Cựu tù người Hà Nội: Thông minh và "chịu chơi"

07:55, 07/03/2013
|

(VnMedia) - Những chiến sĩ người Hà Nội từng bị địch bắt tù đày trong các trại tù thời chống Mỹ thường được bạn tù đánh giá là hiểu biết nhiều, thông minh và “chịu chơi”...

Chiều 5/3, sau Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đã có một cuộc gặp gỡ hết sức xúc động và bất ngờ giữa những nhà báo với những chiến sĩ người Hà Nội từng bị địch bắt tù đày trong trại giam tù binh cộng sản Việt Nam thời chống Mỹ...

 

Trong một không khí rất giản dị nhưng vẫn có gì đó gần như là thiêng liêng, chúng tôi đã được gặp mặt 14 cụ già phần lớn đã ở tuổi 80 - 90, mang trong mình đầy những vết thương không bao giờ lành do những trận đòn tra tấn khủng khiếp của địch và đã chiến thắng trở về cách đây đúng 40 năm.

 

Trong nỗi xúc động ấy, chúng tôi được nghe bác Nguyễn Văn Chiến, trưởng ban liên lạc Trại giam tù binh Phú Quốc kể lại: Khi những chiến sĩ rời Hà Nội đi chiến trường đông nhất là từ năm 1964, đó là lúc miền Bắc đã có mười năm hòa bình, cuộc sống của nhân dân khá ổn định, tạm đầy đủ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ xung phong đi lên tuyến đầu chống Mỹ, đi đến nơi mà chắc chắn khó khăn, gian khổ, thương vong, chết chóc đang chờ.


 Ảnh minh họa

Bác Nguyễn Văn Chiến, trưởng ban liên lạc Trại giam tù binh Phú Quốc tự hào kể về những người bạn tù ở Phú Quốc


“Họ tự nguyện tạm biệt góc phố, đường quê đầy kỷ niệm, mái nhàyên ấm, tạm biệt mái trường thân yêu đang học dở dang lớp cuối cấp bậc phổ thông, gấp lại giấy gọi vào đại học, giấy gọi đi học nước ngoài, thậm chí tạm biệt người yêu trong môi tình đầu đầy thơ mộng, hăm hở nhận giấy nhập ngũ, vào chiến trường, tiếp bước nhau “hành quân như trẩy hội”, “xẻ dọc Trường Sơn”… - bác Chiến run run kể.

 

Trên chiến trường, họ đã chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, ốm đau, đã chiến đấu dũng cảm. Biết bao người đã hy sinh, biết bao người đã bị thương, mất sức chiến đấu. Và một số trong họ đã không may sa vào tay địch trong những tình huống bất ngờ, trong những trận chiến không cân sức, khi đã bị thương không còn khả năng tự vệ. Sau những trận đòn hỏi cung khai thác thông tin về lực lượng của ta, địch đưa họ về những trại giam tù binh. Ở đó, họ đã sống tập thể trong những khu giam được rào chắn nghiêm ngặt.

 

Khi ấy, mọi quan hệ với gia đình, xã hội đều bị cắt đứt. Dù có cha già, mẹ héo, vợ dại, con thơ cũng chẳng thể làm gì. Họ chỉ còn cách nương tựa vào nhau, chờ ngày kết thúc chiến tranh. Một điều khiến những con người ấy có được một sức mạnh phi thường để vượt qua tất cả những nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần, đó là sũy nghĩ: phải sống sao để khi trở về khỏi hổ thẹn với bạn bè, họ hàng, đồng đội, gia đình. “Có tất ít kẻ phản bội, chiêu hồi, làm tay sai chống lại tập thể người tù” - bác Chiến nói.

 

Lớp chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời chống Mỹ là lớp em út của các thế hệ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Kẻ địch là chính quyền Mỹ - ngụy ra đời từ thất bại trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống cộng, chống miền Bắc quyết liệt, luôn tìm cơ hội trút hận thù lên những người kháng chiến, bộ đội miền Bắc sa vào tay chúng. Chúng lại kế thừa kinh nghiệm đàn áp tù của những thời kỳ trước, của các chính quyền chống cộng các nước khác, có kẻ phản bội từng tham gia Việt Minh, bộ đội chống Pháp nên thủ đoạn coi tù, lung lạc lập trường chí hướng của tù thâm độc, tinh vi và thường xuyên thay đổi. Nhưng các chiến sĩ của chúng ta cũng kế thừa những kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ lý tưởng, giữ gìn phẩm chất cách mạng của các bậc tiền bối, theo thương Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tô Hiệu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu… Vì thế, cuộc chiến đấu với kẻ thù trong các nhà tù thời chống Mỹ trở nên phức tạp và ác liệt hơn bao giờ hết.

 

Những người tù “chịu chơi”…

 

Theo lời bác Chiến thì những chiến sĩ người Hà Nội trong các trại tù thường được bạn tù đánh giá là hiểu biết nhiều, thông minh và “chịu chơi”. Trên thực tế, họ đã đóng góp tương xứng với những đánh giá ấy. 14 người ngồi đây hôm nay là số ít ỏi những nhân chứng sống. Họ từng chịu đựng những đòn tra tấn tàn bạo của địch, họ từng đấu tranh trực diện với kẻ địch để bảo vệ chân lý, lý tưởng…

 

Đáng ngưỡng mộ là bác Nguyễn Minh Vân, sĩ quan tình báo, người đã đấu tranh trực diện chống luận điệu dụ dỗ, lung lạc chiến sĩ cách mạng của Ngô Đình Cẩn. Bác là người đã trải qua 724 ngày đêm “sống trong mồ” nhưng hàng ngày vẫn làm thơ. Bác là một trong 3 người sống sót ở nhà tù Chín Hầm.

 Ảnh minh họa

 Bác Nguyễn Minh Vân (phải), sĩ quan tình báo, người đã đấu tranh trực diện với Ngô Đình Cẩn


Trong khi đó, ai cũng phải “ngả mũ thán phục” bác Trần Tín, người con trai phố Huế, đã có cuộc vượt ngục độc nhất vô nhị khi cải trang là quân cảnh ung dung giữa ban ngày ra khỏi trại giam về vùng giải phóng trước hàng trăm con mắt thán phục của bạn tù.

 

Hết sức đáng khâm phục là bác Nguyễn Hà Long, nổi tiếng với việc tham gia đào chiếc hầm để vượt ngục đầu tiên trên đảo Phú Quốc, là người trong số 21 người thoát ngục trót lọt đêm 20/1/1969 ở phân khu B2. Còn một số người khác đã bị bắt lại, bị tra tấn dã man đến chết như liệt sĩ Đặng Hồng Sơn, người con của phố Huế. Ông Sơn đã bị đóng 9 chiếc din dài trên khắp cơ thể và cuối cùng đã hi sinh trong sự tiếc thương vô hạn của bạn tù và sự thán phục của chính kẻ địch.

 

Còn câu chuyện về bác Phùng Xuân Nghị thì khiến bất cứ ai cũng phải lặng người khi biết bác là người đã nhận nhiệm vụ tự mổ bụng mình trong một cuộc đấu tranh tuyệt thực căng thẳng, buộc địch phải chấp nhận yêu sách…

 

Cũng tại buổi gặp mặt, chúng tôi được biết, Hà Nội còn chừng 1300 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, trong đó có 500 đảng viên, 600 thương bệnh binh, nhiều người tham gia hoạt động xã hội, công tác trong các cơ quan, đoàn thể từ cơ sở đến Trung ương. Nhiều người hoạt động trong các hợp tác xã, công ty, lập trang trại… phần đông họ là lính xuất ngũ sau khi trở về, cuộc sống khó khăn, phải bươn chải để kiếm sống. Chừng 400 người trong diện trợ cấp khó khăn thường xuyên.

 

“Nhưng cho đến nay, không một ai sa ngã, phạm pháp, mỗi người một hoàn cảnh, tiếp tục giữ gìn phẩm chất, truyền thống đã được tôi luyện trong cuộc đấu tranh ở các trại tù binh cộng sản” – bác Chiến tự hào khẳng định.

 

Trước những con người cao quý ấy, những câu chuyện xúc động ấy, một nhà báo trong số chúng tôi đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: Chúng cháu rất xúc động khi được gặp mặt các bác, những tấm gương chiến đấu với kẻ thù. Chúng cháu chỉ mong muốn một điều, là các bác được mạnh khỏe…”


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc