(VnMedia) - Mặc dù phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan rộng và đạt được nhiều kết quả, song trên thực tế, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng...
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 5 năm qua, Nghị quyết Trung ương 7 đã tạo sự chuyển biến toàn diện theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân đã có nhiều khởi sắc. Trong nông nghiệp, sản xuất liên tục phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và chất lượng ngày càng cao, xuất khẩu tăng mạnh, nhiều mặt hàng có vị thế cao hơn trên thị trường thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 2009 – 2013, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, trong đó, nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5% và thủy sản tăng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2% (dự kiến năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD).
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả cả nước, đến nay đã có 93,1% tổng số xã hoàn thành quy hoạch, 79,2% số xã lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tính tới tháng 9/2013, bình quân mỗi xã đã đạt được 7,87 tiêu chí so với 4,58 tiêu chí tháng 12/2011. Trong 8.971 xã báo cáo đã có 67 xã được công nhận đạt cả 19 tiêu chí.
Đặc biệt, thu nhập của đại bộ phận cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, kể cả hộ dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, đến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn ước là 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với 2008.
Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đang có xu hướng gia tăng - ảnh minh họa |
Cần nâng cao đời sống của người nông dân
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn nhiều hạn chế. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp.... Cơ cấu kinh tế nông thôn chậm được điều chỉnh, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển chậm. Phần lớn vật tư nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu, nhất là máy móc, thiết bị. Quá trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp có nhiều yếu tố kém bền vững.
Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm, nhiều nơi thiếu nguồn lực, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách cấp trên, nhiều khả năng không đạt mục tiêu trên 20% số xã đạt tiêu chí vào năm 2015. Đời sống cư dân nông thôn nhìn chung còn thấp. Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, xây dựng nông thôn mới cần gắn với giảm nghèo, tránh việc chạy theo tiêu chí, hình thức.
“Xây dựng nông thôn mới là làm cho đời sống, vật chất của người dân được cải thiện, từng bước nâng nên, làm cho cuộc sống, chính trị, văn hóa, an ninh trật tự được đảm bảo.” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định và chia sẻ, ông hy vọng sau Hội nghị lần này, các ngành, các địa phương sẽ tìm ra được những điểm nhấn, những điểm đột phá, điểm quan trọng, những điểm cần bổ sung, sửa đổi hoặc nhấn mạnh thêm trong Nghị quyết để Bộ Chính trị có thể kết luận và triển khai sâu rộng hơn nữa trong cả nước.
Ý kiến bạn đọc