Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nhận định, tấm biển tại nhà hàng Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo “Không tiếp khách người Nhật Bản, Phillippines, Việt Nam và chó”, chỉ làm người Trung Quốc thêm đau.
Trước dư luận về một nhà hàng tại Bắc Kinh treo biển có nội dung kỳ thị người Việt, người Nhật và người Phillippines, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đưa ra nhận định.
Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Dương Danh Dy. Ảnh: Công Khanh
Thứ nhất, nội dung của tấm biển này làm người ta liên tưởng ngay tới những tấm biển "Người Trung Quốc và chó không được vào" treo tại các công viên thuộc khu nhượng địa Thượng Hải và Quảng Châu. Điều đó gợi lại những ký ức đau buồn của chính người Trung Quốc thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi còn bị các nước phương Tây chia thành những miếng bánh để xâu xé.
Việc làm trên của các nước đế quốc bị người dân Trung Quốc coi là hành động làm nhục dân tộc vì coi họ như loài súc vật hạ đẳng. Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một thời gian dài ban lãnh đạo Bắc Kinh, ngoài việc nhắc lại chuyện đó, còn giữ lại một số hiện trường có ghi khẩu hiệu trên để giáo dục dân chúng, nhất là thế hệ trẻ.
Trong thời gian công tác tại Trung Quốc, tôi hai lần được người Trung Quốc dẫn tới thăm các tấm biển có nội dung miệt thị này. Lần đầu năm 1964, tôi được các bạn Trung Quốc dẫn cả đoàn ra vùng đất tô giới Thượng Hải cũ xem những hình ảnh đó.
Tấm biển hiệu kỳ thị treo trên cửa sổ của một nhà hàng ở Bắc Kinh được viết song ngữ Hoa – Anh: “Nhà hàng chúng tôi không tiếp nhận người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” - Ảnh: AFP
Năm 1993, khi công tác tại Quảng Châu, tôi cũng được họ chỉ cho xem tận mắt vùng tô giới Sa Diện cũ và tự hào nói: Ngày nay dòng chữ: “Người Trung Quốc và chó không được vào chỉ còn thấy trong bảo tàng thôi, chúng tôi không cần trương chúng lên nữa".
Thứ hai, những hành động này không phải bột phát mà kéo dài có hệ thống. Theo tôi, những hành động này không phải tính tự tôn dân tộc, mà nó nằm ở những đầu óc lệch lạc về dân tộc mình và dân tộc khác.
Tôi cho rằng, phản ứng chậm và trốn tránh của các cơ quan chức năng Trung Quốc là nguyên nhân nới tay cho người dân có những hành động cực đoan như trên.
Thứ ba, những hành động như vậy của người Trung Quốc trái lại với chính điều dạy của Khổng Tử - được người Trung Quốc coi là Vạn Thế Sư Biểu (Bậc thầy của muôn đời) là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều mình không muốn thì đừng làm với người khác.
Nếu trước kia người Trung Quốc bị xúc phạm nặng nề, thì nay họ lại làm thế với các dân tộc khác, thậm chí cùng lúc với người Việt, người Nhật và người Philippines.
Cực đoan
Là người thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao tại Trung Quốc qua các thời kỳ (1966 - 1970, 1977 - 1981, 1992 - 1996), tôi chưa từng gặp hành động nào cực đoan như vậy của người Trung Quốc đối với các dân tộc khác. Nhiều người Trung Quốc cũng lên án những hành động cực đoan dân tộc của đồng bào mình.
Tôi thấy rằng, trong rất nhiều sự lên án đối với hành động cực đoan này, người Trung Quốc lộ ra việc họ đang hiểu sai về dân tộc khác, hiểu sai về vấn đề chủ quyền biển đảo.
Dù nhà hàng Trung Quốc đã gỡ những tấm biển đáng xấu hổ kia xuống nhưng chúng ta vẫn cần lên án một cách chính thức hành động này.
“Chúng tôi cho rằng, tấm biển được treo ở nhà hàng tại Bắc Kinh chỉ là quan điểm của một cá nhân trong bối cảnh những sự việc đang xảy ra giữa Philippines và Trung Quốc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez nói - "Chúng tôi hi vọng, đây không phải là chính sách quốc gia về việc cấm đoán người Philippines đến nhà hàng ở Bắc Kinh”. |
Ý kiến bạn đọc