Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì với người dân?

08:11, 28/10/2013
|

(VnMedia) - Cho rằng ngành Y tế trong thời gian qua đạt rất nhiều thành tựu đáng kể, Bộ trưởng Y tế nói rằng, “không phải thấy rằng một trường hợp cá biệt mà biến nó thành phổ biến, cũng như không thể nhìn một cái cây để thấy cả cánh rừng”…

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: tất cả ngành Y tế Việt Nam đang nỗ lực hết mình


Tối 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao đổi trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời về những thắc mắc của cử tri liên quan đến tăng viện phí chưa đồng thời với tăng chất lượng dịch vụ.
 
- Bộ trưởng có ý kiến gì về những bức xúc của người dân trước việc 3 cháu nhỏ bị tiêm nhầm thuốc co bóp tử cung?
 
Là Lãnh đạo ngành y tế và với tư cách cá nhân, tôi muốn gửi lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc đối với gia đình của 3 trẻ đã tử vong sau tiêm vaccin viêm gan B ở Quảng Trị.
 
Đây là sự việc hi hữu rất nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cử ngay một đoàn công tác xuống phối hợp với Bộ Công an và Y tế địa phương để điều tra. Ngày 10/10 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Trị đã tống đạt khởi tố vụ án về hành vi vô ý gây tử vong cho trẻ sơ sinh do thực hành kỹ thuật tiêm chủng. Nguyên nhân ở đây không phải do vaccin mà do những cán bộ tiêm chủng đã không thực hiện đúng các kỹ thuật tiêm chủng và dẫn đến tử vong cho các cháu.
 
Nhân dịp này chúng tôi mong rằng các bà mẹ tiếp tục mang con đến tiêm chủng vì tương lai của các cháu. Chúng tôi cũng gửi thông điệp đến các bạn đồng nghiệp tiêm chủng trong toàn quốc là: “chúng ta rất vất vả trong nhiều năm qua đã bảo vệ và giảm tử vong cho hàng triệu trẻ em nhưng nếu một chút sơ xuất thì có thể dẫn đến tử vong và những tai biến rất đáng tiếc. Điều này sẽ làm chúng ta rất đau khổ về trách nhiệm và lương tâm. Vì vậy, tôi mong tất cả các bạn hãy cố gắng làm hết trách nhiệm và đặt an toàn tiêm chủng của các cháu lên trên hết.”
 
- Thưa Bộ trưởng, có một số ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, lạm dụng bảo hiểm y tế trong kê đơn thuốc biệt dược và trong xét nghiệm. Chính vì vậy, nhiều người bệnh hiện vẫn còn băn khoăn rằng nên khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hay tự bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ y tế.
 
 Đúng và có một số trường hợp xảy ra như vậy và mới hôm qua tiếp xúc cử tri, tôi cũng thấy có cử tri phản ánh là có sự phân biệt giữa người khám bảo hiểm y tế và người khám dịch vụ. Điều này trong ngành chúng tôi không chấp  nhận được vì dù khám thế nào thì trước mặt mình họ đều là bệnh nhân và đều phải khám, chữa bệnh cho kết quả cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phải thấy rằng một trường hợp cá biệt mà biến nó thành phổ biến, cũng như không thể nhìn một cái cây mà thấy cả cánh rừng, vì ngành y tế trong thời gian qua đạt rất nhiều thành tựu đáng kể.
 
Thống kê năm 2012, số lượt người đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là 121 triệu lượt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm là 68% trong cả nước, mà nguồn thu và phần chi cho khám chữa bệnh trong cả nước có đến 60-80% tùy theo tuyến là từ bảo hiểm y tế. Như vậy, bảo hiểm y tế vẫn thu hút rất nhiều người, điều mà các nước khác chưa chắc đã thực hiện được. Bảo hiểm của chúng ta là bảo hiểm xã hội và cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản nhưng với mệnh giá chỉ có hơn 500.000 đồng, dù vậy những người tham gia bảo hiểm y tế có thể được chữa bệnh, thậm chí được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao và kể cả những loại bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo, các bệnh về mổ tim và can thiệp tim mạch với chi phí có thể là 300 – 400 triệu mà bảo hiểm y tế vẫn thanh toán.
 
Bảo hiểm y tế chưa hấp dẫn được người dân bởi giá dịch vụ y tế 17 năm qua vẫn không thay đổi, rất thấp, ví dụ tiền khám bệnh có 3000 đồng. Thông tư 04 liên bộ đã điều chỉnh 3/7 yếu tố, đó là chi phí về khám bệnh, giường bệnh và một số chi phí trực tiếp, nhưng trước đây người bệnh chi phí với giá thấp như vậy thì phải bỏ tiền ra để bù giá thật, còn hiện nay những cái đó đều được bảo hiểm thanh toán. Như vậy là rất tốt, đặc biệt là đối với người nghèo và cận nghèo. Đây là những đối tượng được nhà nước mua thẻ bảo hiểm (người nghèo được 100% và người cận nghèo được chi 70%). Một số địa phương còn bỏ nốt 30% mua hết cho người cận nghèo.
 
Viện phí tăng nhưng cơ sở vật chất, y đức lại “xuống cấp”?

- Thưa Bộ trưởng, một công chức nhà nước đang có người thân nằm viện và trong tâm trạng khá bức xúc như sau: “Viện phí thì đã điều chỉnh được 1 năm rồi, sao hàng ngày chúng tôi vẫn chỉ  nhìn, nghe, đọc thấy là cơ sở vật chất xuống thấp, y đức thì xuống cấp, không rõ là mục tiêu tăng viện phí là gì nếu nó không cải thiện được chất lượng khám chữa bệnh. Cách đây 5 tháng, Bộ trưởng từng nói về một kế hoạch khá chi tiết để giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Kế hoạch này đã được thực hiện cụ thể ra sao hay vẫn chỉ là đề án trên giấy tờ?

 
Điều chỉnh giá dịch vụ thực chất chỉ có 3/7 yếu tổ tạo thành giá và cũng chỉ mới tính từ 60 – 90% thôi chứ chưa phải đã tính hết 100% 3 yếu tố đó. Cho nên, khi điều chỉnh giá dịch vụ đó thì không thể nào mà cơ sở vật chất tăng lên ngay được và cũng không thể nào giảm tải được bệnh viện.
 
Quá tải là do số giường bệnh/người dân của chúng ta quá thấp, đến nay mới đạt 22,5 giường/10.000 dân mà tối thiểu phải đạt 39 giường bệnh/10.000 dân. Muốn giảm tải thì phải tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện. Cái này trong thời gian qua Chính phủ đã hỗ trợ để xây các bệnh viện mới ở tuyến huyện và tuyến tỉnh, ở một số vùng khó khăn để tăng thêm số giường bệnh. Thứ hai là tuyến trung ương đã mở thêm bệnh viện K Tân Triều (cơ sở 3), bệnh viện Nội tiết cơ sở mới, xây thêm tòa nhà ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy, tòa nhà mới của bệnh viện da liễu… gần đây nhất là quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chi khoảng 20.000 tỷ để xây mới các cơ sở 2 của các bệnh viện ở tuyến cuối tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho 5 chuyên khoa quá tải và xây các bệnh viện quy mô hàng ngàn giường trở lên với trang thiết bị hiện đại.
 
Vì vậy, muốn các công việc đó hoàn thành thì không thể dưới 3 năm, nên để chờ kết quả đó phải có thời gian.
 
Biện pháp thứ 2 căn cơ và lâu dài đã triển khai, đó là xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa quá tải, đó là các bệnh viện tuyến tỉnh mà Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối chuyển giao các kỹ thuật cao cho tuyến dưới và tuyến tỉnh sẽ tự làm các kỹ thuật đó mà không cần chuyển lên. Chúng tôi xây khoảng 49 bệnh viện vệ tinh, với 5 chuyên khoa quá tải trên 36 tỉnh.
 
Thứ 3 là chúng tôi tăng cường thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình để cho người dân sát hơn và chăm sóc các bệnh thông thường đơn giản không cần phải đến bệnh viện.
 
Một điểm nữa là chúng tôi sẽ trình Ban cán sự Đảng và Chính phủ và trình Bộ Chính trị về đề án y tế cơ sở, trong đó xây dựng chuẩn về trạm y tế quốc gia mới. Theo chuẩn đó, bệnh nhân khám bảo hiểm y tế ở đó rất yên tâm, vì hiện nay 40% đã khám bệnh ở trạm y tế xã với các bệnh thông thường, với chất lượng cao.
 
Tất cả những chương trình đó sẽ có kết quả vì đây là mô hình chúng tôi rút ra từ thực tiễn đất nước và của các nước, nhưng cũng không thể một sớm một chiều mà nhanh nhất cũng phải vài ba năm tới mới có thể thấy hiệu quả được. Nhưng tất cả ngành Y tế Việt Nam đang nỗ lực hết mình để thực hiện các giải pháp đó.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc