Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với quyền con người

18:14, 31/01/2013
|

(VnMedia) - Những cụm từ được các nhà khoa học gọi là ngôn ngữ mang tính “ban ơn” ở Hiến pháp trước như “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện” đã không còn trong Dự thảo sửa đổi…

 

Những thay đổi đặc biệt tích cực trong Dự thảo

 

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vị trí của Chương đã được chuyển từ Chương V (Hiến pháp năm 1992) lên Chương II. Theo phân tích của Thạc sĩ Nguyễn Linh Giang trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, đây là việc làm hợp lý vì đã thể hiện sự tôn trọng của nhà nước với Quyền con người và Quyền công dân, đồng thời, thể hiện rõ nét tư tưởng, quan điểm: Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải lấy quyền con người, quyền công dân làm cơ sở, làm trung tâm.

 

Thạc sĩ Nguyễn Linh Giang cũng cho rằng, tên gọi của chương liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay đều là “Nghĩa vụ và quyền của công dân” hoặc là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đến lần sửa đổi này thì tên gọi là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã bao quát được nội dung của Chương này và phân biệt được rõ ràng quyền con người và quyền công dân.

 

Cùng với đó, trong bản dự thảo đã bổ sung thêm một số quyền mới và quan trọng mà Hiến pháp 1992 còn thiếu, đó là các quyền: Quyền được sống và nghiêm cấm cưỡng bức lao động, đồng thời Dự thảo cũng đã bổ sung thêm một số quyền quan trọng khác như quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của công dân và quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người.

 

Đặc biệt, theo Thạc sĩ Giang, trong ngôn ngữ thể hiện, những cụm từ được các nhà khoa học gọi là ngôn ngữ mang tính “ban ơn” ở Hiến pháp trước như “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện” đã không còn trong Dự thảo sửa đổi. Thay vào đó là các cụm từ “Mọi công dân có quyền”, hoặc là “Mọi người có quyền”.




 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

 

Một số quyền con người theo Luật Nhân quyền quốc tế

 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, trong đó quyền con người được đặc biệt quan tâm. Nhân sự kiện này, VnMedia xin giới thiệu với độc giả danh sách 30 quyền của con người theo Luật Nhân quyền quốc tế (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR), Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), tham chiếu với Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 của Việt Nam.

 

- Quyền sống. Quyền này được quy định trong Điều 3 UDHR, Điều 6 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Điều 71 Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001.

 

- Quyền tự do và an toàn cá nhân (Điều 3 UDHR, Điều 7, 8, 9, 10, 11, 14, 15 ICCPR, Điều 71, điều 72 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền không bị bắt làm nô lệ, nô dịch hay bị cưỡng bức lao động (Điều 4 UDHR, Điều 8 ICCPR, Điều 71, điều 72 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 )

 

- Quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục Điều 5 UDHR, Điều 8 ICCPR)

 

- Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện (Điều 9 UDHR, Điều 9 ICCPR, Điều 71 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 )

 

- Quyền không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ (Điều 11 ICCPR)

 

- Quyền được suy đoán vô tội (Điều 11.1 UDHR, Điều 72 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền không bị áp dụng hồi tố (Điều 11.2 UDHR, Điều 15 ICCPR)

 

- Quyền được thông báo lời buộc tuội không chậm trễ, được sử dụng và hỗ trợ sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong tố tụng (Điều 14 ICCPR)

 

- Quyền được bào chữa và trợ giúp của luật sư ngay khi bị bắt hoặc giam giữ (Điều 14 ICCPR, Điều 132 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền không bị buộc phải chứng minh chống lại mình (Điều 14 ICCPR)

 

- Quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập và không thiện vị, được lập ra theo pháp luật (Điều 10 UDHR, Điều 72, 126, 130, 131 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được xét xử trong thời gian hợp lý và không bị trì hoãn (Điều 9 ICCPR)

 

- Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng (Điều 16, 26 ICCPR, Điều 52. điều 63 namnữ bình đẳng - Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

- Quyền bí mật đời tư (Điều 13 UDHR, Điều 17 ICCPR, Điều 73 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi ở (Điều 13 UDHR, Điều 12, 13 ICCPR, Điều 68 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền sở hữu (Điều 17 UDHR, Điều 58 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18 UDHR, Điều 18 ICCPR, Điều 70 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền tự do ngôn luận và thông tin (Điều 19 UDHR, Điều 18, 19 ICCPR, Điều 69 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền tự do hội họp, lập hội (Điều 20 UDHR, Điều 25 ICCPR, Điều 69 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước (Điều 16 UDHR, Điều 25 ICCPR, Điều 53, 54 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền kết hôn, bình đẳng trong hôn nhân, bảo hộ gia đình (Điều 16 UDHR, Điều 23 ICCPR, Điều 64 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng (Điều 25 UDHR)

 

- Quyền làm việc và được bảo đảm các điều kiện lao động thích đáng (Điều 23 UDHR, Điều 55 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được giáo dục, học tập: miễn và phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục ở các cấp tiếp cận được với mọi người (Điều 26 UDHR, Điều 59 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 25 UDHR, Điều 61 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001)

 

- Quyền được bảo trợ xã hội, hưởng an sinh xã hội (Điều 22 UDHR, Điều 9 ICCPR)

 

- Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa (Điều 15 ICESCR)

 

- Quyền được hưởng các lợi ích và ứng dụng của tiến bộ khoa học (Điều 15 ICESCR)

 

- Quyền được bảo vệ quyền tác giả và hưởng lợi phát sinh từ sản phẩm trí tuệ của mình (Điều 15 ICESCR)


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc