(VnMedia) - Trước thông tin về những nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà cụ thể là quỹ lương hưu, nhiều người đang ở độ tuổi đi làm và đóng bảo hiểm có ý lo ngại rằng, nếu điều đó xảy ra thì khi về hưu họ có thể trắng tay sau bao nhiêu năm đóng bảo hiểm. VnMedia đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. - ảnh: Tuệ Khanh |
- Thưa ông, liệu người lao động có lý do để e ngại khi đóng bảo hiểm lương hưu hay không khi mà người ta đã nói rất nhiều đến những nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội?
Trước hết, tôi phải khẳng định rằng việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết và người lao động không nên lo lắng về việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, bởi bảo hiểm xã hội là một chính sách bảo hiểm dài hạn, được sự bảo trợ của nhà nước.
Xét trong quá trình thực hiện ở tất cả những nước phát triển, kể cả những nước đi trước Việt Nam hàng trăm năm, đã đi những bước rất dài thì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là có thật. Nhưng vì chúng ta đi sau, tìm được khuyết tật đó, thấy được những khả năng như vậy thì chúng ta phải điều chỉnh. Việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, nay lại tiếp tục sửa và hoàn thiện đều có mục tiêu điều chỉnh để kiềm chế việc vỡ quỹ bào hiểm xã hội trong tương lai.
Phải hiểu rằng, dù có khó khăn đến thế nào thì nhà nước là nhà tài trợ, bảo lãnh cho quỹ bảo hiểm xã hội tồn tại, phát triển.
- Theo ông thì những “khuyết tật” về bảo hiểm xã hội ở nước ta đang là điều gì?
Nguy cơ vỡ quỹ có 2 vấn đề. Trước đây, chính sách bảo hiểm của chúng ta không cân đối giữa mức đóng và mức hưởng. Trước 1/1/1995, thực chất là nhà nước chi trả toàn bộ quỹ bảo hiểm xã hội mà không có sự đóng góp. Sau khi Luật bảo hiểm xã hội và Bộ Luật Lao động ra đời, chúng ta phải quay trở lại xác định Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ dài hạn trong tương lai nên phải cân bằng mức đóng - mức hưởng để bảo tồn quỹ dó một cách an toàn nhất. Đó là mục tiêu, định hướng của chính sách an sinh xã hội.
Ở Việt Nam, chính sách xã hội là một chính sách rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, trong chính sách xã hội đó là chính sách an sinh xã hội, mà trong an sinh xã hội thì bảo hiểm xã hội là chính sách trụ cột. Chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lương lao động dư thừa nhiều, cung lao động lớn hơn cầu lao động, thất nghiệp nhiều… nhưng sẽ đến thời kỳ già hóa dân số. Trong vòng 10 – 20 năm nữa, khoảng 20-30% là người già, nếu không có lương hưu thì sống bằng cách gì?
Hiện nay, những đối tượng không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng từ 80 tuổi trở lên được nhà nước chi trả bảo trợ xã hội hàng tháng, thực chất là lương hưu cho đối tượng xã hội, mỗi tháng 180.000 đồng. Sắp tới, nhà nước sẽ điều chỉnh lên 240.000 đồng và phải điều chỉnh nữa cho ít nhất cũng phải bằng chuẩn nghèo hoặc mức sống tối thiểu. Vì điều đó, chúng ta phải tính toán. Theo Luật bảo hiểm xã hội hiện hành thì dù đóng mức nào cũng đều được xác định mức hưởng bảo hiểm trước, bằng 75% tối đa của nam đủ 30 năm công tác và nữ đủ 25 năm. Như vậy, giữa mức đóng và mức hưởng không tương đồng, mà cụ thể là mức hưởng đang quá cao mà mức đóng lại quá thấp.
- Vậy, để xử lý những “khuyết tật” đó, chúng ta sẽ làm gì?
Về xử lý, trước tiên là phải đóng đúng bảo hiểm xã hội. Lâu nay, chúng ta đóng theo mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng hoặc đóng trên mức lương tối thiểu vùng và như vậy không đảm bảo yêu cầu. Hiện nay, Điều 90, 91 của Bộ Luật Lao động quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội phải căn cứ trên mức tiền lương ký kết hợp đồng lao động hoặc tiền lương chức vụ cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương và các khoản bổ sung khác để cho mức đóng cao hơn.
Thứ hai là phải tăng tuổi nghỉ hưu. Khi cung lao động đang lớn hơn cầu sử dụng lao động thì tuổi nghỉ hưu vẫn có thể giữ 55 đối với nữ và 60 đối với nam, nhưng về lâu dài, để đón trước quá trình già hóa dân số thì chúng ta phải có lộ trình để nâng dần tuổi nghỉ hưu. Chính phủ hiện nay đang chuẩn bị Luật Bảo hiểm Xã hội trình quốc hội, theo đó, cứ 3 năm nâng 1 tuổi cho đến giai đoạn chúng ta bắt đầu bước vào già hóa dân số thì nam, nữ đều phải đạt đủ 60 tuổi. Hiện nay, nếu ngay một lúc nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên thì về mặt sinh lý, sức khỏe và điều kiện chưa thể đáp ứng được, vì vậy chúng ta phải có lộ trình dài, vừa phải chuẩn bị nguồn nhân lực, vừa phải để cho quá trình nhận thức của con người chuyển đổi.
Thứ ba, phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Năm 2011, chúng ta có gần 10 người đóng bảo hiểm cho 1 người hưởng. Đến năm nay là 5 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm của các nước luôn luôn cân bằng, thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Chúng ta cũng phải phấn đấu đạt mục tiêu như vậy.
Thứ tư, phải quản lý quỹ bảo hiểm xã hội một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, làm sao cho quỹ này tăng trưởng để khắc phục trượt giá, khắc phục mất giá trị của đồng tiền. Muốn như vậy, nguồn quỹ phải được đầu tư vào các công trình trọng điểm, tạo ra lợi nhuận cao, lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng nhà nước công bố trong từng thời điểm. Điều đó chúng ta xử lý được và phải xử lý trong Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới. Như vậy mới khắc phục được sự mất cân bằng của quỹ bảo hiểm.
Về lâu dài, lương hưu sẽ phải đảm bảo mức sống cho người già |
- Như nếu đầu tư như vậy mà có rủi ro thì quỹ này cũng phải chịu sự rủi ro, thưa ông?
Đúng. Khi đầu tư, nếu quản lý không tốt thì lãi suất cao cũng kèm theo rủi ro lớn. Chính vì vậy, lâu nay chúng ta chưa dám đầu tư để có lợi nhuận cao hơn, tăng trưởng cao hơn mà chỉ đầu tư vào những ngân hàng mà Nhà nước có tỷ trọng vốn cao hơn 50%, lãi suất ít nhưng ăn chắc. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải tìm đến những công trình đầu tư trọng điểm. Ví dụ như các công trình giao thông huyết mạch, chúng ta bỏ quỹ này ra đầu tư và cho thu phí thì chắc chắn không thể mất quỹ. Vừa rồi chúng ta đã thí điểm đầu tư vào thủy điện Lai Châu qua Ngân hàng Công Thương 1.600 tỷ đồng. Tiền này đầu tư với lãi suất cao, nhưng được Ngân hàng Công Thương bảo lãnh nên an toàn. Cho vay đầu tư hiệu quả mà cao thì rủi ro lớn hơn, còn nếu cho vay lãi suất thấp nhưng ăn chắc như trái phiếu Chính phủ, hay những ngân hàng chiếm 50% vốn nhà nước thì quỹ không cao. Bây giờ, chúng ta cố gắng cho vay thật là an toàn, hiệu quả, lãi suất thấp một chút nhưng không được thấp hơn chỉ số CPI, đó là hiệu quả. Năm 2012, chúng ta đã đạt mức lãi suất cao hơn lãi ngân hàng, cao hơn chỉ số trượt giá.
Số người nghỉ hưu hưởng lương từ chính sách xã hội hiện nay là 2,6 triệu người, trong đó có khoảng 1,9 triệu người hưởng lương hưu, nhưng từ ngày 1/1/1995 đến nay, số người đóng theo Luật Bảo hiểm Xã hội mới (đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu) chỉ chiếm vài trăm ngàn. Còn lại, những người nghỉ hưu trước 1/1/1995 hoàn toàn hưởng lương do ngân sách bỏ ra. Số đó, bao nhiêu năm qua trượt giá, lương hưu thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu của người già. Bây giờ, nhà nước đã điều chỉnh tiền lương bằng mức lương tối thiểu để họ đỡ khó khăn.
Trong tương lai, chính sách an sinh xã hội phải được thực hiện cả công bằng dọc và công bằng ngang. Công bằng ngang là làm sao để tất cả những người có sàn lương hưu thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu sẽ phải được điều chỉnh cho bằng mức lương tối thiểu. Còn công bằng dọc là người có thu nhập cao, đóng bảo hiểm xã hội cao thì khi về hưu sẽ được hưởng bảo hiểm cao hơn. Không có chuyện người đóng cao, người đóng thấp cùng hưởng một khung.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ mở rộng bảo hiểm hưu trí bổ sung. Doanh nghiệp ăn nên làm ra sẽ bỏ tiền ra đóng thêm bảo hiểm ngoài bảo hiểm lương hưu của nhà nước. Ví dụ như, hiện nay, Cộng hòa Liên Bang Đức đang muốn tham gia bảo hiểm của người Việt Nam làm việc ở Đức, và người Đức làm việc ở Việt Nam. Khi người làm việc ở nước ngoài đóng bảo hiểm trở về sẽ tiếp tục hòa nhập quỹ này để đảm bảo tăng thêm thu nhập khi nghỉ hưu.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Ý kiến bạn đọc