(VnMedia) - Từ ngày 1/2/2012, Dự thảo Luật đất đai được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong số những vấn đề liên quan đến đất đai thì việc thu hồi đất những năm gần đây luôn là vấn đề nóng, phức tạp, gây nhiều khiếu kiện. VnMedia xin giới thiệu những quy định về thu hồi đất trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để bạn đọc tham khảo và gửi ý kiến đóng góp xây dựng.
>> 7 nội dung đổi mới cơ bản của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Ảnh minh họa |
Các điều khoản về thu hồi đất được quy định trong Chương VI của Dự thảo như sau:
Điều 59. Các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh
1. Làm nơi đóng quân.
2. Xây dựng căn cứ quân sự.
3. Xây dựng các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh.
4. Xây dựng ga, cảng quân sự.
5. Xây dựng các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh.
6. Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân.
7. Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí.
8. Xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân.
9. Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân.
10. Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Điều 60. Các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
1. Để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Xây dựng trụ sở cơ quan được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
3. Xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng và vùng phụ cận của công trình giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, các công trình thu gom, xử lý chất thải, thông tin liên lạc, hệ thống dẫn, kho chứa xăng dầu, khí đốt và các công trình khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
4. Xây dựng các công trình sự nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc các ngành và lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, môi trường, ngoại giao, chợ, công viên.
5. Để mở rộng các công trình là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
6. Để phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
7. Để sử dụng cho các cơ sở tôn giáo.
8. Làm nghĩa trang, nghĩa địa.
9. Các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Điều 61. Các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội
1. Xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Để xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn; thực hiện dự án nhà ở tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ.
3. Để thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
4. Để cho thuê đất thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Điều 62. Căn cứ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội
Việc thu hồi đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 63. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà cố ý nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
d) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;
đ) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
e) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt mà cố ý không chấp hành;
g) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền;
h) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng (12) liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; việc chấp thuận chỉ được thực hiện một lần và không quá thời hạn mười hai (12) tháng.
Người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất.
2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
Điều 64. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện
1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện gồm:
a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
b) Cá nhân sử dụng đất chết không có người thừa kế;
c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn.
2. Việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện theo căn cứ sau:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố chết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 65. Thẩm quyền thu hồi đất
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp;
c) Thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả đất của người bị thu hồi đất quy định tại điểm a, điểm b khoản này và khoản 2 Điều này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
b) Thu hồi đất ở gắn liền với nhà ở của người Việt
3. Người có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.
Điều 66. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội
1. Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi (90) ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi (180) ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm cho người bị thu hồi đất biết.
Trường hợp tổ chức phát triển quỹ đất và những người có đất bị thu hồi đã thỏa thuận bằng văn bản thống nhất về phương án bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất hoặc khu đất thu hồi không phải giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
2. Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức phát triển quỹ đất trong quá trình đo đạc, thống kê, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
3. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, được công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
Ý kiến bạn đọc