Nhận định CSGT đứng đầu bảng tham nhũng có vẻ khó thuyết phục. Làm sao tham nhũng vặt, tiêu cực lèm nhèm lại là nguy cơ tham nhũng cao nhất?
Còn nhớ hồi giữa năm ngoái, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề cập đến hiện tượng có một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông (CSGT) có tiêu cực, nhận tiền mãi lộ rồi bỏ qua vi phạm.
Trả lời câu chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã báo cáo với Quốc hội và các vị đại biểu rằng, trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng lực lượng CSGT; công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực vi phạm trong lực lượng CSGT đã có chuyển biến rất tích cực.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, hàng trăm cán bộ, CSGT đã không nhận hối lộ, nộp lại hàng trăm triệu đồng. Trong lực lượng CSGT xuất hiện rất nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong những năm gần đây đã có 11 đồng chí hy sinh và hơn 200 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, người đứng đầu ngành công an cũng khẳng định, trong môi trường công tác chịu rất nhiều áp lực, tuyệt đại đa số CSGT giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành nhiệm vụ, không nhận hối lộ, không tiêu cực, không vi phạm. Nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng thừa nhận vẫn còn một số CSGT vi phạm điều lệnh công an nhân dân, vi phạm pháp luật, tiêu cực, vòi vĩnh và nhận mãi lộ.
Thế nhưng đến tháng 11, báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố thì CSGT được xếp hạng đầu bảng tham nhũng. Trước đánh giá này, không chỉ anh em CSGT “kêu oan” mà chỉ huy cao nhất của lực lượng này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho rằng: “Vấn đề tiêu cực trong lực lượng CSGT không phải bây giờ mới đặt ra. Nói đến CSGT, theo tôi, tiêu cực vẫn còn. Nhưng chỉ dừng lại ở tiêu cực chứ đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao thì cần có nghiên cứu thấu đáo hơn".
Ngay tác giả báo cáo điều tra xã hội học này cũng cho rằng, kết quả chỉ mang tính tham khảo không phản ánh thực tiễn. Vì vậy, theo nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT, các hành vi nhận mãi lộ của lực lượng CSGT chỉ thuộc vào loại tham nhũng vặt, lại phải chia năm xẻ bảy, khó có thể xếp các hành vi này vào nhóm hành vi tham nhũng có nguy cơ cao.
Cũng tại buổi giao lưu trên, một số câu hỏi liên quan đến quy định để lại số tiền phạt cho CSGT là tương đối cao, việc tăng mức phạt theo Nghị định 71 có đem lại quyền lợi cho CSGT đã được Cục trưởng Nguyễn Văn Tuyên thêm một lần minh oan cho CSGT. Theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính thì tiền phạt thực hiện qua đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các địa phương sẽ chuyển hết cho địa phương. Thông tư này quy định rất rõ lực lượng công an tỉnh, thành phố đó được sử dụng 70% và bồi dưỡng cho các đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ với mức thấp nhất là 700.000 đồng, cao nhất là 1,5 triệu đồng. Số còn lại được sử dụng để mua phương tiện, xăng dầu, thiết bị khác để phục vụ trở lại cho công tác đảm bảo an toàn giao thông. Việc tăng mức phạt để tăng thu nhập cho CSGT là không có vì mức cao nhất đã được quy định là 1,5 triệu đồng.
Về việc Đà Nẵng bồi dưỡng thêm cho CSGT 5 triệu đồng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Lực lượng CSGT hoan nghênh việc các địa phương hỗ trợ CSGT. Trong điều kiện hết sức khó khăn mà CSGT phải hứng chịu như thời tiết, ô nhiễm, chống người thi hành công vụ… và phải gắn với các tuyến đường là rất vất vả. Tôi ủng hộ việc tăng thu nhập chính đáng cho CSGT để họ có thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt hơn. Còn các địa phương không có điều kiện thì cũng không bắt buộc”.
Thật vậy, điểm lại thông tin đúng dịp công bố bản báo cáo đáng giá “thấp” lực lượng này cho thấy, chỉ trong thời gian từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2012, trong lực lượng CSGT TP HCM có 471 lượt cán bộ, chiến sĩ nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ của người vi phạm giao thông, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Trong số này, có nhiều đồng chí không nhận hối lộ từ 2 đến 3 lần/tháng. Cũng trong thời gian này, bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, cán bộ, chiến sĩ CSGT CA TP còn tích cực tham gia truy bắt các loại tội phạm hoạt động trên đường phố. Cụ thể, có 21 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phát hiện tội phạm trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản, vận chuyển hàng hóa trái phép, tàng trữ ma túy trong người hoặc trên các phương tiện giao thông…
Xa hơn một chút, tại Lâm Đồng, ngày 21/12, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định tặng giấy khen cho Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường, Trung úy Lê Mạnh Cường và Trung úy Trần Bảo Linh là 3 cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh.
Trước đó, chiều 17/12, tổ tuần tra trên Quốc lộ 20 do Thượng úy Cường làm tổ trưởng đã kiểm tra xe tải biển số 49H-7062 do Lương Văn Hà điều khiển do có dấu hiệu khả nghi. Qua đó, phát hiện trên xe có hơn 2,5m3 gỗ thông hộp không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên tổ tuần tra lập biên bản đưa về trụ sở làm rõ. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng Hậu vẫn tiếp tục đưa hối lộ, tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản, kiểm đếm số tiền do Hậu đưa hối lộ là 9,4 triệu đồng. Vụ việc này cho thấy đồng phạm với CSGT sai phạm chính là người vi phạm luật ATGT.
Vậy là rõ, nhận định CSGT đứng đầu bảng tham nhũng có vẻ khó thuyết phục. Làm sao tham nhũng vặt, tiêu cực lèm nhèm lại là nguy cơ tham nhũng cao nhất? Một vài trăm ngàn ăn vặt cũng phải chia năm xẻ bẩy và đâu có ăn vào ngân sách, công quỹ hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng được! Rất có thể báo cáo trên đã nhầm cả về đánh giá và xếp hạng, thiết nghĩ cũng nên chỉnh lại vì không chuẩn!
Ý kiến bạn đọc