(VnMedia) - Những ngày này, bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến về vụ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một số đại biểu cho rằng, việc Quốc hội bổ sung vào chương trình Nghị sự phần thảo luận về tình hình biển Đông, về chủ trương cũng như giải pháp của Việt Nam đối với vấn đề này đã thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước hiện nay.
Bộ Atlas Thế giới là tài liệu vô giá cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. |
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Tôi cho rằng Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông, thảo luận về tình hình biển Đông là một quyết định đầy trách nhiệm trước cử tri cả nước. Thông qua nghe báo cáo, Quốc hội sẽ thảo luận để đưa ra những quyết sách để đối ngoại, đối nội phù hợp với tình hình đất nước hiên nay. Quốc hội cũng sẽ kêu gọi toàn dân thể hiện tinh thần yêu nước của mình một cách có trách nhiệm.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Quốc hội đã điều chỉnh chương trình để chúng ta có những đối sách với phía Trung Quốc. Theo tôi, quan điểm của Việt Nam là chúng ta rất tôn trọng luật pháp quốc tế, và chúng ta cũng rất tôn trọng những cam kết của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Chúng ta rất muốn hòa bình, nhưng nếu phía Trung Quốc cứ làm quá thì chúng ta sẽ phải có cách ứng xử tương xứng.
Đại biểu Nguyễn Thị An (Hà Nội): Vấn đề đặt ra bây giờ là giải pháp như thế nào để giải quyết hiệu quả vấn đề chủ quyền, nhưng tiến trình không được dài quá. Quốc hội chắc chắn sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ các quyết sách cụ thể như thế nào.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam): “Chúng tôi nhất trí theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình đến hết kỳ họp và Quốc hội sẽ có phản ứng thích đáng, thể hiện sự cương quyết của mình về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu Quốc hội và các nhóm đại biểu Quốc hội đều có quyền chuyển tải thông điệp của mình đến cử tri để thể hiện tình cảm, quan điểm, đề xuất của mình đối với Nhà nước.
Trong các biện pháp tổng hợp, cuộc đấu tranh pháp lý cũng đã được đề cập. Nhưng muốn đấu tranh pháp lý thì phải có sự chuẩn bị chặt chẽ, cẩn trọng. Mặc dù chúng ta có cơ sở pháp lý để đấu tranh, nhưng sự ủng hộ của các quốc gia, của các tầng lớp nhân dân các nước là rất quan trọng. Cần phải tạo ra sức mạnh tổng hợp, phải thuyết phục được cộng đồng quốc tế thấy rằng chừng nào giàn khoan Hải Dương 981 còn nằm ở vùng biển Việt Nam thì Trung Quốc tự thể hiện mình là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trên Biển Đông. Với giàn khoan ấy, Trung Quốc cho thấy họ đang thể hiện âm mưu độc chiếm và khống chế tự do hàng hải trên Biển Đông. Những gì Trung Quốc có thể làm với Việt Nam hôm nay thì họ đều có thể thực hiện với các quốc gia khác vào một lúc nào đó”.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Từ góc độ người làm sử, cá nhân tôi cho rằng chúng ta phải coi chính nghĩa của chúng ta là sức mạnh cao nhất. Lịch sử đã chứng minh, toàn bộ những cuộc chiến tranh mà chúng ta trải qua đều là những cuộc chiến tranh đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động cuộc kháng chiến chống Pháp đã nói, đó là: “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng...” Đấy chính là bài học của chúng ta. Lịch sử của chúng ta luôn có những thử thách, nhưng dân tộc ta là dân tộc trọng hòa hiếu và chính nghĩa. Vì thế chúng ta luôn có niềm tin vào chính nghĩa. Ngay cả trong cuộc chiến tranh trước đây chúng ta phải trải qua – thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chống Mỹ cũng vậy. Có thể tương quan ban đầu, kể cả trên lĩnh vực tuyên truyền chưa cân xứng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một sự kiên trì. Muốn vậy, quan trọng nhất phải có một sự nhất trí để chia sẻ, một tiếng nói chung và một sự đồng thuận giữa người dân và nhà nước.
Ý kiến bạn đọc