Hà Nội quyết dẹp chợ cóc để “cứu” siêu thị

08:12, 02/12/2013
|

(VnMedia) - UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục giải tỏa chợ cóc, tụ điểm kinh doanh trái phép khu vực xung quanh chợ - trung tâm thương mại để người dân vào trung tâm thương mại mua sắm, giúp cho hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả…

>>Chợ cóc và siêu thị: Cái nào là "tội đồ"?
>>Những dấu hỏi cho bản quy hoạch chợ Hà Nội
 

Chi ngàn tỷ không hiệu quả
 
Những năm vừa qua, Hà Nội đã thực hiện phá một loạt chợ truyền thống để chuyển sang mô hình chợ - trung tâm thương mại. Để thực hiện các dự án này, số tiền được chi ra là hàng nghìn tỷ đng. Điển  hình như chợ - Trung tâm thương mại Chợ Mơ có số tiền đầu tư là 1.500 tỷ đồng; Chợ  - trung tâm thương mại 19/2 đầu tư 400 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại huyện Thanh Trì đầu tư 125 tỷ, Chợ - trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa đầu tư 14 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại chợ Hàng Da 236 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại Cừa Nam có số tiền đầu tư hơn 100 tỷ…
 
Tuy nhiên, dù đầu tư số tiền lớn như vậy nhưng hoạt động kinh doanh tại các công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại nói trên hầu như không hiệu quả, đặc biệt là hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống tại các khu hỗn hợp này kém hiệu quả hơn trước, chưa đảm bảo an sinh xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân và chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ.
 
Đặc biệt, do hoạt động kinh doanh tại công trình hỗn hợp chợ - Trung tâm thương mại không hiệu quả, nhiều hộ kinh doanh đã nghỉ kinh doanh  hoặc sang nhượng điểm kinh doanh. Theo khảo sát cho thấy, Chợ Hàng Da có khoảng 200/636 hộ nghỉ kinh doanh, chợ Cửa Nam có 62/62 hộ, chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ nghỉ kinh doanh…
 
Ngoài ra, do không thuận tiện, không phù hợp với tập quán kinh doanh, mua bán của người Hà Nội nên người dân đã không vào chợ mua bán, điều đó đồng nghĩa với việc mọc lên các chợ cóc, chợ tạm… xung quanh khu vực chợ cũ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Những bất cập trong việc đổi chợ thành trung tâm thương mại, siêu thị đã được báo chí phản ảnh khá nhiều và các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã tiến hành chất vấn tại các kỳ họp gần đây.


Ảnh minh họa

Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo dẹp chợ cóc, chợ tạm với hy vọng những cái "chợ" như thế này hoạt động kinh doanh hiệu quả


 
Chợ trở thành phụ, trung tâm thương mại là chính

Mặc dù việc phá bỏ các chợ truyền thống cũ để xây các tòa nhà hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại đều đặt ra mục tiêu là để việc mua sắm của người dân được đảm bảo văn minh… nhưng trong khi tiến hành phá bỏ hàng loạt chợ truyền thống để xây dựng lại thì mô hình mẫu công trinh hỗn hợp chợ gắn với Trung tâm thương mại vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng) để đảm bảo hài hòa các công năng, vừa giữ được chợ truyền thống, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư khi nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện.
 
Đặc biệt, việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng trung tâm thương mại, trong khi đó, chợ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân lại trở thành phụ và chiếm tỷ lệ nhỏ.
 
Cùng với đó, một số dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại trên nền chợ cũ có diện tích nhỏ, hẹp, khi đầu tư xây dựng để tận dụng diện tích kinh doanh, chủ đầu tư đã thiét kế khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, xe máy lên xuống không thuận tiện, đã không khuyến khích người dân vào tham quan, mua sắm, trong đó điển hình là chợ Cửa Nam.
 
Việc thực hiện các quy hoạch cũng không đồng bộ, chủ đầu tư chưa tính toán kỹ dẫn đến công trình chợ - trung tâm thương mại hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng các công trinh hạ tầng xung quanhc hợ tiến độ hoàn thành không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm, điển hình là chợ Ô Chợ Dừa…
 
Một nguyên nhân khác được Thành phố chỉ ra, đó là năng lực tài chính của các doanh nghiệp đầu tư hầu hết là đi vay, một số doanh nghiệp đầu tư dàn trải như Công ty CP Xây dựng Sông Hồng là chủ đầu tư một số công trình hỗn hợp như Chợ Hàng Da, chợ - trung tâm Thương mại Châu Long, chợ - trung tâm thương mại Xuân La…; một số doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu vốn, thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ như Vinaconex; Tổng Công ty Dầu khí tại dự án Chợ - Trung tâm thương mại Ngã Tư Sở. Do vậy, khi có biến động thì tiến độ đầu tư kéo dài, đã gây tâm lý mất ổn định đối với các hộ kinh doanh tại chợ, trong khi cơ sở vật chất tại chợ ngày một xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…
 
Dẹp chợ cóc, chợ tạm để dân vào trung tâm thương mại

Để khắc phục những tồn tại nói trên, UBND thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiêm nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật quy định về phát triển và quản lý chợ phương án chợ tạm, phương án tái bố trí chi tiết về các điều kiện đối với hộ kinh doanh, công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh… nhất là đối với các chợ truyền thống có số hộ kinh doanh lớn, các chợ nội thành cũ có vị trí đắc địa, để công tác giỉa phóng mặt bằng không gây mất trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Đặc biệt, dù nhận định rằng các chợ - trung tâm thương mại được thiết kế không phù hợp với chức năng chợ, không đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nhưng Thành phố vẫn chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giải tỏa chợ cóc, tụ điểm kinh doanh trái phép khu vực xung quanh chợ để người dân vào chợ mua sắm, giúp cho hoạt động kinh doanh tại chợ đạt hiệu quả.
 
Đối với các dự án đầu tư đã được đấu thầu, giao cho các công ty nhưng chưa thực hiện, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện giãn tiến độ thực hiện dự án…


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc