Tai nạn giao thông thảm khốc: Lỗi của ai?

06:47, 18/05/2013
|

(VnMedia)“Chúng ta vừa qua chiến tranh, kinh tế vừa đổi mới, phương tiện tăng chóng mặt, cơ sở hạ tầng không kịp đáp ứng nên không thể trách nhà nước được vì năng lực của nhà nước cũng có hạn không thể đầu tư được hết. Cái này tôi cho là do lịch sử để lại và chúng ta đang giải quyết dần”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trao đổi với VnMedia.

>>Tai nạn dồn dập: Có lỗi cảnh sát giao thông?

>> Rúng động những tai nạn chết hàng chục người
 
- Thời gian qua trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông xe khách gây chết nhiều người. Theo ông nguyên nhân do đâu?
 
Từ đầu năm đến nay, tai nạn xe khách xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Có mấy nguyên nhân lý giải tình trạng này: Thứ nhất xe khách đấu đầu nhau do lái xe vượt tốc độ, chạy không đúng phần đường của mình. Không ít những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra thường do lái xe điều khiển xe chạy vào ban đêm đến rạng sáng thì đâm nhau. Nguyên nhân thứ hai do xe tải hạng nặng và container đâm vào xe khách.
 
Như vậy trong nguyên nhân thứ nhất, xe chạy vượt tốc độ chủ yếu là vào ban đêm. Vào thời gian trên, lái xe mệt mỏi, buồn ngủ và tầm nhìn của lái xe bị hạn chế. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng để hạn chế tai nạn giao thông, mà chúng tôi đã đề ra từ lâu, là xem xét hạn chế tốc độ xe khách chạy vào ban đêm để hạn chế tai nạn, nhưng không được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận; vì cho rằng, ban đêm phải chạy nhanh để phát huy hiệu quả kinh tế của vận tải.

 Ảnh minh họa

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Vậy chúng ta phải làm gì để hạn chế tai nạn giao thông do xe khách gây ra?, chúng tôi có kiến nghị như sau: Thứ nhất, hoan nghênh chủ trương của Bộ Giao thông vận tải cho phép xã hội hóa đầu tư để nâng cấp và hiện đại hóa quốc lộ 1. Việc mở rộng quốc lộ 1 sẽ tạo thành tuyến đường với 4 làn xe lưu thông và hai làn thô sơ. Như vậy, ở giữa có dải phân cách. Khi đã có giải phân cách thì việc đấu đầu xe sẽ được hạn chế.
 
Thứ hai, cần tăng cường quản lý xe khách từ bến xe trở đi, trong đó các doanh nghiệp quản lý bến xe phải có trách nhiệm cao trong việc điều hành. Đồng thời, bổ sung vào Nghị định 91 quy định, đưa vận tải hàng hóa hạng nặng, từ 10 tấn trở lên vào ngành kinh doanh có điều kiện như vận tải hành khách, xe buýt, taxi… để kiểm soát.
 
Sở dĩ phải quản lý hoạt động của phương tiện trên vì vận tải hạng nặng hay chạy ban đêm, do đường thoáng, dẫn đến buồn ngủ và do xe tải trọng lớn, quán tính lớn nên khi có phát hiện ra chướng ngại vật có phanh cũng khó, dễ gây tai nạn.
 
Hiện xe container gây tai nạn nhiều nhất ở miền Nam, miền Bắc ít xảy ra hơn và giảm nhiều nhưng đặc biệt là từ Đà Nẵng trở vào và TPHCM có cả đường cao tốc nhưng xảy ra tai nạn luôn. Vì vậy, vấn đề vùng miền là rất quan trọng.
 
Cuối cùng chúng tôi đề nghị, các doanh nghiệp, nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống của lái xe về ăn uống, nghỉ ngơi, thu nhập của họ để đội ngũ này nâng cao trách nhiệm, yêu ngành yêu nghề.
 
- Ông vừa cho rằng, tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra ở miền Trung và miền Nam nhiều hơn. Có điều này là do đâu?
 
Chúng tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra ở phía Nam. Từ vụ đầu tiên cách đây 1 năm ở Tây Nguyên rồi gần đây là ở Khánh Hòa rồi Long An. Đặc biệt các vụ container thường xảy ra ở phía Nam của TPHCM…
 
Việc này tại sao thì có lẽ nên dành cho các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu còn chúng tôi thì cảm nhận rằng, với anh em lái xe phía Nam tay nghề họ cao hơn phía Bắc nên không thể tránh khỏi sự chủ quan.
 
Thứ hai, ở phía Nam nhiều khách hơn, hàng nhiều hơn dẫn đến cường độ chạy nhiều hơn khiến người lái xe rất căng thẳng. Có thể nói đó là một trong nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Còn đường phía Nam tốt hơn đường ở phía Bắc.

- Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng làm chết nhiều người là do doanh nghiệp và nhà nước buông lỏng quản lý. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
 
Tôi cho rằng, nói cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý thì không đúng bởi vì một năm qua, bắt đầu từ nhiệm kỳ vừa rồi, chưa thấy cơ quan nào quan tâm đến vấn đề đề phòng tai nạn giao thông cho hành khách như Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông cũng rất quan tâm đến khía cạnh an toàn giao thông vận tải và ngay cả Bộ Công an cũng vậy… Có thể nói là chưa bao giờ có nhiều giải pháp đề phòng tai nạn giao thông như thời gian vừa qua.
 
Có thể nói chúng tôi rất xúc động vì Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều cố gắng trong vấn đề giảm tai nạn giao thông. Điều này đáng biểu dương, nhưng vấn đề đề phòng tai nạn giao thông là vấn đề xã hội chứ không thể một sớm một chiều mà làm được.
 
Năm qua chúng ta thấy các vụ tai nạn giao thông đều giảm, đây là điều đáng mừng tuy mức giảm chưa cao và chưa bền vững. Nhưng từ đầu năm nay, phía Nam xảy ra nhiều vụ tai nạn. Điều này phụ thuộc vào trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp là quan trọng vì quản lý lái xe chưa tốt hoặc chưa tạo điều kiện cho lái xe làm việc được tốt gây ra buồn ngủ. Còn cơ sở vật chất hạ tầng đã được cải thiện nhiều nhưng cũng phải 3-5 năm nữa mới cải thiện rõ rệt được.
 
Ngay các chuyên gia Nhật khi nói chuyện với chúng tôi cũng cho biết, cách đây 30 năm Nhật Bản cũng như Việt Nam hiện nay. Không thể ngành giao thông phát triển mạnh một mình được mà phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội, kể cả ý thức tham gia giao thông, ý thức sống của con người chấp hành pháp luật.
 
Chúng ta vừa qua chiến tranh, kinh tế vừa đổi mới, phương tiện tăng chóng mặt, cơ sở hạ tầng không kịp đáp ứng nên không thể trách nhà nước được vì năng lực của nhà nước cũng có hạn không thể đầu tư được hết. Cái này tôi cho là do lịch sử để lại và chúng ta đang giải quyết dần.

 Ảnh minh họa

Hiện trường một vụ tai nạn xe khách xảy ra trong thời gian vừa qua.

- Ông vừa cho rằng những nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua là rất đáng khen nhưng tại sao trên thực tế thời gian qua số vụ tai nạn giao thông xe khách xảy ra nhiều hơn các năm trước?
 
Hiện vấn đề giao thông vận tải đã phát triển vượt tầm quản lý của Bộ Giao thông vận tải và nhà nước. Nó đòi hỏi toàn xã hội phải lo. Tôi lấy ví dụ thế này: Xe máy đâu phải Bộ Giao thông vận tải quản lý. Bộ Giao thông vận tải chỉ có trách nhiệm tuyên truyền an toàn giao thông cho các địa phương và tổ chức học bằng lái xe. Nên vấn đề an toàn giao thông phải là vấn đề xã hội hóa. Toàn xã hội phải lo.
 
Năm vừa rồi Hiệp hội vận tải Hà Nội có đề xuất với nhà nước biện pháp toàn xã hội phải vào cuộc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bây giờ tầm 4h chiều, loa các phường đã ra rả tuyên truyền luật giao thông, công tác bảo vệ và tuần tra cũng được thực hiện rất tốt. Nhưng tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, nó gần như cố hữu, chưa giải quyết được. Vì giải quyết vấn đề này phải giải quyết vấn đề con người.
 
Ai là người gây ra tai nạn, chính là lái xe chứ không phải bản thân cái xe, cũng không phải cầu đường. Vậy làm thế nào cho lái xe chuyển biến thì không chỉ có Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mà chính là con người. Mà đã liên quan đến con người phải có quá trình giáo dục từ trong nhà trường cho đến khi ra ngoài xã hội cho nên cần phải có thời gian.
 
Hai nữa là các biện pháp đưa ra chưa đồng bộ, ví dụ như thiết bị giám sát hành trình chẳng hạn. Có thể nói là Bộ Giao thông chỉ đạo hết sức chặt chẽ nhưng thiết bị này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vì xe chạy trên đường du có lắp hay không lắp thiết bị giám sát hành trình thì lái xe vẫn vi phạm.
 
Vấn đề bây giờ phải làm thế nào để lái xe không vi phạm. Tức là phải đào tạo lái xe, nâng cao trình độ, đạo đức thì các cơ sở đào tạo chưa làm được.Rõ ràng là các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả mới là bước đầu còn cần phải có thời gian, nhiều biện pháp bổ sung.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

                                                                                                                    Còn nữa....


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc