(VnMedia) - Theo Nghị quyết “Điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố Hà Nội”, tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá 819 dịch vụ khám chữa bệnh.
>>Hà Nội “lên tiếng” việc trung tâm thương mại bị dân chê
Ngày 6/7, HĐND Hà Nội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết “Điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố Hà Nội”. Theo đó, tới đây, Hà Nội sẽ điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám chữa bệnh (KBCB), gồm: điều chỉnh giá của 5 loại dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, 9 dịch vụ ngày giường bệnh và 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Tài chính (74 dịch vụ còn lại áp dụng tại các bệnh viện hạng đặc biệt); điều chỉnh giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế-Tài chính-Lao động Thương binh và Xã hội; quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật đã được Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội thẩm định, phê duyệt danh mục nhưng chưa được quy định giá tại Thông tư số 04.
Theo Nghị định, đối tượng áp dụng trong đợt điều chỉnh này là các cơ sở KBCB công lập thuộc thành phố Hà Nội quản lý, gồm: các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Theo đó, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I điều chỉnh từ 15 nghìn đồng/ngày lên 113 nghìn đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạnh… điều chỉnh từ 9 nghìn đồng/ngày lên 60 nghìn đồng/ngày.
|
Từ 2/8 này, 819 dịch vụ khám chữa bệnh ở Hà Nội sẽ tăng giá. |
Đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ được điều chỉnh từ 37 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng; Với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa ở bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng. Việc hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca) ở cả bệnh viện loại I, II và III là 200 nghìn đồng; khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là 300 nghìn đồng…
Nghị quyết HĐND Hà Nội quy định rõ việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ KBCB, cụ thể: Các khoản thu dịch vụ KBCB trong phạm vi quy định tại Nghị quyết này được để lại toàn bộ cho đơn vị thu sử dụng theo quy định.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt công tác KBCB và đảm bảo giường điều trị cho người bệnh, hàng năm các đơn vị được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa, bàn ghế, giường tủ... cho các phòng khám, buồng khám;
15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh, mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc hạch toán thu, chi được thực hiện theo quy định hiện hành.
Nghị định sẽ có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Hiện, Hà Nội đang quản lý 41 bệnh viện công lập (7 bệnh viện hạng I; 18 bệnh viện hạng II; 16 bệnh viện hạng III); 51 phòng khám đa khoa khu vực; 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác KBCB.
Ý kiến bạn đọc