340 tỷ đồng và 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập

20:59, 31/01/2013
|

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” với kinh phí dự kiến 340 tỷ đồng.

4 mục tiêu cơ bản

Cụ thể, đề án sẽ tập trung giải quyết 4 mục tiêu cơ bản: Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho lao động; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.

Đề án cũng phấn đấu nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ với mục tiêu cụ thể là 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Tiếp tục duy trì 100% cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc;

Đề án cũng phấn đấu 90% công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương; tiếp tục tăng tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu 95% công nhân được qua đào tạo nghề.

Hằng năm, tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Trong đó phấn đấu 50% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục.

Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục

Một trong các giải pháp được đưa ra là tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

Đồng thời, củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng; mở rộng địa bàn hoạt động đến các thôn, bản, cụm dân cư; đa dạng hóa nội dung giáo dục; phấn đấu tăng số lượng trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã hoạt động có hiệu quả.

Đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên, mở rộng quy mô hợp lý, nâng cao chất lượng, năng lực của các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập; đồng thời thành lập mới trung tâm giáo dục thường xuyên ở các quận, huyện, tỉnh, thành phố hiện nay chưa có; phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện các nhiệm vụ: Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo từ xa ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho mọi người.

Kinh phí của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” được phê duyệt là 340 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2012-2015 – 150 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 – 190 tỷ đồng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc