(VnMedia) - Theo dự báo, trong năm 2013 này, sẽ có từ 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; trong đó, các vùng Bắc Bộ và Hà Nội sẽ phải hứng chịu từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
>>Trung tâm Hà Nội sẽ không còn ngập úng?
Ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời tiết ngày càng cực đoan hơn.
Theo dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm nay có khả năng từ 5-6 cơn (mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2012). Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới chủ yếu tập trung vào tháng 7,8,9.
Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5-10/2013 từ 1.300-1.500mm ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong mùa có từ 7-9 trận mưa to đến rất to (lượng mưa trên 50mm trong 24 giờ.
Dự báo, mùa lũ năm 2013 có khả năng bắt đầu phù hợp quy luật chung. Đỉnh lũ cao nhất năm 2013 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2012. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ: hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tháng 7 hoặc tháng 8, sông Đáy và Hoàng Long tháng 8 hoặc tháng 9.
Cảnh không hiếm gặp trên đường phố Hà Nội mỗi khi mưa lớn.
Theo ông Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mùa mưa, bão, lũ năm 2013 có khả năng diễn biến phức tạp và khó lường. Vì vậy, cần chủ động phòng chống bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ cao và sạt lở đất vùng núi.
Trước tình trạng trên, để chủ động phòng chống bão, lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão. Đẩy nhanh tiến độ công tác tu bổ đê điều, công trình phòng, chống lụt bão theo kế hoạch. Kiểm tra duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị các trạm bơm tiêu úng; Lắp đặt bổ sung một số trạm bơm dã chiến; Nạo vét, khơi thông dòng chảy các hệ thống tiêu đảm bảo vận hành kịp thời; Giải tỏa vật cản, nạo vét kênh mương, cống ngầm, hố ga, gầm cầu, cống…Đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi… để chủ động phòng chống bão, lũ.
“Ngoài ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 14 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại địa bàn các quận, huyện, thị xã, tập trung vào các nội dung: Kiểm tra việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện cho các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”; Việc bổ sung hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão sát với đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo sẵn sàng triển khai ứng phó chủ động, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra”, ông Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết.
Ý kiến bạn đọc