Những vị tướng trận luôn hướng về biển Đông

07:15, 20/05/2014
|

(VnMedia) - "Dù đã già, không thể ra được biển Đông nhưng chúng tôi lúc nào cũng hướng về biển Đông và sẵn sàng cống hiến sức lực khi Tổ Quốc cần" - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói tại triển lãm 12 vị tướng trận thời bình vừa khai mạc ngày 19/5 tại Hà Nội.

Sáng 19/5, Triển lãm cá nhân thứ 9 của nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn có tên 12 tướng trận thời bình đã khai mạc tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm diễn ra từ nay đến 24/5, trưng bày 70 tấm hình về 12 vị tướng trận của Việt Nam. Triển lãm được đánh giá là đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm Trung Quốc đưa dàn khoan đến hạ đặt trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Thay mặt những vị tướng được tôn vinh trong triển lãm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 nói: “Triển lãm hôm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt bởi nó diễn ra trong lúc đất nước chúng ta đang trải qua một cơn bão táp từ biển Đông dội vào. Cách đây 40, 50 năm trước, chúng tôi cũng là những thanh niên trẻ như các bạn trẻ bây giờ. Nay chúng tôi đã già, không ra được Biển Đông nhưng chúng tôi vẫn hướng về Biển Đông và sẵn sàng cống hiến sức lực khi Tổ Quốc cần. Triển lãm hôm nay nhắc nhở cho con cháu chúng ta, thế hệ thanh niên nhìn về “các cụ” để trong tình hình hiện nay, tiếp tục sự nghiệp của các bậc cha anh, giữ vững bình yên cho Tổ quốc.”

Có mặt tại triển lãm, được ôm trong thay tướng Thước và tướng Ân, bác Nguyễn Văn Minh, cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ xúc động viết vào sổ lưu bút: "Tôi rất xúc động bởi khi đang viết những dòng chữ này thì được ôm trong tay Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và thiếu tướng Đỗ Quốc Ân, những người thật, việc thật. Các đồng chí đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến trường, nhưng ngày hôm nay vẫn còn sống trên 80 tuổi, khỏe mạnh. Triển lãm là một bài học lịch sử cho thế hệ trẻ."

Ảnh minh họa

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và tác giả Trần Việt Văn tại buổi khai trương triển lãm - ảnh: Tuệ Khanh


Đứng đầu trong danh sách các vị tướng tại triển lãm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sinh ngày 25/8/1911, ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, ông từng là cử nhân Luật, giảng viên dạy Sử, sau trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất. Ông cùng với danh tướng Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) là hai danh tướng Việt Nam nắm trong Top 100 danh tướng tài ba nhất thế giới.  “Nếu không có tướng Giáp thì không thể có thắng lợi Điện Biên Phủ” - Đó là nhận định của các tướng lĩnh cao cấp Việt Nam và thế giới. Ngày 4/10/2013, Đại tướng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 103 tuổi, để lại muôn nỗi tiếc thương cho dân tộc Việt Nam.
 
Nguyên Phó Đô đốc Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Tình, sinh ngày 2/10/1945, ở xã Giao Yến, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng khoá IX, Chính uỷ quân chủng Hải quân. Nhập ngũ tháng 10/1963, chỉ 6 năm sau, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vò tháng 11/1969. Ôn và được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công hạng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Chiến sỹ giải phóng,Huy chương Quân kỳ quyết thắng…

Ảnh minh họa

Bức ảnh chụp Trung tướng Nguyễn Văn Tình


Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Cuối năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh, ông được cấp trên phân công ở lại trường giảng dạy. Tháng 5/1968, sau 6 tháng thực tế chiến trường, ông được giữ lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Ông đã trải qua nhiều chiến dịch lớn, nhỏ ở chiến trường Trị Thiên-Huế, Mặt trận Tây Nguyên. Sau hàng chục năm quân ngũ, trở về với đời thường, nhưng “nghiệp” nhà binh vẫn không rời. Với cương vị hiện tại là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân còn là một cầu nối nghĩa tình đồng đội “cựu chiến binh”, cũng như vẫn cùng các đồng đội của mình tham gia các hoạt động xã hội mang những ý nghĩa cao đẹp.
 
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh. Ông từng là Đại đội trưởng Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tham gia đánh đồi C1 và C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12/1972, ông là Tham mưu phó đặc trách về tên lửa của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, 361, mà nhân dân mệnh danh là sư đoàn "Cận vệ Đỏ", ngồi trực ở sở chỉ huy 24h/24h,  trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong trận chiến 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông còn có biệt danh “Tiếng kèn địch vận”, và ông là một vị tướng trận hiếm hoi, sau cuộc chiến là bình yên thả hồn với những nốt nhạc. Không chỉ nghe, thưởng thức, ông còn trực tiếp chơi và sáng tác nhạc, như một cách cân bằng cuộc sống, như cống hiến cho đời một chút gì đó ở quãng sau cuộc đời binh nghiệp, như ông thường nói.

Ảnh minh họa

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh


Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ông còn có tên là Kim Thanh, sinh ngày 10/9/1944 tại xóm Thượng, xã Đôn Nhân, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Nhập ngũ ngày/4/1963, ông được chọn đào tạo sĩ quan chỉ huy xe tăng. Năm 1965, ông được điều về C3, D3, E Tăng 203 vừa mới thành lập với chức vụ trưởng xe.
 
Tại đây, ông được phân công tiếp nhận và chỉ huy chiếc PT-76 số hiệu 555. Kíp tăng số 555 này dưới sự chỉ huy của ông đã lập được nhiều chiến công, đi vào lịch sử truyền thống Binh chủng, được đặt biệt danh “Dũng sĩ thép”.
 
Ngày 19/5/1972 ông được Chính phủ phong tặng cho danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, và là người anh hùng đầu tiên của Binh chủng Tăng - Thiết giáp QĐNDVN. Ông tham gia chiến đấu trên cương vị sĩ quan chỉ huy của E202. Năm 1980, ông được cử đi học tại Học viện xe tăng tại Nga. Năm 1986, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan xe tăng II. Năm 1993, ông được thăng quân hàm Đại tá và giữ chức vụ Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng -Thiết giáp. Tháng 12/2002, ông được cử làm Tư lệnh Binh chủng và được phong hàm Thiếu tướng tháng 7/2003.
 
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2. Ông sinh năm 1931, ở Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên. Năm 1948 ông đi bộ đội ở tuổi 17, từng chiến đấu ở sư đoàn 320, sư  đoàn 304 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 325 chiến đấu giải phóng Nam Lào sau này.
 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 29. Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh có nhiều kỷ niệm chiến trận ở biên giới phía Bắc, bởi đơn vị của ông, Quân đoàn 29 - Binh đoàn Sông Thao thuộc Quân khu 2 thành lập ngày 16/4/1979, làm nhiệm vụ phòng thủ biên giới Tây Bắc. Quân đoàn 29 có nhiệm vụ phòng ngự hướng Lào Cai, Yên Bái là hướng quan trọng của Quân Khu chiến lược này.
 
Trong thời bình, tướng Minh có cuộc sống cực kỳ giản dị. Một ngôi nhà đơn sơ, rất ít đồ đạc, ông cùng người vợ hiền sống thanh nhàn, ấm áp. Sở thích của ông và được người vợ nhất mực hưởng ứng chính là những chuyến đi trở lại chiến trường xưa của ông ở biên giới phía Bắc, thăm đồng đội đã nằm xuống nơi này, sống lại những ngày chiến trận… Khi được hỏi nếu một ngày sự bình yên của đất nước bị đe dọa? tướng Minh trả lời ngay: “Nếu Tổ quốc cần, chúng tôi lại lên đường bảo vệ Tổ quốc, vẫn là những người lính tiên phong…”
 
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Sinh năm 1942, tại Đồng Kênh, Văn Tố, Tứ Kỳ, Hải Dương, ông là con trai độc nhất của liệt sĩ, nhưng năm 1961, ông vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ. 47 năm binh nghiệp, tham gia hàng trăm trận đánh, giữ nhiều cương vị từ cấp Tiểu đội đến Sư đoàn, Tư lệnh Quân đoàn 2, Phó Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… 

Ảnh minh họa

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng- ảnh: Trần Việt Văn

 
Trung tướng Nguyễn  Ân, sinh năm 1927, nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Phó tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Tướng Nguyễn Ân đã tham gia hoạt động cách mạng trước 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp với các trận đánh Biên giới, Đông Khê... và chiến dịch Điện Biên Phủ 12 ngày đêm lịch sử tháng 12/1972.  Tướng Nguyễn Ân thời bình vẫn giữ được phong thái của một vị tướng đầy nhiệt huyết, luôn giữ được “lửa” trong người, nhưng cũng rất tỉnh táo, nhìn cuộc đời đầy nhân ái, độ lượng.
 
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông sinh ngày 24/6/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây, Hà Nội; Phi công Nguyễn Đức Soát là sỹ quan không quân thuộc Trung đoàn Không Quân tiêm kích 927, trên chiếc Mig 21 PFM Fishbed số hiệu 5020 đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ.  Từ  một phi công trưởng thành qua chiến  đấu, ông từng là Tư lệnh Không quân, Tư lệnh Phòng không- Không quân. Khi ở cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, ông đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Ảnh minh họa

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - ảnh: Trần Việt Văn

 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, sinh năm 1926, tại Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Gia đình nho học, thanh cao, ham học, giữ đạo nghĩa, tiết tháo, đã ảnh hưởng đến ông khi trưởng thành và trở thành một vị tướng trận. Tháng 4/1945, ông gia nhập tổ chức Việt Minh. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Năm 1949, đi bộ đội và được chọn vào Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn. Năm 1950, lần đầu tiên ông chỉ huy trung đội vào chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1953, trong chiến dịch phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ông được thăng lên cấp chỉ huy đại đội, chiến đấu trên mặt trận Lào, lập nhiều chiến công, nửa năm sau ông được đề bạt lên cấp chỉ huy tiểu đoàn thuộc F325. Năm 1965, F325 B vào vùng B3 (Tây Nguyên), ông là Trưởng phòng tác chiến của Sư đoàn. Sau đó, ông được bổ nhiệm cương vị Trung đoàn trưởng E24, trực tiếp cầm quân một mũi. Bộ Quốc phòng thành lập mặt trận B3 Tây Nguyên, ông được giao chức vụ Tham mưu trưởng. Tháng 3/1975, ông được thăng quân hàm Thượng tá. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3, với tư lệnh là Thiếu tướng Vũ Lăng, Chính Ủy là Đại tá Đặng Vũ Hiệp và Đại tá Nguyễn Quốc Thước đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân của dân tộc. Từ tháng 7/1978- 12/1979, ở cương vị Phó rồi Trưởng Tư lệnh Quân đoàn Ba, có nhiệm vụ giúp bạn giải phóng Cam-pu-chia, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, Bí thư Đảng uỷ Quân đoàn. Năm 1983 ông được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4. Tháng 12/1996, ông được phong Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên Trung ương Đảng.
 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sinh năm 1947 tại Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, nhập ngũ năm 1967, ông là nhân vật lịch sử trong ngày 30/4/1975 khi tham gia bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn và áp giải Tổng thống Dương Văn Minh  ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc