Dự án chống ngập Thủ đô đội giá 2.000 tỷ đồng

14:05, 28/06/2013
|

(VnMedia)Sau gần 6 năm thi công đến nay Dự án thoát nước giai đoạn 2 Hà Nội đã đội giá lên gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến phải mất 2 năm nữa các hạng mục đang dang dở của dự án mới có thể hoàn thành.

>>Trung tâm Hà Nội sẽ không còn ngập úng? 

>>Giao thông Hà Nội hỗn loạn vì mưa ngập  
 

Trước tình trạng hàng loạt tuyến phố của Hà Nội cứ động mưa là ngập lụt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vài năm trở lại đây Hà Nội đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập cho các quận nội thành của Thủ đô.
 
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án giai đoạn II) là một trong những dự án như vậy. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản được thực hiện trong giai đoạn 2006-2014, với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng lên tới hơn 250ha, liên quan khoảng 7.000 hộ dân, trải dài theo các tuyến mương, sông, hồ thuộc 8 quận, huyện của Hà Nội.
 
Mục tiêu của dự án chống ngập úng cho thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày.
 
Dự án gồm các hạng mục: Nâng công suất Trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s; Cải tạo kênh thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét và Kim Ngưu; Cải tạo đường công vụ, thay thế cầu dọc lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ và Sét; Cải tạo các hồ: Bảy Mẫu, Hào Nam, Đống Đa, Hồ Mẻ, Phương Liệt, Linh Đàm; Xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu…

Ảnh minh họa

   Hình ảnh thường thấy trên một số tuyến phố của Thủ đô mỗi khi mưa lớn
. Ảnh: Tùng Nguyễn

Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước (đại diện chủ đầu tư) cho biết, trong 14 gói thầu của toàn bộ dự án, hiện mới có 4 gói hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn lại các gói thầu khác đều trong tình trạng thi công dang dở.
 
Đáng chú ý, trong các gói thầu đã hoàn thành, việc cải tạo 18 tuyến cống trên các tuyến phố: Lạc Trung, Trần Khát Chân, Thịnh Yên, Chùa Vua, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Tạ Hiện, hàng Tre, Hàng Rươi, Ngô Thị Nhậm, Thái Thịnh…. đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể vào công tác chống úng ngập mỗi khi mưa lớn trên địa bàn thành phố.
 
Chính nhờ việc hoàn thành những công trình này mà trong trận bão số 2 vừa qua, tuy không độ bộ vào Hà Nội nhưng cũng đã gây mưa lớn với lượng mưa đo được trong khu vực nội thành lên đến 96mm, thậm chí có khu vực đo được hơn 113mm nhưng toàn thành phố chỉ có một số điểm ngập úng trên các tuyến phố: Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn...
 
Cũng theo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, ngoài 18 tuyến cống trên, gói thầu cải tạo 16 tuyến kênh, mương thoát nước thuộc lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét sẽ hoàn thành vào quý I năm 2014 cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu các điểm ngập úng trên địa bàn thành phố.
 
Dự án đang đội giá gần 2.000 tỷ đồng
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều gói thầu vẫn còn dở dang đang gây cản trở tiến độ dự án. Điển hình: gói thầu CP3 mới giải ngân được 30,5%; gói thầu CP4 (cải tạo 14 kênh mương lưu vực sông Kim Ngưu) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, mới giải ngân được 20%; gói thầu CP5.1 (thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, mới giải ngân được 29,5%…
 
Theo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, thời gian qua, đơn vị này đã chủ động phối hợp với các địa phương liên quan đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng, đến nay đã hoàn thành 85% tổng diện tích. Tuy nhiên, diện tích còn lại là phần trọng yếu của các gói thầu, tình hình quản lý, sử dụng đất rất phức tạp. Ngoài quận Cầu Giấy đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng, các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ, Ba Đình và huyện Thanh Trì hiện vẫn đang vướng mắc.
 
Mặt khác, công tác thi công cũng gặp nhiều khó khăn do mặt bằng thi công chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, địa hình nhỏ hẹp, vừa phải thi công vừa phải đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa… nên ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
 
Chính vì vậy, theo dự toán ban đầu, dự án tốn khoảng 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị của dự án đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng do chậm giải phóng mặt bằng. Cũng do chậm giải phóng mặt bằng cho nên dự kiến phải hết năm 2015, toàn bộ các hạng mục của dự án mới hoàn thành.

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện còn 20 điểm ngập úng nhưng các điểm này tương đối khác so với trước kia. Hiện nay khu vực nội thành ít xảy ra tình trạng ngập úng sau mưa mà tập trung nhiều ở các tuyến đường vành đai mới mở như Vành đai 1 và 3.
 
Sở dĩ có điều này là do một số dự án liên quan đến công tác thoát nước tiếp tục thi công trong mùa mưa hoặc hoàn thành nhưng chưa được bàn giao vận hành như khu vực đường Nguyễn Xiển hệ thống thoát nước đang chứa đầy phế thải, bùn đất không có khả năng tiêu thoát nước.

Một số khu vực úng ngập phát sinh khác như: Phạm Văn Đồng xảy ra do 2 bên là tuyến rãnh nhỏ, không đồng bộ, trước đây thoát nước ra các ao ruộng trũng xung quanh. Hiện hai bên đường đã có các dự án đô thị nên không còn đường tiêu thoát gây ngập….


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc