Đi xe "không chính chủ" sẽ bị phạt trong những trường hợp nào?

21:35, 07/03/2013
|

(VnMedia) - Bộ Công an quy định, việc xử phạt xe không chính chủ chỉ thực hiện qua công tác đăng ký cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự...

>>Từ 1/7, tịch thu xe đua, thu bằng 24 tháng

Nội dung trên được nêu trong Thông tư số 11/2013/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/10/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ Công an vừa mới ban hành.

Không dừng xe đang lưu thông để phạt lỗi không chính chủ

Theo đó, đề cập đến việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, Bộ Công an quy định, đối với các xe đang lưu thông trên đường, lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Ảnh minh họa

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Xuân Tùng

"Lực lượng chức năng thông qua công tác đăng ký cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định", Thông tư quy định.

Bị tạm giữ xe vì không mang giấy tờ chỉ bị phạt về hành vi không mang giấy tờ

Cũng theo Thông tư, tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được Giấy đăng ký xe; Giấy phép lái xe; bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo quy định; tạm giữ phương tiện theo quy định.

Trong thời hạn hẹn giải quyết, trường hợp người có thẩm quyền chưa ra quyết định xử phạt, người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; ký, ghi rõ họ, tên; báo cáo người có thẩm quyền trả lại phương tiện bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.

Thông tư số 11 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2013.

Đầu tháng 11/2012, Nghị định 71 đã gây xôn xao dư luận khi quy định hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 10 triệu đồng đối với mô tô, xe máy và ôtô có hiệu lực. Tuy nhiên, sau những băn khoăn của dư luận, Chính phủ đã yêu cầu tạm hoãn xử phạt hành vi trên và yêu cầu Bộ Công an ban hành Thông tư bổ sung hướng dẫn xử phạt lỗi vi phạm này.

Mới đây Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đưa ra dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt,, trong đó hạ thấp mức xử phạt đối với xe không sang tên đổi chủ xuống còn một nửa so với Nghị định 71, cụ thể là 100.000 đồng đến 4 triệu đồng. Dự kiến, nếu được Chính phủ thông qua, quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2013.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc