Cú sốc của gia đình có con chuyển giới

07:23, 27/06/2013
|

(VnMedia) - Khi một đứa trẻ công khai với gia đình rằng mình muốn chuyển từ nữ sang nam, với các bậc phụ huynh, điều đó nghe giống như là họ đang mất đi một đứa con gái và sắp đón nhận một đứa con trai mà họ chưa từng tưởng tượng ra trước đó.

Kỳ thị làm trẻ chuyển giới tự căm ghét bản thân

Theo các chuyên gia, những đứa trẻ chuyển giới đều phải trải qua giai đoạn trầm cảm về giới. Chúng có thể lớn lên với sự cằn cỗi về tình cảm và thấy xấu hổ ghê gớm về sự khác biệt của mình.

Tình trạng định kiến với người chuyển giới ngày một phổ biến trong xã hội đã khiến cho những đứa trẻ này thấy tự ti, mặc cảm về mình và khi lớn lên, chúng dần trở nên căm ghét chính con người của chúng.

 

Phương, một học sinh nữ tại Hà Nội là một người chuyển giới. Là một học sinh lớp 10, Phương luôn ăn mặc như con trai, với mái tóc cắt ngắn. Phương cũng có tác phong rất “ngầu” và luôn chơi thân với bọn con trai ở lớp. Em từng cảm thấy cuộc sống rất thoải mái, vô tư và thậm chí còn tự nói với các bạn rằng mình là một thằng đàn ông.

 

Tuy nhiên, càng ngày Phương càng cảm thấy khổ sở vì bộ ngực mỗi ngày một nảy nở hơn. Đây là điều mà nhiều cô bạn của Phương ao ước, nhưng với Phương thì nó lại là nỗi khổ tâm ghê gớm. Phương không dám ăn thịt mỡ, chân giò, đu đủ hay mướp… để hạn chế sự “lớn lên” của bộ ngực. “Nhiều khi nhìn cơ thể mình, em cảm thấy cực kỳ căm ghét. Em rất ghét bọn đàn ông có phong cách ẻo lả, vì vậy, bộ ngực nảy nở cũng khiến em cảm thấy tự ti như thể mình là một thằng giả gái” - Phương tâm sự.

 

Trong khi đó, nhìn những người bạn “đàn ông ra đàn ông, đàn bà ra đàn bà”, Minh - một chuyển giới nam sang nữ - cảm thấy rất thèm muốn và tự thấy rằng mình là “đồ bỏ đi”. Bị gia đình ghét bỏ, bạn bè kỳ thị, lâu dần, Minh cũng tự khinh bỉ mình khi thấy có tình cảm yêu thương với một bạn trai. Càng mong muốn được gần gũi với bạn trai bao nhiêu, Minh càng căm ghét chính bản thân mình bấy nhiêu.

 

Theo nghiên cứu của Hội Phụ huynh và Người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (Pflag), công khai mình là người chuyển giới là một quá trình khó khăn. Do đó, nhiều trẻ vị thành niên ăn mặc chuyển giới sang nữ thường chỉ làm điều này một cách bí mật, không bao giờ cho gia đình hay bạn bè biết. Đến tuổi trưởng thành, hầu hết các em tiếp tục giữ bí mật việc ăn mặc chuyển giới của mình.
 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Cú sốc công khai của người chuyển giới

 

Những người công khai với gia đình về giới tính của mình gặp những phản ứng rất khác nhau, có người được yêu thương và chấp nhận, có người lại bị chối bỏ hoàn toàn.

 

Nếu việc ăn mặc chuyển giới của một đứa con trai tuổi dậy thì bị cha mẹ phát hiện, việc đó có thể làm cho cả gia đình thấy khủng khoảng. Còn khi thấy con gái ăn mặc chuyển giới sang nam, thường lúc đầu cha mẹ nghĩ con mình thuộc dạng tomboy (dạng con gái nhìn như con trai), nghĩ là con bướng bỉnh không chịu từ bỏ sở thích mặc đồ của nam, đến về sau mới thấy lo lắng hơn và mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu nổ ra

 

Tuy nhiên, nếu một bạn trẻ không chỉ dừng ở việc ăn mặc chuyển giới mà nhất mực muốn chuyển đổi sang giới tính khác, chắc chắn sẽ có những đổi thay đáng kể xảy ra trong gia đình của người đó. “Với những trẻ là đồng tính nam hay đồng tình nữ, chúng còn có thể lựa chọn việc nói ra hay không nói ra cho người nhà biết về xu hướng tính dục của mình (vì việc chúng yêu ai khó có thể nhận biết từ ngoài), trong khi đó, những trẻ chuyển giới đang bắt đầu quá trình chuyển đổi giới tính thì không được lựa chọn dễ như vậy, vì biểu hiện giới tính và cơ thể của mỗi người là điều nhìn thấy được ngay.

 

Hơn nữa, những thay đổi đến từ quá trình chuyển đổi giới tính không chỉ là những thay đổi về ngoại hình, mà nó sâu sắc hơn thế. Chẳng hạn khi một đứa trẻ công khai với gia đình rằng mình muốn chuyển từ nữ sang nam, với các bậc phụ huynh, điều đó nghe giống như là họ đang mất đi một đứa con gái và sắp đón nhận một đứa con trai mà họ chưa từng tưởng tượng ra trước đó.

 

“Những lúc như thế, đứa trẻ vẫn là con của bạn đó thôi, và có thể là một đứa con hạnh phúc hơn nhiều, đồng thời chúng sẽ đối diện với những thử thách và khó khăn mới cần phải vượt qua trong đời” - thông điệp từ Pflag.

 

Theo Tổ chức này, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh biết được những mong muốn và trăn trở về giới tính của con mình, và họ giúp chúng đương đầu với những khó khăn ở trường học cũng như ngay trong gia đình. Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ chuyển giới vẫn giữ bí mật về giới tính mong muốn của mình cho đến khi chúng không còn có thể giấu được nữa. Do đó, đến khi chúng nói ra thì các bậc cha mẹ thấy vô cùng sững sờ.

 

“Cái mà những người cha người mẹ này phải đối mặt không chỉ là cú sốc, sự phủ nhận, giận dữ, đau khổ, cảm giác như tội lỗi, cả sự xấu hổ… mà còn có nhiều nỗi lo về sức khỏe, sự an toàn, quá trình chuyển đổi, nghề nghiệp và những mối quan hệ tình cảm trong tương lai của con họ” - Pflag khuyến cáo.

 

Ngoài ra, Hội phụ huynh của người đồng tính, chuyển giới cho biết, họ cũng phải học cách gọi con mình bằng một cái tên mới, và khó khăn nữa là phải xưng hô theo giới tính mới của con. Thế nên những bậc phụ huynh của người chuyển giới thực sự cần phải được hỗ trợ rất nhiều.

 

“Có câu chuyện về một người mẹ cũng đang lo lắng không biết được liệu những thay đổi nào sẽ đến, nên bà tự trấn an bằng cách hình dung rằng đứa con trai mới của mình sẽ trông giống như là anh em sinh đôi của cô con gái trước, nhờ vậy đã cảm thấy nhẹ lòng hơn” - Pflag chia sẻ.

 

Ngày nay, những người đồng tính nam và đồng tính nữ đã có được bước tiến dài trong công cuộc giáo dục cộng đồng, và giờ đây, cộng đồng những người chuyển giới cũng đang cố gắng rất nhiều để vận động và đấu tranh vì một hình ảnh tích cực và chân thật của người chuyển giới trong xã hội.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc