Mặc dù đang thí điểm ở 10 tỉnh, thành và còn bị “lật qua, lật lại” về việc tồn tại hay không tồn tại nhưng HĐND các quận, huyện vẫn khẳng định vị trí quan trọng của mình trong hệ thống chính trị; xứng đáng vai trò đại diện của cử tri và nhân dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương, luật pháp ở địa phương.
Vị trí của HĐND quận, huyện được thể hiện ngày càng rõ hơn, nhất là từ khi Luật Tổ chức HĐND và UBND được sửa đổi năm 2003. Theo đó, HĐND cấp quận, huyện có thêm Ủy viên Thường trực cùng hoạt động chuyên trách với Phó chủ tịch HĐND, tạo nên bộ ba Thường trực bề thế, vững mạnh. Hoạt động của HĐND quận, huyện từng bước có những nhiều chuyển biến tích cực. Với số lượng Thường trực được tăng cường, cùng chất lượng đại biểu từng bước được bảo đảm, lại được tiếp sức từ bề dày kinh nghiệm và những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của QH và HĐND các cấp, HĐND quận, huyện luôn thể hiện rõ được vai trò và vị thế cơ quan quyền lực nhà nước trong hệ thống chính trị trên địa bàn.
Đang khởi sắc thì HĐND huyện được thí điểm ở 10 tỉnh, thành “Không tổ chức HĐND huyện, quận và phường”. Việc thí điểm cũng hơi bất ngờ cho những người đang làm việc trong các cơ quan dân cử ở địa phương, ít nhiều tạo những diễn biến tư tưởng của đại biểu và người dân. Người trong cuộc còn giữ các chức danh của HĐND nếu buông xuôi, tự an ủi: không làm việc ở HĐND mà qua UBND hoặc các cơ quan chuyên môn khác có khi lại hay. Nhưng đại biểu HĐND - những người tâm huyết và trách nhiệm với cơ quan dân cử và cử tri ở địa phương tâm tư, day dứt lắm. Các địa phương không thực hiện thí điểm cũng băn khoăn, trăn trở, điều đó tất nhiên tác động không nhỏ đến hoạt động của HĐND, ảnh hưởng vị trí trong hệ thống chính trị và suy giảm vai trò đại diện của cử tri và nhân dân. Nhưng rồi thí điểm chưa kết thúc được, chủ trương tiếp tục kéo dài để kết luận đúng đắn vấn đề hệ trọng của hệ thống chính trị ở cấp huyện, cũng là vấn đề mấu chốt trong bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tuy đang trong thời kỳ thí điểm, nhưng chủ trương của Đảng tăng cường chất lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016. Sau Đại hội, tổ chức Đảng giới thiệu nhiều ủy viên BCH và Thường vụ cấp ủy ứng cử để bầu làm đại biểu và các chức danh của HĐND. Cũng thật bất ngờ, dù trong thời kỳ còn “nâng lên, đặt xuống” nhưng cử tri đã tin tưởng, sáng suốt lựa chọn những đại biểu HĐND quận, huyện xứng đáng, có trình độ và năng lực hơn các nhiệm kỳ trước. Điều quan trọng hơn, lần này Phó chủ tịch HĐND đều tham gia Ban thường vụ cấp ủy và hầu hết các ủy viên Thường trực HĐND đều tham gia BCH Đảng bộ quận, huyện. Đảng tin tưởng, cử tri tín nhiệm và trao trọng trách đại diện ở cơ quan quyền lực của nhân dân trong hệ thống chính trị. Như vậy cũng đủ để khẳng định HĐND quận, huyện vẫn hoạt động tích cực, hiệu quả và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa được bổ sung sửa đổi, nhưng với trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, cùng với những đổi mới quan trọng trong quá trình hoạt động của QH đã tạo tiền đề tác động tích cực đến hoạt động của HĐND cấp quận, huyện. Điều đó thể hiện trước hết ở chức năng quyết định của HĐND tại các kỳ họp. HĐND quận, huyện đã bố trí thời gian thích đáng để thảo luận kỹ và quyết định thông qua các nghị quyết thực hiện trên địa bàn. Các tờ trình, dự thảo nghị quyết được UBND chuẩn bị chu đáo; các ban liên quan của HĐND thẩm tra kỹ lưỡng, tạo cơ sở để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định. Do quá trình phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cấp quận, huyện nên HĐND phải xem xét, thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề như: vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở khu dân cư; quyết định hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới... Những nghị quyết HĐND quận, huyện thông qua cụ thể, sát thực tế, phù hợp lòng dân nên tính khả thi cao.
Tại kỳ họp, HĐND cũng dành thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của UBND về tình hình KT-XH, QPAN của địa phương. Đặc biệt HĐND nghe và giám sát báo cáo của TAND và VKSND quận, huyện. Đây là lĩnh vực tư pháp liên quan đến tội phạm, bắt giam, truy tố, xét xử... mà cơ quan đại diện cho nhân dân phải xem xét thảo luận; vì thực tế ở địa phương không có cơ quan, tổ chức nào nghiên cứu, xem xét vấn đề này. Phiên chất vấn, trả lời chất vấn- một hình thức giám sát trực tiếp của HĐND tại kỳ họp nhiều quận, huyện đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri. Có địa phương, HĐND đã mạnh dạn dành gần 1/2 thời lượng kỳ họp cho phiên chất vấn - trả lời chất vấn và tái chất vấn. Dưới sự điều hành linh hoạt, sắc sảo của chủ tọa và sự vào cuộc rất trách nhiệm của nhiều đại biểu, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp sôi động không kém, thậm chí có phần hơn hẳn HĐND một số tỉnh. Và cái được lớn nhất là: những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề khó khăn, phức tạp, đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đã cơ bản được làm rõ và yêu cầu, gợi mở hướng giải quyết, cơ bản đáp ứng kỳ vọng của đông đảo cử tri.
Rồi đây, theo nghị quyết của QH, HĐND quận, huyện sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh do HĐND bầu. Đây có thể được coi là một hình thức giám sát trực tiếp quan trọng của HĐND, những nơi thí điểm không có HĐND thì những chức danh của UBND sẽ không thể được cơ quan nhà nước đại diện cho cử tri giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Ngoài giám sát trực tiếp tại kỳ họp, HĐND quận, huyện còn thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát giữa hai kỳ họp. Chương trình, kế hoạch giám sát của Thường trực và các ban HĐND được thông qua tại kỳ họp cuối năm trước và thông báo đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan. Các đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo gửi trước đến đoàn giám sát. Quá trình giám sát, đoàn đã làm việc tích cực, nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan đến đơn vị. Nhiều nội dung kết luận sát đúng, thuyết phục được đơn vị liên quan tiếp thu sửa chữa. Những vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và cấp trên được tổng hợp báo cáo trực tiếp trước HĐND để đại biểu thảo luận, xem xét và quyết định.
Vị trí, vai trò của HĐND quận, huyện không những được xác định trong quá trình thực hiện chức năng của HĐND, mà còn thể hiện trong các nhiệm vụ khác nhau của HĐND. Hoạt động TXCT, một nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng của đại biểu dân cử cũng được quan tâm đúng mức. Trước và sau các kỳ họp thường lệ, đại biểu HĐND dành thời gian thích đáng gặp gỡ, TXCT để thu thập, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Những cuộc TXCT diễn ra dân chủ, bình đẳng giữa đại biểu dân cử với cử tri; người nói và người nghe gắn bó, gần gũi, những ý kiến ngắn gọn, thực tế, chân tình. Cử tri tâm huyết, tin tưởng, lưu luyến như không muốn để tuột mất đi cơ quan quyền lực Nhà nước đại diện cho mình, lo cho cuộc sống thường nhật của mình.
Giữa hai kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND rất rốt ráo để thường xuyên giải quyết công việc hàng ngày. Quan trọng hơn, Thường trực HĐND giữ mối quan hệ với UBND, TAND, VKSND và UBMTTQ huyện. Thường trực HĐND tham gia ý kiến với UBND trên phương diện kiểm tra, giám sát nhưng chân thành đoàn kết, thống nhất cùng nhau thực hiện nghị quyết của HĐND và thực thi pháp luật. UBND rất cần HĐND và tiếng nói của Thường trực HĐND trong những lúc khó khăn; cùng chia sẻ và tháo gỡ những bất cập, ách tắc. Thường trực HĐND phát biểu khách quan, toàn diện trong hội nghị BCH Đảng bộ quận, huyện, đóng góp tích cực vào việc củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, dân chủ, công bằng trong mọi tình huống.
Nhiệm kỳ HĐND mới đi qua hơn một năm rưỡi. Trong bối cảnh còn cân nhắc tồn tại hay không tồn tại, nhưng HĐND quận, huyện vẫn yên tâm vững vàng từng bước thực hiện có hiệu lực và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trên địa bàn. Kết quả to lớn đó đã khẳng định vị trí không thể thiếu được của HĐND quận, huyện trong hệ thống chính trị của HĐND, xứng đáng với vai trò đại diện của cử tri và nhân dân, góp phần quyết định sự phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Ý kiến bạn đọc