Tháng 11, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn

10:59, 28/10/2013
|

(VnMedia) - Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quý IV năm 2013, sẽ đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn trong đó có vụ Dương Trí Dũng, vụ tham ô tại công ty Hàng hải.

Sáng 28/10,  Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, mặc dù năm 2013 có nhiều yếu tố tác động làm gia tăng tội phạm, nhưng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ ngành địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm nên tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế. Tỷ lệ gia tăng tội phạm giảm hẳn so với năm 2012.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn. Nổi lên là các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, tăng cường liên kết nhằm hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền các luận điểm thù địch, xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gây mâu thuẫn; tài trợ cho một số đối tượng chống đối ở trong nước lợi dụng dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc xã hội để lôi kéo kích động, tụ tập đông người, gây phức tạp về ANTT, nhằm gây bất ổn định chính trị, xã hội ở nước ta.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong năm nay, một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm so với năm 2012 như tội phạm giết người giảm 4,32%, cướp tài sản giảm 12,51%, chống người thi hành công vụ giảm 9,93%… nhưng tính chất của tội phạm nghiêm trọng hơn, nhất là hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức các loại cờ bạc, cá độ bóng đá. Nhiều đối tượng manh động, liều lĩnh sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ gây án, gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã  hội chiếm 86,1% trong các vụ án giết người. Nguyên nhân chủ yếu do các mâu thuẫn bột phát, tức thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội. Hầu hết các đối tượng gây án phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Tình trạng Giết người thân trong gia đình xảy ra nhiều chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động, nhiều vụ giết người với hành vi rất dã man, tàn bạo gây bức xúc trong dư luận

Tội phạm đánh bạc tăng, hoạt động của nhiều sới bạc mang tính chất chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với cho vay nặng lãi có sự tham gia của nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự. Tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet ngày càng tinh vi, phát hiện thủ đoạn sử dụng đường truyền internet tốc độ cao truyền hình trực tuyến từ các sòng bạc từ Campuchia về Việt Nam để tổ chức đánh bạc. Tội phạm xâm phạm sở hữu tăng, trong đó tội trộm cắp tài sản chiếm đến hơn 32% tổng số vụ phạm tội. Tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế cũng tăng, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…

Công tác phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ án tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Một số vụ án nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được phát hiện, điều tra kịp thời. Điển hình là các vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội, gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng; khởi tố 26 bị can, trong đó có 2 bị can nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng NN&PTNT. Vụ vị phạm các quy định về cho vay và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) gây thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng, khởi tố 14 bị can. Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (Ngân hàng NN& PTNT) đã mở rộng điều tra khởi tố 8 bị can về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam , đã khởi tố bổ sung 4 bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội tham ô tài sản.

 

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, thời gian vừa qua, Bộ đã đã tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho Viện KSND, đề nghị truy tố vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 23 bị can; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm 8 bị can; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm 4 bị can và vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài gồm 7 bị can; các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... tại Công ty cho thuê tài chính 2 gồm 23 bị can. Liên ngành Tư pháp Trung ương đã thống nhất đưa ra xét xử các vụ án trên trong quý IV-2013.

Tiếp theo đó, trong báo cáo của Viện kiểm soát nhân dân tối cao, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đưa ra nhận định, tình hình tội phạm tham nhũng gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Hoạt động của các băng nhóm xã hội đen có tính chất phức tạp xuất hiện trở lại. Tội phạm ma túy ngày càng tăng. Tranh chấp dân sự, vụ án hành chính tiếp tục gia tăng gây bức xúc cho người dân, xuất hiện tình trạng cho vay nặng lãi phức tạp. Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ sự sụt giảm kinh tế…

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng, tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa cao, chất lượng tranh tụng của VKS tại một số phiên tòa còn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều vụ việc hình sự, dân sự còn để quá thời hạn giải quyết.

Tội phạm tham nhũng xử án treo trong năm 2013 đã giảm 3% so với cùng kỳ và sẽ giảm trong thời gian tiếp theo.

Dự kiến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử các vụ vào đầu tháng 11/2013, các vụ án còn lại sẽ xét xử trong quý IV năm 2013. Trong đó có một số vụ sẽ xét xử ngay trong kỳ họp Quốc hội này.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc