“Nhà chức trách hàng không” là ai?

20:14, 20/05/2014
|

(VnMedia) - Quá trình thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Ủy ban Pháp luật (UBPL) nhận thấy, một vấn đề được quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau là quy định về “Nhà chức trách hàng không”.

Ảnh minh họa

Nhà chức trách hàng không là chủ thể chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không - ảnh: LĐ


Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Nay dự thảo Luật bổ sung quy định "Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật"; đồng thời, quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà chức trách hàng không.
 
“Trong Công ước quốc tế về hàng không dân dụng năm 1944 cũng như trong một số tài liệu, hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) có quy định về “Nhà chức trách hàng không"  của các quốc gia và khuyến nghị Việt Nam cần luật hóa vai trò của “Nhà chức trách hàng không". Vì vậy, UBPL nhất trí với việc cần bổ sung quy định “Nhà chức trách hàng không" của Việt Nam trong Luật.” – Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho biết.
 
Tuy nhiên, UBPL đề nghị cân nhắc việc xác định chủ thể nào là “Nhà chức trách hàng không" bởi hiện nay, trong hệ thống pháp luật nước ta đang có những quy định khác nhau về vấn đề này.
 
Cụ thể, tại Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg ngày 16/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định "Nhà chức trách hàng không" của Việt Nam là Cục Hàng không Việt Nam. Còn trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản xác định là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có văn bản lại xác định là Cục Hàng không Việt Nam hoặc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được chỉ định.
 
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, vì cho rằng quy định như vậy là đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu đặc thù của ngành hàng không dân dụng.
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là “Nhà chức trách hàng không".
 
Có ý kiến cho rằng "Nhà chức trách hàng không" là quy định nhằm chỉ cơ quan hoặc cá nhân được Nhà nước trao thẩm quyền về hàng không, do đó, việc quy định cứng nhắc một chủ thể cụ thể, duy nhất là nhà chức trách hàng không như trong dự thảo Luật là không phù hợp.
 
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh hàng không, UBPL đề nghị cân nhắc quy định ngay trong Luật những trường hợp được miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch.
 
Quá trình thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam cũng cho thấy, việc xây dựng, sử dụng sân bay, cảng hàng không cũng cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rõ thực trạng, từ đó có biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống sân bay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực…

Một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà chức trách hàng không được quy định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam như sau:

Tổ chức và chỉ đạo hệ thống quản lý, giám sát an ninh hàng không, an toàn hàng không, tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy sân bay, chất lượng cung cấp dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không; chỉ đạo, điều hành các đơn vị hàng không xử lý, điều tra, xác minh các tình huống uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không, sự cố, tai nạn hàng không, thực hiện chuyến bay chuyên cơ, phục vụ an ninh quốc phòng, khẩn nguy quốc gia; thực hiện các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cả việc đình chỉ chuyến bay và hoạt động của phương tiện, thiết bị, nhân viên hàng không để bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không; chỉ đạo duy trì hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận tải hàng không; trực tiếp theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan trong công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng, phòng chống khủng bố.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc