(VnMedia) - Được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc, tăng năng lực lưu thông, giúp phát triển kinh tế, xã hội nhưng do sự chậm trễ trong thi công, các dự án về giao thông ở Hà Nội đang khiến cho người dân Thủ đô phải chịu rất nhiều bức xúc.
>> "Con đường đau khổ" ngổn ngang trước hạn hoàn thành
Cầu càng sửa càng… hỏng
Cuối năm 2009, trước sự xuống cấp của cầu Thăng Lòng, cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải đã chi ra khoản kinh phí gần 100 tỷ đồng để sửa chữa, vá lại lớp nhựa mặt cầu.
Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án 2 (PMU18 cũ) làm chủ đầu tư, sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới, nên thời hạn bảo hành là 2 năm, đến 30/11/2012. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác đến nay, mặt cầu Thăng Long luôn xảy ra sự cố với hàng loạt vết nứt, trồi, sụt… gây ảnh hưởng tới các phương tiện giao thông. Sau đó, hàng loạt phương án sửa chữa tiếp tục được đưa vào thực thi, song kết quả vẫn đâu vào đó, mặt cầu vẫn tiếp tục hư hỏng, xuống cấp.
Đặc biệt, hậu quả của sự hư hỏng mặt đường là ẩn họa tan nạn, nguy hiểm luôn rình rập người tham gia giao thông. Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông số 6 Công an Hà Nội, chỉ trong tháng 7/2012, chính những hư hỏng của mặt cầu là nguyên nhân gây ra gần chục vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người. Mới đây, để hạn chế tai nạn do mặt cầu quá xấu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phải cắm biển hạn chế tốc độ.
|
Dù được sửa chữa rất nhiều lần nhưng đến nay mặt cầu Thăng Long vẫn tiếp tục hư hỏng. Sự xuống cấp của cây cầu này đang là nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông ở Thủ đô.. |
Đường thành nơi họp chợ, đổ phế thải và bãi đỗ xe
Sau khi được đầu tư, cải tạo mở rộng, phố Trần Đại Nghĩa (nằm trên địa bàn 2 phường Bách Khoa và Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã khang trang sạch đẹp, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi, góp phần cải tạo cảnh quan khu vực.
Thế nhưng, dù mới đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm hiện tại bất cứ ai đi qua con phố này cũng phải ngán ngẩm. Tại khu vực tiếp giáp phố Đại La cứ chiều chiều là hàng rong đã biến lòng đường thành nơi họp chợ với người mua, kẻ bán tấp nập nên vào giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông.
Đáng nói hơn cả, đoạn cuối đường Trần Đại Nghĩa, từ khu chung cư 229 Phố Vọng trở đi, nhiều năm nay vẫn đang xây dựng nhưng chưa hoàn thành càng gây khó khăn, bức xúc cho người dân vì ô nhiễm môi trường, sử dụng sai mục đích (công trình thành bãi rác, bãi đỗ xe).
Mới đây, khi giải trình về sự chậm trễ của tuyến đường này, đại diện lãnh đạo Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành gói thầu theo đúng kế hoạch.
2km đường và kênh mương, thi công 10 năm chưa hoàn thiện
Không riêng gì tuyến đường Trần Đại Nghĩa, chỉ khoảng 2km đường và kênh mương nhưng dự án mở đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Thái Thịnh tới đường Láng (Hà Nội) đã được thi công suốt 10 năm nay không xong. Sự ì ạch của dự án khiến người dân sinh sống gần đây không khỏi bực mình.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2003, với mục tiêu vừa cống hóa mương vừa làm đường góp phần giảm ùn tắc trong nội ô và giảm mưa ngập trên địa bàn thành phố. Mặc dù, đã được thi công nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này, tiến độ của dự án vẫn hết sức "ì ạch".
Gần mười năm sau khi dự án được khởi công, thời điểm này, công trình vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dự án này chính là các hộ dân ở cụm dân cư dọc hai bên khu vực cống hóa mương thuộc phường Thịnh Quang. Suốt nhiều năm liền, đường sá bị đào xới, khiến hệ thống thoát nước ở đây tê liệt. Hàng nghìn hộ dân, người ở trọ phải hứng chịu cảnh ngập lụt, bụi bặm khiến nhiều hộ dân rất bức xúc.
|
Đến nay một số đoạn trên "con đường đau khổ" vẫn chưa hoàn thành. Hàng ngày, người dân đi lại qua đây vẫn đang phải chịu cảnh bụi mù. |
Con đường 5 lần lãnh đạo Hà Nội xuống chỉ đạo vẫn… tắc
Dự án cải tạo nâng cấp QL32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn) được Bộ GTVT phê duyệt, với mức đầu tư dự kiến khoảng 891,543 tỷ đồng, được thực hiện thông qua nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ.
Đây là dự án quan trọng, liên quan mật thiết tới các công trình trọng điểm của Thủ đô do Ban Quản lý dự án 5 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, UBND Hà Nội chịu trách nhiệm GPMB. Từng được ví là "con đường đau khổ", đường 32 (Cầu Diễn - Nhổn) - tuyến huyết mạch phía tây Hà Nội bị ngừng trệ thi công từ năm 2003. Sau khi được thi công trở lại, dự án này được UBND Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long, nhưng sau đó phải lỗi hẹn với đại lễ.
Đến nay, dù đã 5 lần được lãnh đạo Hà Nội thị sát, chỉ đạo, tìm giải pháp sớm thông xe để người dân đỡ khổ nhưng tiến độ thi công trên con đường này vẫn ì ạch, dang dở và chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Hiện việc thi công trên tuyến đường này vẫn đang hết sức ì ạch. Hàng ngày, hàng nghìn người dân đi lại trên tuyến này vẫn phải hít bụi đường và gặp nhiều khó khăn trong di chuyển do tiến độ công trình… rùa.
Ý kiến bạn đọc