Quặn lòng chết “oan” tập thể do con người

18:58, 15/09/2012
|

(VnMedia)Hai năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ trẻ nhỏ, học sinh chết đuối tại các công trình xây dựng, các ao hồ. Đáng tiếc hơn, những cái chết thương tâm này lại bắt nguồn từ chính sự chủ quan, vô trách nhiệm của con người.
 

Những hố công trình cướp mạng trẻ nhỏ

Có lẽ đến bây giờ, nhiều gia đình ở thôn Phú Đô, Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa quên nỗi đau khi chỉ trong một buổi chiều 2 gia đình đã mất đi 4 đứa con đứt ruột đẻ ra do bị hố nước công trình đang thi công cướp mạng.

Vào cái buổi chiều tang thương hôm đó, chiều 14/8/2011, 2 cặp anh em ruột là Nghiêm Văn Hưng (11 tuổi), Nghiêm Văn Huy ( 8 tuổi), Ngô Văn Hưng (12 tuổi) và Ngô Văn Hùng (7 tuổi), tất cả đều trú tại xóm 2, rủ nhau đi chơi.

Đến tối cùng ngày, sau khi đi làm về, gọi mãi không thấy con trả lời, mọi người mới hô hoán nhau đi tìm. Đến 22h cùng ngày, người dân mới tỏa ra cánh đồng, nơi có các công trình đang thi công tiếp tục tìm kiếm.

Tại đây, mọi người phát hiện trên bờ của hố công trình gần đó có nhiều đôi dép nên sinh nghi. Sau nửa tiếng lội xuống tìm kiếm, người dân lần lượt phát hiện ra 4 thi thể lạnh ngắt của những đứa trẻ xấu số đang nằm dưới đáy hố công trình.

Hố công trình mà các cháu nhỏ gặp nạn nằm trong dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Sau một thời gian thi công, hiện công trình vẫn chưa hoàn thiện, công trường ngổn ngang vết đào bới. Hố công trình sau khi đào xong không được lấp cát, mưa lớn làm đoạn đường thi công này ngập nước, mặt khác lại không có biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân biết nên đã gây hậu quả đau lòng.

 Ảnh minh họa

Hố công trình thi công đường Láng - Hoà Lạc, nơi đã cướp đi 4 mạng trẻ nhỏ cuối năm 2011.


Không kém phần tang thương là vụ 3 cháu bé không may lọt xuống hố nước công trình thiệt mạng ở Đồng Tháp. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h ngày 22/6/2012 tại hố nước của công trình bơm cát xây dựng khu dân cư ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp).

Vào buổi chiều định mệnh ấy, 3 cháu bé gồm: Nguyễn Minh Huỳnh Như (8 tuổi), Nguyễn Minh Đạt (6tuổi, em ruột Như) và em họ Đinh Lý Thu Trâm (7 tuổi) - cùng ngụ tại khóm 1,phường 1, thị xã Sa Đéc, rủ nhau ra hố cát công trình san lấp mò cua, bắt ốc.Đúng lúc đó, cát bị lún, 3 em Như, Đạt, Trâm bị kéo xuống nước. Bé Cường ở trên bờ thấy vậy vội chạy về báo tin. Khi người dân chạy đến thì cả 3 bé đã tử vong.

Công trình xảy ra tai nạn ở xa khu dân cư. Trong quá trình san lấp, đơn vịthi công không hề dựng rào chắn hay đặt biển báo hiệu nguy hiểm.

Cách vụ 3 trẻ nhỏ bỏ mạng tại công trình san lấp ở Đồng Tháp khoảng 2 tháng, chiều 31/8/2012, thấy trời sắp mưa, chị Trần Thị Thủy (47 tuổi) ra hố nước gần nhà đuổi vịt về chuồng nhưng không may bị trượt chân rơi xuống hố.

Thấy mẹ đi lâu về, chị Trịnh Thị Thu (21 tuổi) liền bế đứa con nhỏ ra khu vực trên để tìm. Tới nơi, thấy mẹ đang vẫy vùng dưới hố nước, chị Thu đặt đứa bé xuống đất rồi lao ra hố nước ứng cứu. Vì hố quá sâu nên không những không cứu được mẹ, chị Thu cũng bị chìm nghỉm.
Ít phút sau, hàng xóm nghe tiếng cháu bé ngồi trên bờ khóc thất thanh liền chạy ra thì hai mẹ con chị Thuỷ đã tử vong. Hố nước này rất sâu, được hình thành từ việc khai thác đất của một doanh nghiệp.

Gia đình nạn nhân đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đề nghị điều tra lại quy trình khai thác đất và các yếu tố đảm bảo an toàn cũng như hoàn trả mặt bằng sau khi khai thác. Trước đó, năm 2010, cũng tại khu vực này xảy ra vụ chết đuối tại một hố nước công trình không có rào chắn khiến một cụ ông thiệt mạng.

Mới đây nhất, chiều 12/9, được nghỉ học buổi chiều, 11 em học sinh nữ lớp 7 và 8 của trường THCS An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội) đã rủ nhau đi chơi ở hồ chứa nước Tuy Lai, rộng hàng trăm ha. Sau đó, các em cùng xuống hồ tắm, không may 8 em đã bị chết đuối, 3 em thoát nạn. Đáng tiếc là mấy năm nay hồ Tuy Lai liên tục xảy ra tai nạn do chết đuối nhưng Ban Quản lý hồ không hề có biện pháp gì để tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toàn cho những người xung quanh.

 Ảnh minh họa

Người dân và bộ đội tham gia cứu vớt các nạn nhân chết đuối.


Khi nào mới hết những cái chết “oan” do sự thờ ơ của con người?

Có thể thấy rằng, hầu hết các vụ chết người trên đều có ít nhiều phần thiếu trách nhiệm, sự tách trách của các đơn vị thi công, cơ quan quản lý công trình công cộng. Nếu những đơn vị thi công, các cơ quan quản lý có trách nhiệm với những việc mình làm hơn, chú ý đến sự an toàn của cộng đồng xung quanh hơn thì đã không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như vậy.

Còn nhớ, sau vụ 4 đứa trẻ trong 2 gia đình ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) chết thảm dưới hố nước công trình không rào chắn đường Láng – Hoà Lạc cuối năm 2011, sau khi báo chí đưa tin rầm rộ, cảnh sát đã vào cuộc điều tra nhưng sau đó mọi trách nhiệm cũng chỉ là tại… các nạn nhân không may nên xấu số.

Trao đổi với VnMedia, một luật sư cho biết, với những vụ việc như thế này dù rất đau lòng nhưng người thân của các nạn nhân cũng chỉ biết yêu cầu các cơ quan điều tra làm rõ.

“Họ có thể kiện ra toà nhưng phải thu thập được chứng cứ để chứng minh lỗi đấy là do đơn vị thi công làm ra. Nhưng để làm được như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian nên người dân thường ngại và không ngoại trừ trường hợp nhiều người không hiểu biết pháp luật nên chỉ biết chờ đợi vào phán quyết của cơ quan có trách nhiệm nên hầu hết các vụ việc đều rơi vào quên lãng”, một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Tai nạn là bất ngờ và không thể phòng trước, chỉ có thể hy vọng rằng, mỗi đơn vị thi công, đơn vị quản lý các công trình công cộng hãy nâng cao trách nhiệm với xã hội với cộng đồng, các gia đình tăng cường giáo dục, quản lý con em để bớt xảy ra những tai nạn thương tâm như trên.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc