Đại biểu đề nghị không thu hồi đất của dân

14:50, 07/11/2012
|

(VnMedia) - Chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các vấn đề được thảo luận là giá đất; cơ chế thu hồi đất; giao đất cho thuê đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư; giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo về đất đai…
 
Theo đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM), đất đai đã là tài sản thì không thể thu hồi khi đang sử dụng hợp pháp. Ông cho rằng, dùng từ “thu hồi” là sự cào bằng giữa người chấp hành tốt với người không chấp hành tốt. Đại biểu này đề nghị cần sửa đổi luật theo hướng từ “thu hồi” thành “nhà nước trưng mua, trưng dụng và chỉ áp dụng trong những trường hợp cần thiết”.
 
Tôi đề nghị thời gian tới có Luật trưng mua trưng dụng tài sản, trong đó có đất đai” - đại biểu TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
 
Đại biểu Lê Trọng Sang phân tích, việc nảy sinh bất cập là do bất bình đẳng, giá đất bồi thường khác với giá thị trường nên nảy sinh so sánh, cùng một thửa đất nhưng có 2 giá khác nhau, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
 
Ông Sang đề nghị, khi sửa đổi cần thu hẹp phạm vi các mục đích thu hồi đất. Đối với các dự án kinh doanh nên tự thỏa thuận, khi đã được 80% thì doanh nghiệp có quyền được cơ quan nhà nước hỗ trợ. Ông cũng đề xuất, để hạn chế tình trạng khiếu kiện, cần đưa phương pháp thặng dư để định giá đất nông nghiệp.
 
Góp ý cho Dự thảo, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng quyền sở hữu chủ của nhà nước chưa thực hiện được. “Hiện nay Nhà nước chỉ thực hiện quyền quy hoạch sử đất, quyết định sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất. Vì thế, luật lần này phải phục hồi được quyền sở hữu chủ về đất đai để giảm tranh chấp” - đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất.
 
Phân tích về giá đất, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, nhà nước có quyền quy định về giá đất, nhưng vì đất đai là hàng hóa đặc biệt nên việc định giá là rất quan trọng. Theo đại biểu Ánh, sai lầm lớn nhất là việc quy định hai loại giá (giá khi nhà nước thu hồi vì mục đích nào đó và giá kinh doanh).
 
Điều rất vô lý là cùng một thửa đất nhưng có đủ các loại giá trên đó, giá đất thổ cư, đất ruộng…, theo tôi, chỉ tính một giá và áp dụng vào thời điểm định giá, trước khi quy hoạch, trong khi hay sau khi quy hoạch có giá khác nhau. Quy hoạch đến đâu thì áp giá đến đó. Nếu sang năm làm tiếp thì áp giá thời điểm mới” – đại biểu Ánh đề xuất.
 
Còn đại biểu Nguyễn Văn Phụng thì đề nghị nên điều tra trước khi thu hồi hoặc lấy ý kiến của người dân để tham khảo ý kiến trước khi thu hồi. Theo đại biểu Phụng, nên có cơ quan kiểm định giá độc lập hoặc cơ quan tư vấn giá.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh góp ý cho Dự thảo Luật đất đai


Trong khi đó, đại biểu Trương Ngọc Nghĩa đánh giá, dự thảo chưa có cải cách và thoát được tư duy cũ, chính là tư duy gây xáo trộn biến động. Ông lấy ví dụ như điều 3 dự thảo ghi: “Việc quản lý sử dụng đất đai phải tuân theo quy định của Luật này, trường hợp… thì áp dụng các quy định khác có liên quan”. Theo ông, không thể quy định như vậy được và cần phải bỏ câu này trong luật.
 
Góp ý cho Dự thảo luật, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng, ban soạn thảo đã nỗ lực nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ông cũng đồng tình với quan điểm cần phải thừa nhận quyền sử dụng đất như quyền tài sản. “trưng mua trưng thu thì được chứ không thu hồi được” - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 15 chương và 190 điều, quy định cụ thể về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... tăng thêm 7 chương và 44 điều so với Luật Đất đai năm 2003.

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tập trung vào những vấn đề như: Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành và mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai;…

Mục đích sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; giảm khiếu kiện về đất đai bằng cơ chế tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;…


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc