(VnMedia) - Ngày 4/3, Ban Đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày của Hà Nội đã giới thiệu tập 3 cuốn sách “Kiên trung bất khuất”, cuốn hồi ký đặc biệt ghi lại những ngày tháng chiến đấu, hy sinh gian khổ nhưng đầy tự hào...
Cuốn sách là tập hợp những hồi ký kể lại gương chiến đấu, hy sinh của các cựu tù trong nhà lao đế quốc, phản ánh cuộc đấu tranh chống lại đòn roi tra tấn của kẻ thù, những luận điệu chiêu hàng của địch; quyết tâm bảo vệ cách mạng, một lòng tin theo Đảng, biến nhà tù thành trường học cách mạng của các chiến sỹ. Sách còn có những trang thơ chọn lọc những bài sáng tác trong tù, diễn tả tâm trạng của người tù, về nỗi nhớ quê hương, gia đình và tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo. Những bài thơ này đã được các cựu tù đọc cho nhau nghe và trở thành món ăn tinh thần, động viên họ vượt qua những ngày tháng gian khổ trong lao tù đế quốc.
Trở về trong tư thế người chiến thắng, những hồi ký cũng ghi lại chuyện trao trả những người tù khi kết thúc chiến tranh sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và sau Hiệp định Pari năm 1973.
Trước đó, tập 1 của cuốn sách đã được xuất bản từ năm 2005, chủ yếu viết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp; tập 2 xuất bản năm 2006 chủ yếu về thời kỳ chống Mỹ; tập 3 này bổ sung cho hai tập trước, qua tất cả các thời kỳ cách mạng, thêm các hồi ký của cựu tù chính trị, cựu tù binh của các quận, huyện, thị xã mới sáp nhập vào Thủ đô.
Bác Nguyễn Văn Triển – Phó trưởng ban liên lạc cựu tù Hà Nội |
Nói chuyện tại buổi giao bao báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 4/3, bác Nguyễn Văn Triển – Phó trưởng ban liên lạc cựu tù Hà Nội chia sẻ, trong số 59 tác giả thì có 6 người hiện đã mất. Trong những người còn sống thì có bác Học Phi đã ở tuổi 100, bác Văn Nhân đã 96 tuổi. “Vừa rồi những người cựu tù chúng tôi gặp nhau, người trẻ nhất cũng sinh năm 1955. Có Ban liên lạc nhà tù không còn ai đủ sức khỏe đi lại, thậm chí có Ban liên lạc đã bị “xóa sổ”.” – bác Triển bùi ngùi nói.
“Dù đã có 3 tập sách về những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, nhưng chúng tôi vẫn thấy còn nhiều điều muốn nói, còn nhiều chuyện li kỳ nhưng chưa thẩm định được, và người trong cuộc khó nói, khó diễn tả. Quỹ thời gian của những người này không còn bao nhiêu, e rằng nếu không nói lại được với thế hệ sau thì có lỗi với đồng đội đã hi sinh trong các nhà tù của địch” – bác Triển xúc động chia sẻ.
Trong khi môn lịch sử đang bị coi là môn học nhàm chán, không thu hút được sự chú ý của giới trẻ thì những cuốn sách như cuốn hồi ký Kiên trung bất khuất chính là những tư liệu quý báu, sống động và chân thực mà các nhà trường có thể sử dụng để truyền tải truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc ta đến thế hệ mai sau.
...Tình trạng những người tù ở Chín Hầm bị hành hạ già vò triền miên bởi bệnh tật đã đưa đến những cái chết vô cùng thê thảm. Những người còn sống tuy không được ở ngay bên cạnh bạn mình để chăm sóc và an ủi bạn trong giờ phút cuối cùng, tuy không được nhìn tận mắt, nhưng cũng từng chia sẻ với bạn tất cả sự quằn quại đau thương của những ngày giãy chết. Đó là những ngày căng thẳng thần kinh đến cực độ.
Vì hầm kín, tiếng dội nhiều nên anh em đều nghe được rất rõ từng tiếng động nhẹ ở buồng người sắp chết. Từ tiếng thở khò khè xuyên qua cổ họng nghẹt đờm, từ tiếng rên khe khẽ của người bệnh còn tỉnh cố nén mà không được, đến những tràng tiếng rên thảm thiết của người lên cơn mê sảng, chốc chốc lại rúc lên như một hồi còi ma quái nào từ âm ty vọng lại… Những tràng tiếng rên rùng rợn dội mạnh cứ như búa bổ vào đầu những người bệnh khác chưa đến ngày hấp hối… Sau đó là im lặng, im lặng hoàn toàn, ngược hẳn những giờ, những phút đầy tiếng động đau thương trước đó… một sự im lặng nặng nề đến ngạt thở. Thế là hết…
…Là nhân chứng về cái chết của 5 đồng chí, tôi nhớ như in những lời trăng trối của từng đồng chí trước khi nhắm mắt. Mỗi người đều nói được đôi điều gửi gắm lại. Trong những lời cuối cùng ấy, cả 5 người đều có một ý giống nhau, đó là anh em không nên tuyệt vọng, không nên tự sát, cố gắng sống mà về với Đảng, với nhân dân, để báo cáo sự thật về hoạt động vô cùng nguy hiểm của Mật vụ miền Trung và tố cáo tội ác tày trời của bè lũ Ngô Đình Cẩn ở tử ngục Chín Hầm… (trích hồi ký Tử ngục Chín Hầm và trường ca Sống trong tôi của Nguyễn Minh Vân, in trong cuốn Kiên trung bất khuất - tập 3)
Tuệ Khanh -
(bài, ảnh)
Ý kiến bạn đọc