(VnMedia) - Theo các đại biểu Quốc hội, quy định phương tiện đường thủy được cứu hộ có thể bị bên cứu hộ cầm giữ, tạm giữ hoặc bán đấu giá để bảo đảm việc thanh toán tiền công cứu hộ là thiếu tính nhân đạo…
Sáng nay (21/5), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Phát biểu tại Nghị trường, các đại biểu đã phân tích cho thấy những điểm còn bất cập của dự thảo luật.
Theo quy định tại Điều 98e về Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa, thì “cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân cứu hộ và chủ phương tiện, tàu biển, tàu cá được cứu hộ” và “phương tiện, tàu biển, tàu cá được cứu hộ có thể bị bên cứu hộ cầm giữ, tạm giữ hoặc bán đấu giá để bảo đảm việc thanh toán tiền công cứu hộ.”
Tuy nhiên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, không nên quy định như vậy, bởi trong một số trường hợp, khi bên được cứu hộ không có khả năng thanh toán thì vô hình chung, việc cứu hộ vốn là một việc làm nhân đạo sẽ trở thành việc làm thiếu nhân đạo.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Minh Hoàng, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) cho rằng, việc quy định chi tiết, cụ thể bên cứu hộ cứu nạn được quyền giữ lại tài sản của bên được cứu hộ để bán đấu giá phòng trường hợp bên được cứu hộ không có khả năng thanh toán là cứng nhắc và thiếu tính nhân đạo.
Cũng liên quan đến vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa, theo UBTVQH, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc bổ sung Chương VIIa quy định về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định chi tiết hơn về nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm cứu nạn…
Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa |
Tiếp thu ý kiến xác đáng đó, trên cơ sở đối chiếu với pháp luật về phòng tránh thiên tai cũng như luật hóa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung, làm rõ hơn về nguyên tắc tìm kiếm cứu nạn theo hướng tiến hành kịp thời, khẩn cấp bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, ưu tiên cứu người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đối với đề nghị bổ sung quy định khuyến khích việc tham gia cứu nạn, chính sách của Nhà nước đối với người cứu nạn bị thiệt hại tính mạng và tài sản, UBTVQH cho rằng cứu nạn vừa là hoạt động nhân đạo, vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ, theo đó đã có các quy định khen thưởng, động viên đối với hành động tham gia cứu nạn. Do đó, UBTVQH nhận thấy không cần thiết bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là vấn đề đăng kiểm phương tiện. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của UBTV Quốc hội, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa vừa được đăng kiểm xong.
Tuy nhiên, UBTVQH cho biết, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đã được quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Theo đó, cơ quan đăng kiểm khi thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện phải tuân theo hệ thống quy phạm, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành; người đứng đầu cơ quan đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra. Với quy định trên, phương tiện vừa được đăng kiểm xong mà xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì tùy theo mức độ, tổ chức, cá nhân đăng kiểm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật.
UBTVQH cũng cho biết, có đại biểu đề nghị nghiên cứu hạ độ tuổi thuyền viên làm việc trên phương tiện xuống 15 tuổi và mở rộng giới hạn độ tuổi của người lái phương tiện 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.
Đối với đề nghị hạ độ tuổi thuyền viên làm việc trên phương tiện xuống 15 tuổi, UBTVQH cho rằng, mặc dù Bộ luật Lao động quy định độ tuổi lao động là từ đủ 15 tuổi trở lên, tuy nhiên đối với thuyền viên cần có thời gian đào tạo nghề tối thiểu là 1 năm, nên quy định như Luật GTĐTNĐ năm 2004 là phù hợp.
Còn đối với đề nghị mở rộng giới hạn độ tuổi của người lái phương tiện 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, UBTVQH nhận thấy quy định này cần phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu khoa học, tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa tiến hành việc nghiên cứu, đánh giá. Do đó, trước mắt UBTVQH đề nghị giữ nguyên độ tuổi như quy định tại Điều 35 của Luật cũ.
Một vấn đề khác cũng được đại biểu quan tâm, đó là quy định về sử dụng cồn đối với người đang làm việc trên phương tiện. Theo đó, thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.”
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) cho rằng, cần tuyệt đối cấm sử dụng chất có cồn đối với người đang làm việc trên phương tiện để đảm bảo an toàn.
Ý kiến bạn đọc