Những băn khoăn trước ngày thu phí đường bộ

21:47, 31/12/2012
|

(VnMedia)- Theo ông Tổng Thư ký Hiệp hội giao nhận - kho vận Việt Nam: Đã thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện là đầu kéo với mức thu 270 - 390 ngàn đồng/tháng thì không thể “đánh” tiếp lên phần đuôi của phương tiện là rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc nữa.

Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) thực hiện từ ngày 1/1/2013 hiện chỉ còn được tính bằng giờ. Quy định xử phạt về việc không nộp phí BTĐB cũng khá nặng: xe máy 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng; ôtô từ 6-10 triệu đồng/lần phạt khiến nhiều doanh nghiệp (DN), người dân băn khoăn lo lắng. Bởi tuy đã có thời gian dài để chuẩn bị, thì hiện việc hoàn thiện bộ máy thu phí vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngay tại một đô thị lớn với trên 5 triệu xe máy như TP Hồ Chí Minh, đến nay việc thu ở mức bao nhiêu, thu thế nào vẫn chưa được hướng dẫn. Tình trạng này còn khiến nhiều người dân, DN thắc mắc rằng, chưa thu nên không nộp, liệu ra đường có bị phạt?

Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, khoản phí giao thông đường bộ hiện đang chiếm từ 10 - 20% tổng chi phí và là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải. Nay tiếp tục thu phí BTĐB trên đầu phương tiện với mức thu phí từ 130 ngàn đồng tới 1,04 triệu đồng/tháng theo chu kỳ đăng kiểm sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn hơn do phải nộp trước khoản tiền phí không nhỏ. Vì vậy, mới đây Bộ GTVT cũng đã gợi ý những doanh nghiệp vận tải có số lượng đầu xe lớn có thể được các trạm đăng kiểm xem xét, cho cam kết nộp phí BTĐB hằng tháng hoặc một vài tháng/lần. Song, do không có tiêu chí cụ thể nên việc này tiếp tục gây phát sinh cơ chế “xin cho” giữa trạm đăng kiểm và chủ xe.

Việc thu phí được thực hiện cả với đầu kéo và đuôi xe là rơ moóc và sơmi rơ moóc cũng khiến Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, nơi quy tụ tới hơn 10 ngàn xe đầu kéo và số lượng rơ moóc, sơmi rơ moóc gấp 2 - 3 lần số lượng đầu kéo không đồng tình. Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã nhiều lần phản ánh và đến nay vẫn bảo lưu quan điểm là thu như vậy sẽ dẫn đến cảnh một phương tiện phải nộp phí 2 lần.

Còn nói như ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội giao nhận - kho vận Việt Nam: Đã thu phí BTĐB trên đầu phương tiện là đầu kéo với mức thu 270 - 390 ngàn đồng/tháng. Thì không thể “đánh” tiếp lên phần đuôi của phương tiện là rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc nữa. Bộ GTVT cũng đã tính toán chỉ có khoảng 16% số xăng và 4% lượng dầu được bán lẻ cho các loại phương tiện không đi trên đường bộ tiêu thụ. Như vậy, việc thu phí BTĐB qua xăng dầu vốn đơn giản lại được cho là rất phức tạp.

Trong khi đó, với 35 triệu xe gắn máy trên cả nước, mức thu phí BTĐB sẽ do HĐND các tỉnh, thành quyết định trong khoảng 50 - 150 ngàn đồng nên chắc chắn mức thu ở các địa phương nghèo sẽ chỉ trên mức thấp nhất chút ít. Đã vậy, với khu vực nông thôn, số tiền thu phí BTĐB từ xe máy sẽ được trích lại đến 20% để phục vụ hoạt động. Trừ tiếp đi các khoản chi phí nuôi bộ máy Hội đồng quản lý quỹ, khoản phí BTĐB thu về từ xe máy sẽ càng teo nhỏ lại.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn mất cân đối giữa khoản vốn đầu tư xây dựng mới và vốn bảo trì. Từ năm 2002 đến nay, tỷ lệ vốn đầu tư xây mới đạt 88 – 94% trong khi vốn bảo trì chỉ có từ 6 - 12%. Riêng vốn dành cho việc bảo trì hệ thống đường quốc lộ chỉ đạt 2.500 - 2.600 tỷ đồng trong 2 năm gần đây. Năm nay nguồn vốn này là 2.770 tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Với các tuyến đường do địa phương quản lý, mức vốn cho việc bảo trì còn thấp hơn, chỉ đạt từ 20 - 30%. Tình trạng trên dẫn đến hiện tượng cầu, đường xuống cấp trầm trọng do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Vì vậy, việc thu phí tạo quỹ BTĐB là hết sức cần thiết. Nhưng chọn giải pháp thu phí nào đỡ tốn kém, không phải nuôi cả bộ máy cồng kềnh là việc vẫn phải tiếp tục được xem xét.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc