Xe "phá đường" do chính Cục Đăng kiểm "đẻ" ra?

13:51, 31/03/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội, chính việc Cục Đăng kiểm cho phép các phương tiện được hoán cải thùng xe mà nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã cơi nới không đúng thiết kể để chở quá tải, gây phá đường.

>>Từ 1/4, đồng loạt kiểm tra xe "phá đường" trên toàn quốc

Hàng loạt các tuyến quốc lộ lớn bị xe quá tải "băm nát"

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường từ quốc lộ tới tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện và đặc biệt, các tuyến đường đê bị băm nát. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước đều phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa đường. 

Hiện cả nước có 61.173 xe ôtô tự đổ đang hoạt động. Trong đó có khoảng 75% xe có thể tích thùng hàng vượt quá quy định được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp cải tạo. Đáng chú ý, trong số những phương tiện này có xe vượt trên 300% tải trọng.

Theo báo cáo của Khu quản lý Đường bộ II, hiện nay trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình như quốc lộ 1, tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì, quốc lộ 5, 10…

Tại một số tỉnh thành có các khu mỏ quặng, mỏ đá hoặc các cửa khẩu, cảng biển… xe siêu trường siêu trọng vẫn ngày đêm băm nát đường có lúc vượt tải lên tới 200% trong khi hầu hết các tuyến đường này có kết cấu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp đã khiến hệ thống đường sá, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng.

 Ảnh minh họa

 Từ 1/4 tới đây, các Sở Giao thông vận tải các tỉnh sẽ đồng loạt kiểm tra xe qua tải trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: Vạn Xuân

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc siết xe chở quá tải là những xe này đã được Cục Đăng kiểm cho phép hoán cải trước kia.

Theo ông Linh, chính việc Cục Đăng kiểm cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa được hoán cải, cơi nới thùng đã khiến nhiều doanh nghiệp, chủ xe lợi dụng chủ trương này để cơi nới không đúng thiết kể để chở quá tải.

Chứng minh vấn đề này, ông Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra luận chứng, khi nhập khẩu, những xe có tải trọng 40 tấn lẽ ra không được phép nhập về nước nhưng các ngành vẫn cấp phép cho nhận để chở 20 tấn. Tuy nhiên, sau đó, không đơn vị nào kiểm soát trọng tải của các xe này. Hơn nữa, không có doanh nghiệp nào nhập xe tải trọng 40 tấn về chỉ để chở 20 tấn.

“Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã xuất hiện những xe ben siêu trường, siêu trọng chở đất, cát chạy nghênh ngang trên đường phố, trong khi những xe này chỉ được lưu hành trong công trường,” ông Linh cho biết.

Sẽ gắn vạch, chụp ảnh thùng xe hoán cải

Trước tình trạng xe tải cơi nới thùng để chở quá tải đang phá hoại nhiều tuyến quốc lộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa sửa đổi Thông tư 56/2012, trong đó yêu cầu quá trình đăng kiểm phải chụp ảnh để đưa vào giấy đăng kiểm đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm định có tem đóng dấu vạch đỏ với những xe đã hoán cải trước thời điểm năm 2012 để cơ quan kiểm tra dễ kiểm soát phương tiện này hơn.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trước đây, nước ta chưa quy định chặt chẽ về kích cỡ thùng. Nhiều xe ôtô được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước thời điểm có quy định về giới hạn thùng chở hàng.

Tuy nhiên, từ năm 2012, Thông tư số 32/2012/TT- BGTVT “Quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ôtô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ” và Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/07/2012 “Quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” có hiệu lực mới giới hạn thùng chở hàng.

“Cá biệt, có trường hợp chủ xe thuê cải tạo, cơi nới thùng hàng để chở quá tải. Khi tới hạn kiểm định, chủ xe đi thuê thùng đúng kích cỡ lắp vào hòng qua mắt cơ quan đăng kiểm,” ông Hình đánh giá.

Để nâng cao các biện pháp quản lý, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nhằm kiểm soát phương tiện này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã sửa đổi Thông tư 56/2012, trong đó yêu cầu đăng kiểm chụp ảnh thùng xe để đưa vào giấy đăng kiểm.

“Việc này vừa kiểm soát được quá trình kiểm định, vừa kiểm tra được ngay lập tức xe đưa vào đăng kiểm có đúng kích cỡ thùng hàng đã đúng với thiết kế hay không để lực lượng kiểm tra trên đường như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cũng dễ dàng kiểm soát hơn. Đặc biệt, các chủ xe, doanh nghiệp có ý định cơi nới, sửa thùng hàng cũng phải cân nhắc,” ông Trí nhìn nhận.

Ngoài ra,  gần 50.000 xe đã cơi nới thùng hợp pháp trước thời điểm năm 2012 sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định trên tem có đóng dấu vạch đỏ để cơ quan tuần tra, kiểm tra dễ nhận biết, tập trung tăng cường kiểm tra tải trọng xe khi tham gia giao thông.

“Hiện nay, số Biển kiểm soát, nơi đăng ký kinh doanh cụ thể từng xe đã được cập nhật trên mạng của Bộ Giao thông Vận tải và các Sở Giao thông Vận tải địa phương để lực lượng chức năng kiểm soát dễ dàng,” vị Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc