(VnMedia) - Cấm giả tạo điều kiện để được nhập hộ khẩu; thêm điều kiện về diện tích nhà ở; tăng thời hạn tạm trú thêm 1-2 năm… là những điều kiện để được nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương...
Những điều kiện trên đã được đưa vào trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, vừa được Bộ Công an trình Quốc hội sáng 23/5.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi...
Theo Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Luật Cư trú hiện hành chưa quy định nghiêm cấm đối với các hành vi giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú (như ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương mà thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc giả tạo kết hôn để đăng ký thường trú…); giải quyết cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi. Khi phát hiện các hành vi này thì các cơ quan hữu quan không có biện pháp, chế tài xử lý được… Do đó, dự thảo Luật bổ sung vào Điều 8 Luật Cư trú một số hành vi bị nghiêm cấm: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, do Luật Cư trú không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một hộ khẩu nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây. Ngoài ra, Luật Cư trú hiện hành quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên thì được đăng ký thường trú; song, thực tế cho thấy quy định điều kiện một năm tạm trú là quá ngắn, chưa phù hợp với quy định của Luật là “nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định”.
“Tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú hiện hành để nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương làm cho tốc độ tăng dân số cơ học tại các thành phố này ngày tăng cao, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng được; theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các địa phương này không được bảo đảm, đặc biệt là gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý cư trú và đấu tranh phòng, chống tội phạm” – Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là địa bàn quận của các thành phố này, giảm sức ép về các vấn đề xã hội liên quan của địa phương, dự thảo Luật bổ sung quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định bảo đảm điều kiện về diện tích chỗ ở bình quân đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc trung ương.
Dẫn chứng cho nguy cơ tăng dân số tại các thành phố Trung ương, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, theo thống kê, chỉ riêng năm 2012, Công an thành phố Hà Nội đã đăng ký tạm trú vào mới cho 51.326 trường hợp. Do đó, nếu giữ quy định thời gian tạm trú là 1 năm thì năm 2013 sẽ có 51.326 trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn các quận của Hà Nội.
“Tính trung bình, mỗi năm sẽ có khoảng trên 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố Hà Nội), gây nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công không thể đáp ứng kịp dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm, việc quản lý trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhưng, nếu tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm thì trung bình 2 năm mới có khoảng hơn 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố Hà Nội” – Bộ trưởng Trần Đại Quang phân tích và nhận định.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Dự thảo Luật nên bổ sung một khoản quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố Hà Nội cho phù hợp với quy định của Luật Thủ đô về quản lý dân cư.
Về việc thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp là 24 tháng, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng thời gian này là quá dài, gây khó khăn cho việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người đang cư trú tại địa phương đó.
Người đứng đầu ngành Công an cũng cho biết, qua theo dõi thấy rằng, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện có 1.032.941 nhân khẩu có hộ khẩu tại một nơi, nhưng lại cư trú tại nơi khác. Nhiều trường hợp đã bán nhà hoặc nhà thuộc diện giải tỏa để giải phóng mặt bằng, đã được đền bù thoả đáng theo quy định của pháp luật và thực tế họ đã đến địa bàn khác để cư trú nhưng vẫn không làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới với mục đích để không phải thực hiện các nghĩa vụ của công dân đối với địa phương nơi họ thực tế cư trú (như nghĩa vụ quân sự, nộp các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật).
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết, hàng năm, chính quyền các địa phương phải căn cứ vào hộ khẩu để hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu những người này không làm thủ tục đăng ký thường trú khi đã thay đổi chỗ ở hợp pháp thì chính quyền nơi họ đã chuyển đi vẫn phải thống kê, thực hiện các nhiệm vụ của cấp trên giao theo thống kê đó, trong khi địa phương nơi họ chuyển đến cư trú lại không thống kê, dẫn đến, số liệu thống kê không chính xác, việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương kém hiệu quả, ảnh hưởng đến các phong trào của địa phương. Do đó, Luật này quy định người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Liên quan đến vấn đề đăng ký tạm trú, Khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú quy định sổ tạm trú không xác định thời hạn nên trên thực tế nhiều trường hợp không bị xóa tên trong sổ tạm trú ở chỗ cũ mặc dù đã chuyển đến chỗ ở mới, khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú khác nhau, vừa lãng phí, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý.
“Hiện nay, trên toàn quốc đã cấp 2.266.862 sổ tạm trú cho hộ gia đình và cá nhân; nếu cứ chuyển đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác thì cơ quan đăng ký, quản lý cư trú vẫn phải cấp cho họ sổ tạm trú mới. Chi phí để in một sổ tạm trú là 2.300 đồng và Nhà nước đã phải chi 5.213.782.600 đồng để cấp 2.266.862 sổ tạm trú. Nếu một người mà mỗi lần thay đổi nơi tạm trú lại lập sổ mới thì rất tốn kém và không quản lý được. Do đó, Luật này quy định Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là 24 tháng; trước khi hết thời hạn tạm trú ba mươi ngày, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn” – Bộ trưởng giải thích.
Về lưu trú và thông báo lưu trú, Luật này bổ sung quy định hình thức tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng Internet, mạng máy tính vào khoản 2 Điều 31 Luật Cư trú.
Ý kiến bạn đọc