Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực y tế theo từng bước

16:34, 26/06/2013
|

Thiếu hụt đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn giỏi ở các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã các địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn luôn là vấn đề nóng tại các kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp nhiều năm qua. Tồn tại này đang dần được tháo gỡ khi ngành y tế tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Theo số liệu thông kê của Bộ Y tế, năm 2010, cả nước còn trên 60% số xã chưa có bác sĩ đa khoa. Điều đáng nói là số lượng cán bộ y tế lại phân bố không đều, gây nên tình trạng thừa, thiếu cục bộ, nhất là đối tượng bác sĩ, cán bộ có chuyên môn giỏi. Ở các thành phố, dân số chỉ chiếm 28% cả nước, nhưng có đến 60% số bác sĩ làm việc; trong khi, nhiều địa phương khó khăn như Điện Biên chỉ có 32,4% trạm y tế xã có bác sĩ; Sơn La là 22% trạm y tế xã có bác sĩ; cá biệt như tỉnh Lai Châu 100% trạm y tế xã chưa có bác sĩ đa khoa. Nhiều trạm y tế xã dù đã đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn thiếu bác sĩ. Đội ngũ cán bộ điều dưỡng viên, y tế dự phòng tại các vùng khó khăn cũng thiếu trầm trọng, trung bình khoảng 1,5 điều dưỡng viên/bác sĩ, trong khi đó theo chuẩn phải cần 3 điều dưỡng viên/bác sĩ; đối với cán bộ y tế dự phòng chỉ có 11% có trình độ đại học, 2% có chứng chỉ chuyên ngành y tế dự phòng, năng lực đáp ứng được 2/3 nhu cầu tuyến tỉnh và 1/2 nhu cầu tuyến huyện…

Để khắc phục bất cập trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực đã phần nào hóa giải được những khó khăn trên. Cụ thể như, Bộ Y tế đã triển khai đề án 1861 đưa cán bộ, bác sĩ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao tuyến dưới, đề án bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ bác sĩ cho 62 huyện nghèo giải quyết cấp thiết nhu cầu cán bộ có chuyên môn cho các địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; qua đó nâng chất lượng KCB cho người dân, đồng thời giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Để giải quyết căn cơ thực trạng thiếu cán bộ y, bác sỹ ở các bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế xã các huyện miền núi, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những giải pháp mang tính tình thế, về lâu dài Bộ Y tế đã triển khai Đề án Đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2007 - 2018. Đến nay, 34 tỉnh/thành phố đã thực hiện cử tuyển được hàng ngàn người đào tạo đại học, cao đẳng y và dược; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực có trình độ sau đại học.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT đầu tư tăng cường năng lực đào tạo cho các trường y, dược, tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết nhân lực trình độ đại học. Việc đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng được chú trọng để đảm bảo nhân lực y tế cho tuyến cơ sở, miền núi, vùng khó khăn. Bộ chỉ đạo các trường công lập thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề y, dược thông qua việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Với mô hình này, các địa phương lo kinh phí cử thí sinh đi học và nhận lại người học sau khi tốt nghiệp. Kinh phí đào tạo theo địa chỉ sử dụng được xây dựng theo tinh thần thu đủ bù chi để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, thực hiện chế độ ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, Bộ Y tế đã xây dựng một số dự án trong đó có hỗ trợ sinh viên cử tuyển phụ đạo kiến thức, tài liệu học tập, một phần sinh hoạt phí, học bổng khuyến khích. Triển khai chủ trương này, từ năm 2008 -2012, các trường y, dược đã tuyển được hơn 12 ngàn SV, đạt khoảng trên 80% so với yêu cầu của các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng và ban hành các chính sách, chế độ thu hút bác sỹ về công tác tại y tế tuyến cơ sở về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể như quy định mức phụ cấp được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập. Tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế theo hướng đề nghị mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học; đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị: nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế năm 2012 so với năm 2007 tăng 2,06 lần; giai đoạn từ 2009 - 2012, các cơ sở đào tạo ngành y tế đã đào tạo khoảng 35 ngàn sinh viên, học viên tốt nghiệp các loại hình đào tạo; đào tạo 16.251 cán bộ y tế có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II, bác sỹ nội trú bệnh viện. Phấn đấu đến năm 2016, số sinh viên tốt nghiệp Đại học Y, Dược sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.


TH

Ý kiến bạn đọc