Có một số ý kiến cho rằng cuốn sách in cờ Trung Quốc cũng nằm trong hàng loạt các tài liệu thể hiện sự bành trướng về văn hóa và lãnh thổ của Trung Quốc. GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
P.V: Việc hàng loạt cuốn sách dành cho thiếu nhi bị phát hiện in cờ Trung Quốc cho thấy điều gì, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi cho rằng, có 4 vấn đề lớn cần rút kinh nghiệm từ sự việc này.
Một là, cái lý mà lãnh đạo nhà xuất bản đưa ra để giải trình cho sự việc là vì mua bản quyền nên phải giữ nguyên văn thực là không ổn. Nếu theo cái lý như thế, không lẽ nếu sách đó in bản đồ có hình lưỡi bò vào đó thì mình cũng chấp nhận hay sao?
Hai là, tại sao một sách dành cho trẻ con mà phải đi mua bản quyền. Đó có thể coi là sự khinh thường giới trí thức Việt Nam. Đây có phải là tài liệu tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu đâu mà phải mua bản quyền. Tôi khẳng định, những cuốn sách có nội dung như thế này, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được, thậm chí còn làm tốt hơn nhiều.
Ba là, các đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước việc để “lọt lưới” những cuốn sách như vậy. Ai cũng rõ, một cuốn sách muốn được xuất bản phải qua rất nhiều cấp kiểm duyệt. Vậy mà những cuốn sách có hình ảnh gây bức xúc trong công luận như thế tại sao lại có thể phát hành rộng rãi? Những người làm công tác quản lý không thể nói rằng “không biết gì" trước khi bị dư luận phê phán.
Bốn là, người có trách nhiệm vẫn cố tình nói sai. Một cuốn sách như vậy mà lời giới thiệu lại ghi mập mờ là "sách theo chương trình của Bộ GD&ĐT". Không lẽ Bộ GD&ĐT lại có chương trình đi nhập sách Trung Quốc dành cho trẻ em với nội dung chỉ dành riêng cho trẻ em Trung Quốc?
P.V: Có một số ý kiến cho rằng cuốn sách này cũng nằm trong hàng loạt các tài liệu thể hiện sự bành trướng về văn hóa và lãnh thổ của Trung Quốc. Cách nhìn nhận như vậy có khắt khe quá không, thưa ông?
GS Nguyễn Lân Dũng: Quy kết như vậy theo tôi là quá mức cần thiết. Lỗi lớn nhất của những người có liên quan trong sự việc này là thiếu trách nhiệm mà thôi. Để xuất bản và phát hành sách có nội dung, hình ảnh không phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam là việc làm gây ra bức xúc trong xã hội một cách không đáng có. Cơ quan quản lý cần chỉ rõ lỗi của từng cơ quan, cá nhân đến đâu, công bố rõ cho dư luận biết. Khuyết điểm đến đâu thì xử lý đến đó, đừng suy diễn thành quan điểm, lập trường một cách quá khắt khe.
P.V: Cụ thể ở đây là gì thưa ông? Đơn vị nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong sự việc này?
GS Nguyễn Lân Dũng: Ai chịu trách nhiệm ký hợp đồng không hợp lý, ai duyệt nội dung, ai ký giấy phép xuất bản, ai phụ trách mà thiếu kiểm tra... là những người phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sai sót này. Chúng ta không làm gì để ảnh hưởng đến tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, nhưng quyết không để trẻ em Việt Nam phải học bằng những tài liệu giáo khoa gây phản cảm như vậy.
P.V: Phải chăng những người có trách nhiệm không chỉ thiếu nhạy cảm chính trị mà còn thiếu cả tình cảm dân tộc?
GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên suy diễn đến mức như vậy. Có sai thì cần nhận thiếu sót để khắc phục và rút kinh nghiệm. Tôi được biết sách đã được thu hồi để sửa chữa mà không thu thêm tiền, hoặc trả lại tiền nếu người mua thấy không cần lấy lại bản đã sửa chữa.
P.V: Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều nhà xuất bản bây giờ chỉ biết cấp giấy phép cho đối tác liên kết rồi phó mặc họ làm thế nào thì làm. Hệ quả là sách tham khảo trôi nổi, nội dung na ná nhau, thậm chí chép của nhau và sai sót cũng là điều sẽ phải xảy ra. Giáo sư có đồng tình với nhận định này không?
GS Nguyễn Lân Dũng: Đây là thuộc về trách nhiệm của cả hai Bộ: Bộ Văn hóa - Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh ra các nhà xuất bản là để xây dựng và kiểm soát chất lượng các ấn phẩm, chứ không phải chỉ để làm mỗi một chuyện cấp giấy phép (!). Nhẽ ra các NXB phải có đủ tiền để in và trả nhuận bút, chứ không phải dựa hết vào các tập thể hay cá nhân mang danh là "liên kết" để lo hết mọi chuyện, chỉ trừ cái giấy phép mà thôi!
P.V: Cơ quan quản lý và các nhà xuất bản đã tiến hành thu hồi các cuốn sách kể trên. Nhưng vấn đề dư luận đặt ra ở đây, đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế và thiếu tính răn đe. Ông bình luận gì về ý kiến này?
GS Nguyễn Lân Dũng: Thu hồi là đúng, nhưng để rút ra bài học cho các tập thể và cá nhân liên quan đến xuất bản theo tôi vẫn cần xử lý bằng một hình thức kỷ luật thích đáng. Có vậy mới đủ sức răn đe về tinh thần trách nhiệm của từng nhà xuất bản trong nước.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc