Dự án Alumin Tân Rai chưa hiệu quả vì suy thoái kinh tế!

15:48, 05/03/2013
|

Ngày 4/3, trả lời báo giới trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2013, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), lần đầu tiên đã cung cấp những thông số mới đánh giá tính hiệu quả của các nhà máy alumin tại Tây nguyên vào tháng 12/2012.

Ông Quân công nhận hiện tại nhà máy không hiệu quả nhưng cho rằng cần giảm đền bù giải phóng mặt bằng và thuế, phí để dự án tăng hiệu quả...

Đang rủi ro

* Đại diện Vụ Công nghiệp nặng trước đây đã nói dự án bôxit sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tính đến nay thì không hẳn vậy?

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Bộ Công thương đang chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) tính lại hiệu quả dự án Tân Rai để từ đó có định hướng điều hành cũng như đề xuất chính sách. Với kết quả kiểm tra hiệu quả kinh tế vào tháng 12/2012, với cơ chế hiện hành, đúng là nhà máy đã phải tăng tổng mức đầu tư khoảng 30% (do tăng tỉ giá, thuế tài nguyên - môi trường, nguyên vật liệu tăng, lương tăng...).

Trong khi đó, yếu tố hết sức quan trọng là giá bán alumin tại thời điểm tháng 12/2012 chỉ khoảng 326,5 USD/tấn, đã giảm khoảng 42 USD/tấn so với giá tại thời điểm chúng ta tính toán hiệu quả nhà máy (năm 2009, tính giá bán sẽ khoảng 365 USD/tấn). Cái này theo chúng tôi là do suy thoái kinh tế. Một loạt khoáng sản như sắt, đồng, thiếc cũng giảm chứ không riêng bôxit. Và đúng là với giá thời điểm này thì dự án có rủi ro lớn.

* Theo các chuyên gia, dự án alumin Tân Rai thuộc tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng không hiệu quả vì giá thành lên đến 375 USD/tấn trong khi giá bán chỉ 340 USD/tấn. Bộ Công thương có thể công bố con số chính thức?

- Giá thành tại thời điểm dự án được duyệt là 284 USD/tấn. Đến năm 2012 tính toán lại do một loạt chi phí tăng thì giá thành lên thành 333 USD/tấn. Trong khi đó, giá bán tại thời điểm tháng 9-2012 là 368,6 USD/tấn. Nhưng đến tháng 11-2012 thì giá chỉ còn 326,5 USD/tấn. Đấy là nguyên nhân khiến dự án trở nên có rủi ro lớn.

 Ảnh minh họa

 Dự án Alumin tại Tân Rai.


* Trách nhiệm thẩm định dự án của Bộ Công thương với vai trò cơ quan thẩm định dự án bôxit, nhất là cảng Kê Gà, như thế nào khi cảng này phải dừng lại?

- Theo quy định hiện nay, hai dự án nhà máy alumin không phải dạng quan trọng quốc gia, cũng không dùng vốn ngân sách nên Chính phủ chỉ phê duyệt chủ trương, còn lại chủ đầu tư tự làm dự án, tự thẩm định, tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm. Nhưng do dự án nhạy cảm, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thẩm định lại xem có khởi công dự án Nhân Cơ không. Chúng tôi đã lập hội đồng khoảng 40 người, có mời phản biện là Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng). Tại thời điểm thẩm định, dự án có hiệu quả nhưng đến nay thì có rủi ro. Hiện TKV đang hoàn thiện đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Chính phủ sẽ họp để có quyết định cụ thể để dự án hoạt động hiệu quả.

Sẽ phát triển công nghiệp bôxit thận trọng

Chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến bôxit đến năm 2020, dự báo năm 2030. Quy hoạch được lập trong hai năm, đã hội thảo trong và ngoài nước. Chúng tôi đã có lắng nghe ý kiến phản biện. Thường trực Chính phủ đã nghe và kết luận. Định hướng mới là sẽ phát triển một cách thận trọng, đi từng bước để đến quy mô lớn, đảm bảo tổng thể cả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đến năm 2015 theo định hướng sẽ chỉ có hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Đến năm 2020 trên cơ sở hai dự án, nếu thuận lợi vận tải thì nhân đôi công suất hai nhà máy. Sau năm 2020 đầu tư được đường sắt, thử nghiệm tốt thì đầu tư quy mô lớn, 2-3 triệu tấn/năm. Sắp tới quy hoạch phải trình lên Bộ Chính trị cho ý kiến.

Đề nghị giảm thuế, giảm mức đền bù cho dân

* Với tình hình hiện nay, TKV sẽ cần đề xuất chính sách hỗ trợ?

- Chúng tôi cũng thấy một số điểm có thể đồng tình với TKV, là với đặc thù khai thác bôxit, cần xem xét điều chỉnh lại cơ chế. Như đặc thù của quặng bôxit là nằm ở rất nông, chỉ khoảng 4m, nên thời gian khai thác rất nhanh. Thời gian mặt bằng trả lại cho trồng trọt chỉ 2-3 năm.

Trong khi đó, cách chúng ta áp dụng giá đền bù là vĩnh viễn, TKV đang phải trả từ 800 triệu đến cả tỉ đồng/ha. Nếu khai thác 30-40 năm thì giá trên là hợp lý, nhưng chỉ khoảng ba năm trả lại thì không hợp lý lắm. TKV đã đề nghị Chính phủ việc đền bù cho khai thác bôxit chỉ tính đền bù hoa màu, đền bù sản lượng trong thời gian trưng dụng đất và có hỗ trợ một phần cho người dân, ở mức 250 triệu đồng/ha là hợp lý. Đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư.

Phí môi trường khai thác bôxit cũng tương đối cao, khoảng 30.000 đồng/tấn nguyên khai. TKV cho rằng không hợp lý lắm. Bởi dự án này rất nhạy cảm, chủ đầu tư phải đầu tư lớn cho môi trường, như xây hồ bùn đỏ, trạm quan trắc... Với mức độ đầu tư lớn như thế lại nộp thêm phí môi trường ở mức 30.000 đồng là cao. Hơn nữa, VN lại có trữ lượng bôxit cao, với khoảng 11 tỉ tấn. TKV đang rà soát và đề xuất cơ chế cho giai đoạn thử nghiệm. Cụ thể là đề nghị giảm phí môi trường còn khoảng 5.000 đồng/tấn, thuế tài nguyên cũng vậy. Với giá bán như hiện nay cùng với những điều chỉnh như đề xuất thì dự án có hiệu quả.

* Với giá bán thấp như trên thì mức lỗ mỗi tháng là bao nhiêu, các chuyên gia tính một năm Nhà máy alumin Tân Rai sẽ lỗ khoảng 25 triệu USD?

- Quan điểm của chúng tôi cũng đồng tình với TKV là xem xét hiệu quả dự án cần xem giá trước mắt, nhưng cũng cần xem cả giá lâu dài. Theo dự báo của các tổ chức thế giới, giá alumin giai đoạn 2010-2020 dao động trong khoảng 300-640 USD/tấn, trung bình khoảng 450 USD/tấn. Nếu thế thì đáng mừng để thấy tương lai dự án là có hiệu quả.

Còn về Nhà máy alumin Nhân Cơ, hiện đã có Công ty TNHH Trần Hồng Quân chủ trương đầu tư nhà máy điện phân nhôm ngay tại Đắk Nông, sử dụng alumin ở Nhân Cơ. Như thế nhà máy sẽ giảm được chi phí vận chuyển, vì 2 tấn alumin thì làm được 1 tấn nhôm. Nếu dự án nhà máy điện phân nhôm vào thì chắc chắn nó sẽ hỗ trợ thêm tính hiệu quả cho nhà máy Nhân Cơ. Nên tổng thể, nếu áp dụng cơ chế chính sách hợp lý, TKV tiết giảm chi phí, cộng xu thế gia tăng giá alumin thì dù trong giai đoạn thử nghiệm chúng tôi vẫn tin hai nhà máy sẽ hiệu quả.


Theo Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc