(VnMedia) - Mặc dù khẳng định đã khảo sát và xây dựng dự án cải tạo chợ A12 Khương Thượng thành chợ đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm từ năm 2012, nhưng đến nay, Sở Công Thương lại xin chuyển mô hình này về thí điểm tại chợ Thái Hà.
Sở Công thương Hà Nội vừa đề nghị UBND Thành phố đồng ý và bố trí vốn để cải tạo chợ Thái Hà thành chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thay vì cải tạo chợ A12 Khương Thượng như dự án ban đầu.
Những năm qua, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt hàng thịt tươi sống chưa qua kiểm dịch, thậm chí có mặt hàng bị ôi thiu vẫn được bày bán công khai. Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh rau an toàn phải ngừng kinh doanh do hiệu quả kinh doanh không cao.
Trước thực tế đó, Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ A12 Khương Thượng. Tuy nhiên, Sở Công Thương và quận Đống Đa vừa đề nghị Thành phố cho phép chuyển thực hiện dự án từ chợ A12 Khương Thượng sang chợ Thái Hà.
Trước đó, năm 2012, Sở Công Thương đã xây dựng Dự thảo Phương án xây dựng mô hình thí điểm tại chợ A12 Khương Thượng - Đống Đa, bao gồm đánh giá thực trạng chợ, phương án chuyển đổi mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các quầy, kệ, thiết bị bán hàng, nền chợ, hệ thống cấp, thoát nước… Sở này cũng đã lên dự toán tổng thể công trình nâng cấp cải tạo chợ, cung cấp cho Ban Quản lý chợ A12 Khương Thượng và các hộ kinh doanh tại chợ tờ rơi, tờ gấp… vận động nhân dân thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi khi xây dựng mô hình.
Theo bà Phó Giám đốc sở Công Thương Nguyễn Thị Như Mai thì Sở Công Thương cũng đã tổng hợp số liệu khảo sát và hoàn thành xây dựng nội dung Dự án, tổ chức tham khảo ý kiến các ngành, chuyên gia… Đến ngày 7/1/2013, Sở Công Thương đã có tờ trình Thành phố phê duyệt “Dự án Mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015”.
Bà Mai cũng cho biết, với số tiền hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 500 triệu đồng, để thực hiện, Sở Công Thương đã thực hiện các nội dung (?!) khoảng 200 triệu đồng, số tiền còn lại khoảng 300 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho chợ thực hiện thí điểm để cải tạo đầu tư hạ tầng kỹ thuật sạp hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đề nghị của Sở Công Thương, ngày 1/4/2013, UBND Thành phố đã có văn bản giao nhiệm vụ từng sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận Đống Đa thực hiện dự án.
Chợ A12 Khương Thượng - ảnh: PNTĐ |
Mặc dù khẳng định đã khảo sát và làm rất nhiều công việc (trong đó có cả việc xin ý kiến các chuyên gia…), và với mức kinh phí không nhỏ, nhưng cho đến nay, Sở Công Thương, mà trực tiếp là bà Nguyễn Thị Như Mai lại tiếp tục báo cáo với UBND Thành phố xin thay đổi chợ thực hiện mô hình thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ chợ A12 Khương Thượng sang chợ Thái Hà.
Cũng lại theo bà Mai thì một trong những lý do của việc này là năng lực tài chính của Hợp tác xã Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ quản lý khai thác chợ quận Đống Đa (đơn vị đang quản lý chợ A12 Khương Thượng) hạn chế, không có kinh phí để đối ứng thực hiện cải tạo chợ.
Ngoài ra, bà Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng đưa ra một loạt lý do như kinh tế suy thoái, sức mua của dân kém, Ngân sách của Quận không thể hỗ trợ trực tiếp…
Còn đối với chợ Thái Hà (18 Đặng Tiến Đông), một chợ hạng 3, có diện tích 2.360m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 1.265m2, với khoảng 145 hộ kinh doanh cố định, thì theo bà Mai, chợ này nằm tại trung tâm phường Trung Liệt, có vị trí giao thông thuận tiện, trình độ dân trí cao, người dân có xu hướng tiêu dùng văn minh, hiện đại. “Đây là một trong những điều kiện quyết định đến thành công của dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định.
Bà Mai cho biết, công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đã cam kết bố trí đủ kinh phí (khoảng hơn 1 tỷ đồng), cùng với số tiền 312 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư cải tạo chợ Thái Hà theo mô hình thí điểm chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể những lý do mà bà Phó Giám đốc Sở Công Thương đưa ra trong thời điểm hiện tại là hợp lý, tuy nhiên, đây là việc mà Sở Công Thương và UBND quận Đống Đa phải làm trước khi lựa chọn chợ cũng như chủ đầu tư để trình Thành phố phê duyệt, chứ không phải sau khi đã triển khai hàng loạt công việc rồi lại thay đổi gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Với cách làm này, không biết bao giờ Hà Nội mới thực sự có được một cái chợ an toàn vệ sinh thực phẩm?
Ý kiến bạn đọc