Phẫn nộ vụ cứu người tai nạn, bị đánh chết

09:40, 29/06/2013
|

Sự việc khiến nhiều bạn trẻ băn khoăn: Liệu có nên cứu người gặp nạn giữa đường?

Đã 3 ngày trôi qua, vụ việc nam thanh niên đưa em bé gặp tai nạn đi cấp cứu, bị người nhà nạn nhân đánh chết ngay tại khu cấp cứu bệnh viện khiến cộng đồng chưa hết bàng hoàng.

Người bị đánh chết là anh Nguyễn Hữu Duyên (22 tuổi). Ngày 23/6, anh Duyên điều khiển xe máy trên đừng 6B (P. Tân Tạo, Q. Bình Tân), thì đâm phải bé bé Tâm, con của chị Nguyễn Thị Quyển ở gần đó. Lập tức, Duyên đưa bé Tâm và chị Quyển đến bệnh viện dù chưa xác định lỗi của ai. Trong khi chờ tại khu cấp cứu, Duyên bất ngờ bị một nhóm côn đồ được cho là người nhà nạn nhân đánh đấm, hành hạ dẫn đến gãy cổ. Dù được đưa đi cấp cứu, song chiều 25/6, Duyên đã qua đời vì thương tích quá nặng.

Khu bệnh viện nơi Duyên bị nhóm người đánh đập dã mankhi đưa mẹ con nạn nhân đến nơi cấp cứu. Ảnh: NLĐ

Sự việc một thanh niên bị đánh hội đồng dẫn đến thiệt mạng dẫu đã đứng ra nhận trách nhiệm, làm đúng lương tâm khiến cộng đồng dấy lên nhiều bức xúc. Trên khắp các trang fanpage, thông tin về cái chết thương tâm của Hữu Duyên liên tục được đăng tải, khiến đông đảo bạn trẻ bày tỏ sự xót xa.

Không ít ý kiến cho rằng, việc làm của Duyên xứng đáng được xem là một hành động nghĩa hiệp khi sẵn sàng đưa người đến bệnh viện dù chưa phân định lỗi thuộc về ai. “Tội nghiệp bạn quá, mới có hơn 20 tuổi đầu, có lòng tốt mà lại chết oan uổng”, bạn Yeu QK… thương xót.

Cộng đồng cũng quyết liệt lên án hành động đánh đập tàn bạo của nhóm người nọ, cho rằng đây không chỉ là hành vi thể hiện sự hung hãn, côn đồ một cách đơn thuần, mà đã trở thành biểu hiện của sự nhẫn tâm, vô cảm, chỉ muốn hành hạ người khác cho hả cơn giận. “Đọc vụ này mà giận đến run người. Tai nạn là điều không ai muốn. Người nhà mình chẳng may bị người khác đụng, nhưng người ta có ý thức chở vào bệnh viện thì tại sao còn đánh đập bạn ấy?”, Nguyễn Ly, ĐH KHXH&NV TP HCM bức xúc cho biết.

Trên nhiều diễn đàn trực tuyến, vụ việc này thu hút sự bàn luận sôi nổi của đông đảo bạn trẻ. Nhiều ý kiến tiết lộ, những trường hợp phải chịu oan ức như Duyên không phải là hiếm, và lấy chính bản thân ra làm ví dụ.

Cộng đồng tranh cãi kịch liệt về hành vi đánh người dã man. Ảnh chụp màn hình.

“Hôm nọ, mình đang đi thì thấy một cô gái bị một người quẹt xe, té xuống và chảy máu. Lúc đó không có nhiều người bên cạnh nên mình cùng một anh khác chở em ấy vào viện. Xong việc, anh kia về trước, mình bị bác sĩ giữ lại. Đang ngồi thì bị một anh xưng là người yêu cô gái phang mạnh vào đầu, rồi bị người nhà nạn nhân đánh đập nhiều phát nữa. Sau đó, mình bị đưa lên đồn công an, giữ một lúc lâu mới thả về. Khắp người bầm tím, mà chỉ nhận được mỗi tin nhắn xin lỗi của người nhà”, Huy Nguyễn kể câu chuyện của mình.

Trước tình trạng những vụ việc đánh người liên tiếp bất kể lý do, nhiều bạn trẻ cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giới trẻ ngày nay trở nên vô cảm, thờ ơ khi chứng kiến người gặp nạn. “Bởi một bộ phận vô văn hóa, hung hăng như thế nên bây giờ nhiều bạn ngày càng bàng quan. Có đụng thì bỏ chạy vì nếu ở lại vì trách nhiệm thì cũng bị đánh. Người đi đường càng không dám cứu vì sợ bị chuốc vạ vào thân. Người tốt giờ cũng chỉ muốn tự ẩn mình mà thôi…”, nick Ant chia sẻ.

Không ít teen liên hệ với vụ đánh chết nhóm trộm chó ở Nghệ An cách đây không lâu, và phân tích, hai sự việc giống nhau ở một điểm: đều nói lên hiện tượng vô cảm đã ăn sâu bên trong nhiều người. “Cũng cùng là lối hành xử, đánh đập hội đồng, chẳng cần điều tra xét xử gì hết. Trộm chó hay đánh người gây tai nạn chỉ là cái cớ, vấn đề là cái tính say máu, hả hê hành hạ kẻ yếu không tự vệ được, và cái hèn không dám can thiệp khi chuyện xấu xảy ra trước mắt đã thành thói quen hành xử của một bộ phận rồi”, nick Avalanche chán nản cho biết.

Ảnh minh họa

Nhiều bạn trẻ liên hệ thói vô cảm trong vụ đánh chết trộm chó cách đây không lâu. Ảnh chụp màn hình.

Liên tục sau những vụ việc nói lên sự hung hãn của đám đông khi ra tay đánh đập người khác không cần biết nguyên nhân, và thói thờ ơ, lãnh đạm khoanh tay chứng kiến cái xấu đang diễn ra trước mắt của nhiều người, đông đảo bạn trẻ cũng đau đáu câu hỏi: làm sao để lòng tốt được đặt đúng vị trí?

Nguyên Phong, sinh viên năm I, ĐH Bách khoa kể một câu chuyện đáng suy ngẫm: “Lúc đó, mình đi đường thì gặp một chú bị ngã trên đường. Mình dừng lại, nhưng không hiểu sao chỉ đứng nhìn xem chú có sao không, thay vì chạy lại giúp. Khi chú tự đứng lên được, mình mới đi tiếp. Về nhà, biết chuyện, bố mẹ trách mình rất nhiều. Mình mới bảo: "Bố mẹ nuôi con mười mấy năm trời, vì một chuyện không đâu mà thiệt mạng. Sau đó thì sao, người ta đem ít đồng đến bồi thường ạ?". Ai trách gì thì phải hỏi ngược lại, lỡ kết cục như anh Duyên thì phải làm sao?”.

Mẩu chuyện trên nhận được không ít bạn trẻ đồng tình, và bày tỏ quan điểm “phải lo cho thân trước đã”. “Mình quan niệm rất rõ ràng: tránh xa, không tò mò các vụ đánh nhau, tai nạn, cháy nhà... Đi ra đường, phải kiềm chế, nếu lỡ đụng chuyện thì phải nhỏ nhẹ xin lỗi. Mình rất thực tế nên sống đúng với những gì mình tin tưởng, không quan tâm đến bàn tán của mọi người xung quanh, bởi có gì xảy ra thì mình là người lãnh hậu quả chứ không phải họ”, bạn Khánh Ly, quận 7 chia sẻ.

Ảnh minh họa

Teen cũng đặt ra băn khoăn, liệu có nên cứu người tai nạn để tránh chuốc vạ vào thân? Ảnh: Internet

Ở một luồng quan điểm khác, nhiều bạn trẻ, dẫu không bác bỏ suy nghĩ “nên lo cho bản thân trước”, song cũng thể hiện ý kiến tích cực rằng, nếu có thể, đừng bỏ mặc người bị nạn giữa đường. Bởi đơn giản, hãy đặt trường hợp người bị nạn chẳng may là người thân, bạn bè của teen.

“Có lần mình thấy một bác kia bị té xe do kiệt sức. Người ta bu xung quanh nhưng bác đó sau đấy tỉnh dậy tự đứng lên. Mình luôn thủ sẵn một chai dầu xanh trong giỏ nên lấy ra nhờ người xoa cho bác ấy. Cảm giác giúp được người khác sướng lâng lâng, không gì tả được”, nick Xiao Mei kể.

Nhiều teen cũng tán đồng suy nghĩ hãy cứu người ngay khi có điều kiện, và quan trọng là phải biết cứu đúng cách. “Mình vẫn giữ quan điểm, sẽ không bỏ mặc nạn nhân nếu không có ai, và cứu người đúng lúc, đúng cách, cố gắng hết sức để tránh mọi sự hiểu lầm. Chuyện xui rủi thì hiếm hoi lắm mới gặp, còn lương tâm rất dễ bị “hóa đá” nếu cứ tiếp tục cho phép mình có quyền vô cảm, thờ ơ như thế”, Ngọc Như, sinh viên ĐH KHXH&NV giãi bày.

Làm gì để không bị liên lụy khi cứu người

- Trong trường hợp nạn nhân bị thương nhẹ, để giúp đỡ, teen nên chờ có nhiều người làm chứng và cùng đưa nạn nhân đến bệnh viện, không nên đi một mình.

- Gọi điện thoại cho cơ quan công an gần đó và cố gắng thông báo tình hình một cách rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể.

- Nếu trường hợp nặng, người bị nạn bất tỉnh, teen có thể đứng cách xa khu vực gây tại nạn, chọn chỗ khuất rồi bấm điện thoại gọi cấp cứu.

- Nên đứng từ xa quan sát để theo dõi được diễn biến tình hình và tránh bị hiểu lầm cho bản thân.

- Không nên tìm cách sơ cứu nạn nhân nếu không có chuyên môn. Trong nhiều trường hợp, nếu xê dịch nạn nhân không đúng cách sẽ gây nguy hiểm thêm.

- Sau khi đưa nạn nhân vào bệnh viên gần nhất, cố gắng trình bày chi tiết sự việc với những người có trách nhiệm. Đến đây, xong bổn phận của mình, teen nên rời khỏi bệnh viện càng sớm càng tốt. Ở lại sẽ không có tác dụng gì ngoại trừ việc khiến teen dễ bị liên lụy nếu người nhà nạn nhân hiểu lầm.

Luật Giao thông đường bộ quy định, trong trường hợp gây tai nạn dẫn đến chết người, cho phép trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi gây tai nạn, lái xe được phép bỏ trốn để giữ tính mạng trong trường hợp người nhà hay thân nhân của người bị tai nạn có phản ứng quá kích. Nhưng, sau khoảng thời gian đó phải có trách nhiệm ra trình báo cơ quan chức năng...

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng: (Theo điều 102 Luật Hình sự năm 1999)

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Theo VNE

Ý kiến bạn đọc