(VnMedia) - Hôm nay (7/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo báo cáo, từ năm 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có 3.829 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, nhưng riêng năm 2010 có 3.214 đoàn và năm 2011 thì có tới 4.159 đoàn. Trong số đó, trên 70% số vụ việc là khiếu nại, số còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vướng mắc rất lớn trong việc giải quyết khiếu nại về đất đai là do sự chồng chéo, bất cập của các văn bản pháp luật. Theo đó, ngoài Luật Đất đai còn có 20 luật có nội dung liên quan đến đất đai, 22 nghị định của Chính phủ, 12 chỉ thị, 17 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 230 văn bản của các bộ, ngành liên quan khác.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân còn là do sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.
Ma trận văn bản pháp luật
Thảo luận tại hội trường trong cả ngày 7/11, hầu hết các đại biểu đều nêu lên những bất cập trong chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Theo đó, chính sách pháp luật về quản lý đất đai còn chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi và chưa đồng bộ. Có quá nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đất đai. Trong các văn bản hướng dẫn lại có sự chồng chéo mâu thuẫn, từ đó việc áp dụng thực hiện gặp khó khăn dễ xảy ra sai sót.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định: “Một ma trận trong các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một sự rối cho cơ sở khi thực hiện. Bên cạnh đó thì việc khiếu nại đòi lại đất cũ của người dân khá nhiều và phổ biến trên cả nước.”
Ngoài ra, hàng loạt nguyên nhân khác cũng được các đại biểu chỉ ra. Theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu. Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân.
Còn đại biểu Huỳnh Văn Tiếp - TP Cần Thơ thì nhận định, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, có không ít trường hợp cấp trên đã có ý kiến kết luận, quyết định và chỉ đạo giải quyết, nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, công tác thanh tra của cán bộ địa chính và chính quyền địa phương về quản lý đất đai còn bất cập dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát và sử dụng đất kém hiệu quả, dẫn đến việc khiếu kiện của người dân.
Đại biểu Trương Minh Hoàng nêu lên một nguyên nhân quan trọng, đó là những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu của những cán bộ có quyền và trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, khiến người dân bức xúc.
Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) thì đánh giá, sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khiếu kiện của người dân. Theo đó, Luật Đất đai quy định người được giao đất, thuê đất, phát sinh quyền sử dụng đất, do đó người sử dụng đất xem quyền sử dụng đất như một quyền tài sản của mình, dù quyền sở hữu thuộc về toàn dân, do nhà nước đại diện.
Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định khi nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất thì bồi thường theo giá thị trường. “Quy định như vậy có nghĩa là nhà nước mua lại quyền sử dụng đất đã giao, kể cả đất giao không thu tiền như đất nông nghiệp. Đây là mâu thuẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng mà hậu quả xảy ra trên thực tế là người dân đòi cho được giá thị trường giống như bán lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, trong khi đó giá thị trường trên thực tế vượt quá xa giá trị sử dụng hiện hữu của miếng đất.” – đại biểu tỉnh Quảng Nam phân tích.
Ảnh minh họa |
Giải quyết "căn cơ" bất cập của Luật Đất đai
Góp ý cho Dự thảo luật, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hồ Thị Thủy đề nghị bổ sung những điểm chưa phù hợp của Luật đất đai, đảm bảo hài hòa các mục đích của nhà nước, của người sử dụng đất và của người có đất bị thu hồi. Cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai cần thống nhất đồng bộ với Luật khiếu nại, tố cáo và các luật khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi và sửa đổi một số bất cập của các luật khác có liên quan đến giải quyết khiếu nại về đất đai. Những vấn đề cần cụ thể nên quy định rõ trong các luật để hạn chế sự quá tải của các văn bản dưới luật.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tấn đề xuất, cần phải khắc phục từ hai phía, cả chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện, để chính sách pháp luật không còn mâu thuẫn, chồng chéo và khâu tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, minh bạch, công bằng. Chính quyền cơ sở phải tâm huyết năng động và chính quyền cấp trên biết lắng nghe.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thuộc cơ quan Chính phủ để từng bước khắc phục thiếu sót bất cập về cơ chế chính sách làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, nhà nước cần thực hiện đúng chức năng cung cấp dịch vụ công trong việc thu hồi đất, nhà nước chỉ điều chỉnh những quan hệ giao dịch đất trong trường hợp cần bảo vệ nhóm yếu thế hoặc vì lợi ích chung của quốc gia.
Trong khi đó, đại biểu Thân Đức Nam kiến nghị, cần giải quyết căn cơ những nguyên nhân bất cập của Luật Đất đai, về cơ chế thu hồi đất, trong đó có cơ chế thu hồi đối với các dự án công ích và cơ chế chuyển nhượng theo quan hệ dân sự đối với các dự án thương mại.
Ý kiến bạn đọc