(VnMedia) - Hà Nội đang xây dựng cơ chế người phát ngôn, không phải để quy định ai là người được phát ngôn và phát ngôn điều gì mà đây là cơ chế quy định bắt buộc đối với cơ quan các cấp, các ngành của Thành phố phải kịp thời cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho báo chí....
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo tại buổi gặp mặt báo chí |
Ngày 18/6, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại diện các cơ quan báo, đài Trung ương và Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã gửi đến đại diện các cơ quan báo, đài và toàn thể những người làm báo trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp. Đánh giá cao vai trò vị trí của báo chí trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, Thành phố luôn quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy khả năng sáng tạo.
Chủ tịch Thành phố cũng ghi nhận, với tinh thần xây dựng và vì sự phát triển của Thủ đô, các cơ quan báo chí đã kịp thời phát hiện, đóng góp nhiều ý kiến để Hà Nội khắc phục và giải quyết những tồn tại, hạn chế. Đó là những chiến dịch tuyên truyền để nâng cao chất lượng công tác quản lý đô thị, giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo”, những vướng mắc về cấp “sổ đỏ”, hiệu quả của bộ phận “một cửa”, chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố… và gần đây là những vấn đề bức xúc như quản lý rừng phòng hộ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…
“Thành phố luôn lắng nghe báo chí và chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề báo chí nêu, nhanh chóng giải quyết bức xúc của nhân dân nhằm giảm dần bức xúc, tạo sự đồng thuận” - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói.
Đặc biệt, tại buổi gặp mặt, đại diện một số cơ quan báo chí đã nói lên mong muốn về một “món quà” của Thành phố, đó sự cởi mở, sự chủ động cung cấp thông tin của các cấp lãnh đạo sở, ban, ngành của Thành phố đối với các cơ quan báo chí. Đáp lại, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, Thành phố đang khẩn trương xây dựng cơ chế người phát ngôn.
“Cơ chế này xây dựng nên không phải để quy định ai là người được phát ngôn và nội dung được phát ngôn là gì mà đây chính là cơ chế để ngoài những buổi giao ban hàng tuần ở Thành ủy, phải có những quy định bắt buộc đối với các cơ quan, các cấp, các ngành cung cấp kịp thời các thông tin công khai, minh bạch cho báo chí.” - chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giải thích rõ.
Chủ tịch Thành phố cũng cho biết, trước một sự việc, bao giờ Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan liên quan của Thành phố cung cấp kịp thời, khách quan, rõ ràng sự việc để báo chí thông tin đến độc giả.
Con số chính thức (theo hộ khẩu) thì Hà Nội hiện có 7,3 triệu dân. Đây cũng là địa phương có sự góp mặt đông đủ nhất của các cơ quan báo chí. Thông tin về Thủ đô cũng luôn luôn được người dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi. Vì vậy, việc xây dựng quy chế người phát ngôn theo hướng mở như Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói thực sự là một thông tin đáng mừng, một “món quà” mà Chủ tịch Thành phố dành cho báo chí nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày cách mạng báo chí Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc