Còn lâu mới lấy được tiền bồi thường

21:26, 31/01/2013
|

Liên quan đến việc phía nhà thầu Tokyu Nhât Bản yêu cầu bồi thường 200 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng tại công trình xây dựng cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng khẳng đinh: “Nhà thầu Tokyu sẽ rất khó được khoản tiền bồi thường”.

Còn lâu mới lấy được tiền bồi thường

Tại cuộc gặp cuối năm của Bộ GTVT với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đã thẳng thắn trả lời một số vấn đề đang gây chú ý trong dư luận thời gian qua.

Trước những câu hỏi xung quanh vấn đề nhà thầu Tokyu Nhât Bản yêu cầu bồi thường 200 tỉ đồng do chậm bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng khẳng định nhà thầu Tokyu sẽ rất khó được khoản tiền bồi thường. Tuy nhiên, qua sự việc trên, Bộ cùng phải bàn bạc và đúc rút những kinh nghiệm về sau.

Dẫn chứng cho lời khẳng định này, Thứ trưởng Hùng cho hay: “Khi một vụ kiện tụng nhau, nói về mặt tình là thế nhưng để đi đến lý thì còn nhiều vấn đề... Cách đây khoảng 20 năm, một gói thầu của Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) cũng đã xuất hiện chuyện tương tự và sau đó, Bộ Giao thông Vận tải phải đứng ra giải quyết nhưng lúc ấy trong hợp đồng có quy định rõ ràng. Vụ việc ở cầu Nhật Tân vẫn đang trong giai đoạn họp bàn nhưng đòi được tiền là rất khó."

Tranh giành nhau làm tổ trưởng tổ dân phố

Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Lê Hoàng Minh - Chánh văn phòng Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, tính đến nay, công tác thu phí sử dụng đường bộ triển khai khá tốt. Trong một tháng vừa qua, cả nước đã thu được 300 tỉ đồng.

Theo ông Minh, kể từ khi Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, theo Nghị định 18 và Thông tư 197, các trạm này phải dừng. Bộ Giao thông Vận tải đã dừng hoàn toàn 17 trạm thu nộp ngân sách Nhà nước. Thời gian tới, còn 10 trạm thu phí ngân sách nữa sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai công tác thu phí cho hợp lý.

“Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã tính tới hai phương án, thứ nhất là kiến nghị với Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là từ 1/3 sẽ dừng thu các trạm thu phí đó. Tiền giải quyết là ngân sách nhà nước bỏ ra. Thứ hai, nếu Ngân sách nhà nước không có khả năng trả thì phải sử dụng tiền của Quỹ bảo trì đường bộ hoàn vốn lại cho doanh nghiệp” ông - Minh tiết lộ.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết thêm, trước đây, năm trạm đã được bán quyền thu phí là do không có nguồn vốn bảo trì nên phải bán với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để lấy tiền sử dụng cho công tác bảo trì đường bộ.

Đề cập đến việc thu phí sử dụng đường bộ xe máy, theo ông Minh, có nhiều người dân và địa phương hiểu nhầm về quy định thu phí đường bộ xe máy là Bộ Giao thông Vận tải nhờ các địa phương thu hộ xe máy rồi chuyển về Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Trách nhiệm thu phí xe máy thuộc thẩm quyền của địa phương và Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Quỹ bảo trì đường bộ thu từ xe máy thì do địa phương thu và giữ lại 100% để bảo trì, duy tu sửa chữa đường bộ địa phương chứ Bộ Giao thông Vận tải, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương không lấy một đồng nào.

Trước đây, các tổ dân phố vẫn tiến hành thu một số khoản tiền như thu thuế đất. Hiện nay, thu phí sử dụng đường bộ xe máy cũng chỉ là việc làm song song của họ nên không cần thiết phải huy động bộ máy cồng kềnh như dư luận lo ngại. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, hiện nay, ở một số tổ dân phố đã xuất hiện tình trạng tranh nhau làm tổ trưởng bởi việc xã phường thu phí sử dụng xe máy sẽ được trích số tiền % để trả lại cho tổ chức thu.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc