Không nên “nhăm nhăm" cắt giảm biên chế

18:54, 22/05/2013
|

(VnMedia) - Trong khi đại biểu thành phố Hải Phòng cho rằng, cùng với tiết giảm chi tiêu thường xuyên thì cần phải cắt giảm biên chế thì đại biểu tỉnh Nghệ An lại cho rằng, nếu cải cách tiền lương mà cứ "nhăm chăm cắt giảm biên chế" là không ăn thua...

Sáng nay 22/5, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
 
Những tín hiệu “sáng”

Thảo luận tại tổ, ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu tỉnh Thái Bình nhận xét, trong khó khăn, làm phát vẫn được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định và đây là “cái được” cần phải ghi nhận. Theo phân tích của đại biểu tỉnh Thái Bình, trước kia, chúng ta kiên trì mục tiêu kiềm chế, nhưng lạm phát vẫn tiến lên. Tuy  nhiên, 2 năm nay mục tiêu này đã được thực hiện tốt. Điều này giúp cho xã hội ổn định, không xảy ra rối loạn, giúp chúng ta tập trung cho các nhiệm vụ tiếp theo của nền kinh tế.
 
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng phân tích, chuyển biến rõ nét nhất của năm 2012 và những tháng đầug năm nay chính là việc chỉ đạo điều hành kinh tế đã đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng…
 
“Lãi suất giảm, tỷ giá ngoại hối ổn định, tăng dự trữ ngoại tệ ở 8 tỷ USD là kết quả vững chắc giúp chúng ta ứng phó với mọi biến cố, mọi tình huống.”-ông Kiêm nói và ghi nhận thêm, trong khó khăn, Nhà nước vẫn quyết định điều chỉnh thuế, vẫn có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là điều quan trọng nhất góp phần tạo nên yếu tố bền vững, lâu dài cho nền kinh tế.
 
Cùng quan điểm đánh giá với đại biểu Cao Sĩ Kiêm, một đại biểu khác của tỉnh Thái Bình là ông Đỗ Văn Vẻ cũng cho rằng, một trong những thành công lớn nhất của Chính phủ là đã kiềm chế được lạm phát, lãi suất đã giảm dần.
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) nhận xét, Chính phủ đã rất nỗ lực đưa kinh tế phát triển. “Hàng tháng, Chính phủ đều họp và có giải pháp tháo gỡ tích cực. Về cơ chế chính sách, các bộ ngành chức năng đã tham mưu cho Chính phủ kịp thời và các địa phương cũng rất tích cực, do vậy “thời gian qua chúng ta mới đồng hành được”. Đại biểu tỉnh Bến Tre nhận xét, đây là “cái mới, cái nhìn thẳng của Chính phủ”.
 
Đại biểu Tỷ dẫn chứng: “Tôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cơ sở hạ tầng được cải thiện rất tốt trong điều kiện vốn khó khăn. Đây là hướng lớn, tạo điều kiện cho phát triển”.
 
Tuy nhìn nhận có những tín hiệu “sáng”, nhưng đa số các đại biểu cũng cho biết chưa thể lạc quan.
 
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề về “sự tròn trịa” trong các con số trong báo cáo của Chính phủ và băn khoăn về căn cứ để đưa ra những con số này. Đồng tình với cách đặt vấn đề này, một đại biểu khác của đoàn Hà Nội là bà Bùi Thị An cũng góp ý: “Theo tôi, tới đây đề nghị đưa Tổng cục Thống kê về trực thuộc Quốc hội chứ không trực thuộc bất cứ bộ, ngành nào khác, có như vậy mới có được con số chuẩn xác”. 
 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc


Cải cách tiền lương không nên “nhăm nhăm giảm biên chế”

Góp ý về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đánh giá, trong 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra có những giải pháp không mới, đã đưa ra nhiều năm trước. “Trong khi chúng ta cần những giải pháp cụ thể hơn có thể tác động đến nền kinh tế thì lại chưa có” đại biểu Vân nhận xét và kiến nghị Chính phủ có giải pháp thiết thực, cụ thể, cần chọn ra những giải pháp trực diện. “Ví dụ như giải pháp về tỉ giá phải linh hoạt theo thị trường” - đại biểu Hải Phòng lấy ví dụ.

"Tiết giảm chi tiêu thường xuyên 10% đã căng lắm rồi, nếu tiếp tục cắt giảm nữa mà không cắt giảm biên chế, cứ tiếp tục tăng biên chế thì rất khó. Đành rằng, về chính sách tài khóa, chúng ta xử lý bằng tiết giảm là đúng, nhưng giải pháp tiền tệ phải đi liền giải pháp tổ chức” - đại biểu Vân đề xuất.
 
Đáp lại đề xuất này, đại biểu Phan Đình Trạc (Đoàn Nghệ An) lại có ý kiến ngược lại. Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, nếu muốn cải cách tiền lương mà cứ “nhằm nhằm vào giảm biên chế nhà nước” là không ăn thua.
 
“Tổng tiền lương biên chế hành chính của chúng ta chỉ chiếm 9,8% tổng tiền lương nên giảm chẳng có nghĩa gì. Chủ yếu là viên chức nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công là lớn nhất và chiếm quỹ lương lớn nhất” - ông Trạc thông tin nhưng cũng không quên nhắc lại chuyện 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và do vậy, số lượng biên chế hành chính “vừa thừa lại vừa thiếu", thiếu người có chất lượng đáp ứng yêu cầu làm việc và thừa những người không đáp ứng được.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc