng trí tuệ. Chiến thắng trí tuệ trước, sau đó mới chiến thắng trên chiến trường, đó là đường lối chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuệ Khanh -
(ghi)
Ý kiến bạn đọc