Phát hiện Bò cạp Thiên đường trở thành sự kiện nổi bật

07:00, 01/01/2013
|

(VnMedia) - Việc phát hiện loài bò cạp mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện môi trường nổi bật được các nhà báo chuyên viết về môi trường bình chọn sáng 31/12. 
 

Trước đó, vào hồi tháng 2. các nhà khoa học đã phát hiện tại động Thiên Đường thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) một loài bò cạp mới, có tên là Vietbocap thienduongensis Lourenco & Pham, 2012. Tên Tiếng Việt là bọ cạp Thiên Đường (do được phát hiện trong động Thiên Đường). Bọ cạp này được phát hiện bởi tiến sĩ Phạm Đình Sắc và TS. Wilson Lourenco (thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris  - Pháp). Theo mô tả của tiến sĩ Sắc, loài bọ cạp này được xếp vào loại hiếm trên thế giới.


 Ảnh minh họa
 

Sonadezi Long Thành là thủ phạm gây ô nhiễm rạch Bà Chèo


Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành nhận xử lý nguồn nước thải tập trung cho khoảng hơn 40 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Thành nhưng đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) đã bắt quả tang xả nước thải trực tiếp ra môi trường.


Ngày 9/3, kết luận của Viện Môi trường - Tài nguyên cho biết, nước thải từ nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Long Thành thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành là nguồn ô nhiễm chính đối với rạch Bà Chèo. Chính nguồn nước thải này đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi của các hộ dân, ảnh hưởng đến một diện tích rộng lớn gần 114 ha.


 Ảnh minh họa

Thủ tướng làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu

 

Tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban này gồm 22 thành viên, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch. 2 Phó Chủ tịch Ủy ban gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (Phó Chủ tịch thường trực) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

 

Đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách ô nhiễm dioxin

 

Sáng 18/8, tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam đã tổ chức lễ đóng bãi chôn lấp đất ô nhiễm dioxin, chính thức loại bỏ sân bay quân sự Phù Cát khỏi danh sách các điểm nóng bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.

 

Bãi chôn lấp được thiết kế và xây dựng theo các qui định của Việt Nam , đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn 7.000m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát đã được chôn lấp an toàn. Bãi chôn lấp là một phần của Dự án trị giá 5 triệu USD của Chương trình Phát triển LHQ và Quỹ Môi trường Toàn cầu có tên gọi là “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam”. 
 

Đặt tên 10 hòn đảo ở Cù Lao Chàm cho rùa biển

 

Tháng 9/2012, UBND TP Hội An (Quảng Nam ) đã tổ chức thả mười con rùa biển về với môi trường tự nhiên tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đây là những con rùa biển bị săn bắt bừa bãi, được một doanh nghiệp ở TP.HCM mua lại và nhờ chính quyền TP Hội An chuyển trả ra Cù Lao Chàm.

 

10 con rùa biển này thuộc chủng đồi mồi, nằm trong danh sách sắp tuyệt chủng, tên khoa học là Eretmochelys imbricata, họ vích Cheloniidae, bộ rùa Testudinata. Những con rùa này được ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm gắn thẻ để quản lý, chống đánh bắt. Điều đặc biệt là 10 con rùa biển này được đặt tên theo các hòn đảo tại Cù Lao Chàm. Con lớn nhất nặng 55kg mang tên Hòn Lao. Con nhỏ nhất nặng 5kg mang tên Hòn Khô con. Tám con còn lại mang tên các hòn: Lụi, Lá, Dài, Tai, Nhạn, Nhờn, Ông và Khô mẹ.

 

Quyết định di dời Trung tâm cứu hộ gấu ra khỏi Vườn Quốc gia Tam Đảo

 

Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo bắt đầu triển khai năm 2006. Trong khi Dự án đang thực hiện theo đúng tiến độ, vào tháng 4 năm 2011, Ông Đỗ Đình Tiến - Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo (Đồng Giám đốc Ban quản lý dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam) đã đề nghị Tổ chức Động vật Châu Á nhường 1/2 diện tích đất của Dự án tại thung lũng Chât Dậu để cho Công ty cổ phần Trường Giang vào thuê làm dịch vụ du lịch. Tổ chức Động vật Châu Á đã không chấp thuận.

 

Ngày 03/10/2012 Bộ Nông nghiệp PTNT có Thông báo số 4850/TB-BNN kết luận cuộc họp ngày 25/9/2012 giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Giám đốc VGQ Tam Đảo, Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, đại điện Văn phòng Chính phủ, và các các đơn vị liên quan đề nghị phía Tổ chức Động vật Châu Á tạm dừng việc xây dựng mới các công trình của Dự án và phối hợp với các cơ quan chức năng bàn bạc giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến việc dừng dự án và khả năng bố trí khu vực khác để xây dựng Trung tâm cứu hộ Gấu.

 

Hiện dự án đang chờ Chính phủ có quyết định cuối cùng về việc đóng cửa di rời trung tâm hay không.



 Ảnh minh họa
 

400.000 USD xây dựng lá chắn xanh cho ven biển miền Trung

 

Ngày 21/11, tỉnh Quảng Nam khởi động dự án do Mỹ hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển miền Trung trước những tác động của thiên tai. Trong 2 năm tới, Dự án Lá Chắn Xanh sẽ tác động trực tiếp tới 48.000 người dân trong 12.000 hộ gia đình tại Quảng Nam và Bình Định - hai trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nhiều nhất của lũ lụt và mưa lớn.Với tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), dự án sẽ do tổ chức Catholic Relief Services (CRS) triển khai với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền huyện Thăng Bình và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

 

Hai dự án thuỷ điện 6 và 6A tại Đồng Naivẫn tiếp tục “gây tranh cãi”

 

Kéo dài từ năm 2011 đến cuối năm 2012, việc có nên triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A hay không vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi. Mới nhất là bản nhận xét gửi đến Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, TS Lê Đức Chương, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đã đề nghị hội đồng thông qua 2 dự án này để sớm được triển khai. Trong khi đó, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, đã nói, việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lấy hơn 300 ha rừng vùng lõi của khu sinh quyển, điều đó có nghĩa nó tác động đến giá trị bảo tồn của khu sinh quyển nói chung và sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng.

 

Vườn quốc gia mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thế giới

 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã lấy ngày truyền thống khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 làm ngày ký kết công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chính thức trở thành Khu Ramsar mới của thế giới.

 

Nằm trên địa phận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích hơn 41.800ha, là vùng đất ngập mặn ven biển. Nơi đây có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bồ Nông chân xám, giang Sen, rái Cá, cầy giông đốm lớn, các loại rùa quý và hàng trăm loài thủy sản, thực vật, lưỡng cư đang được bảo tồn.

 

Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý ở các vùng đất ngập nước, với mục đích công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.

 

Công bố chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

 

Ngày 12/12, Bộ TNMT tổ chức lễ công bố “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là kiểm soát, hạn chế và đến năm 2030 cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc